Walt Disney: Có ai ngờ, kẻ bị tước mất tuổi thơ lại là người mang câu chuyện vui tươi đến cho trẻ em trên thế giới !
Nhắc đến chuột Mickey, Lọ Lem, Bạch Tuyết và bảy Chú Lùn, Pinocchio, Vịt Donald,… bạn sẽ nhớ đến ai?
Vâng ! Có thể bạn sẽ nhớ ngay đến hình ảnh tuổi thơ của mình hoặc là những thước phim hoạt hình của Walt Disney. Đúng vậy, hôm nay tôi sẽ kể về những câu chuyện của Walt Disney và bài học từ cuộc đời ông.
Mục Lục Nội Dung
#1. Walt Disney là ai?
Walt Disney tên khai sinh là Walter Elias Disney, ông sinh ngày mùng 5 tháng 12 năm 1901 tại Chicago, Illinois, Hoa Kỳ.
Walt Disney đã thành công trong ngành công nghiệp phim hoạt hình, thay đổi cách giải trí của người Mỹ, đưa phim hoạt hình đến với truyền hình, tác động đến nhiều thế hệ trẻ em trên đất Mỹ và nhận được 22 giải Oscar.
Những bộ phim của Disney luôn mang đến cái kết có hậu, nhưng ít ai biết ông lớn lên trong hoàn cảnh thiếu thốn, từ vật chất lẫn tinh thần.
Ông đến với thành công bằng cuộc sống nghèo khó, gian nan và nhiều thất bại. Nhưng dưới con mắt của ông, đó là bài học để đến gần tới thành công hơn.
Trước khi đến với bài học mà Walt đã rút ra trong đời mình, để tôi kể bạn nghe chuyện đời đầy thách thức của ông nhé !
Xem chi tiết về tiểu sử của Walt Disney trên Wikipedia tại đây !
#2. Tuổi thơ dữ dội của Walt Disney
Khi lên chín tuổi, Walt Disney đã phải làm việc 7 ngày mỗi tuần, với công việc chính là phát báo trong doanh nghiệp của cha.
Không giống như những đứa trẻ khác, cậu đã phải dậy từ lúc 3h30 phút mỗi sáng, đi phát báo trước khi đến trường và quay lại làm việc trước khi tan học.
Việc phát báo còn khó nhọc hơn vào những ngày đông lạnh giá. Nhiều hôm, Disney đã phải ngủ gật hoặc nằm cuộn tròn trong bao đựng báo để giữ ấm, rồi thức giấc lúc nửa đêm và vội vàng làm cho xong công việc của mình.
Bất công hơn, Walt không nhận được thù lao nào từ công việc đó. Số tiền kiếm được bao nhiêu, cha của ông lấy đi bấy nhiêu.
Trong tiểu sử của Walt Disney: Nhà sử học Neal Gabler, có viết lại câu trả lời phỏng vấn của ông: “Tôi đã làm việc mọi lúc … Tôi thực sự không có thời gian để vui chơi”.
Trong khi bạn bè cùng trang lứa có thời gian rảnh rỗi để chơi thể thao và kết bạn thì Disney chỉ có thời gian đùa nghịch với những đồ vật mà ông thấy ở hiên nhà, những nơi mà ông đã từng đi qua để phát báo.
Công việc đã tước đi tuổi thơ đẹp của Walt, có lẽ ấy là một thiệt thòi. Nhưng đau đớn hơn, mối quan hệ giữa Walt và cha (ông Elias Disney) cũng rất khắc nghiệt.
Elias Disney là một người rất nghiêm khắc, lạnh lùng, luôn tự hào về khả năng áp đặt quyền lực của mình trong gia đình. Khi ông thất bại trong kinh doanh, Walt trở thành nơi trút giận của cha, với những trận đòn roi bạo hành từ thể xác lẫn tinh thần.
Tuổi thơ của Walt Disney đầy bi kịch, đến nỗi sau 40 năm, ông vẫn còn bị ám ảnh trong giấc mơ. Ông thường xuyên thức giấc nửa đêm khi mơ thấy mình phát báo không thành công, còn cha đang chờ ông trở về để nghe báo cáo tình hình.
Càng ngày mối quan hệ giữa Walt với cha ngày càng nặng nề hơn. Ngày cha mất, Walt thậm chí vẫn đi công tác để không phải dự tang cha.
Dù tuổi thơ có phần dữ dội, Disney vẫn tiếp tục giữ lấy ước mơ xây dựng một doanh nghiệp sản xuất phim hoạt hình cho riêng mình. Nhưng con đường chạm tay đến ước mơ ấy đầy chông gai và nhiều lần vấp ngã.
#3. Thất bại liên tiếp thất bại
Khi mới 20 tuổi, Walt Disney gây dựng Laugh-O-Gram Studio – công ty sản xuất phim hoạt hình mà ông thành lập lần đầu tiên.
Không lâu sau đó, doanh nghiệp gặp trắc trở về vốn. Vì thế, ông cố gắng cứu lấy công ty với bộ phim “Alice ở xứ sở thần tiên”.
Thời gian đó, mỗi ngày Walt đều ngủ trên sàn của Studio, tắm tại ga tàu và ăn những hộp đậu hà lan nguội lạnh. Dù sống khổ cực và đã cố gắng, nhưng Laugh-O-Gram đã phá sản sau hai năm thành lập, Walt lại phải quay về với cuộc sống nghèo khó.
Tuyệt vọng, đau khổ tràn trề, ông cảm thấy bản thân đã thất bại trong mối quan hệ bạn bè, gia đình và các nhà đầu tư.
Nhưng rồi không thể mãi chôn vùi dưới đáy tinh thần, ông tiếp tục đến Hollywood để trở thành đạo diễn. Sau nhiều tháng tìm việc, Walt luôn nhận lấy thất bại. Có một suy nghĩ thoáng đến với ông lúc đó. Một thất bại trong đơn xin việc của ông.
Lời chửi rủa về thất bại của cha vẫn ám ảnh trong đời của Walt, nhưng ông vẫn không từ bỏ. Ông lùi lại một bước, một lần nữa liên hệ với nhà phân phối phim để sản xuất phim hoạt hình đang còn dang dở trước kia, “Alice ở xứ sở thần tiên”.
Lần này, Walt Disney lại nhận được sự may mắn.
Margaret Winkler, nhà phân phối phim New York đã đồng ý hỗ trợ ông và ra giá 1.500$ cho 6 bộ phim hài “Alice ở xứ sở thần tiên”.
Bộ phim này được đón nhận tích cực, và nhà phân phối lại tiếp tục đặt hàng thêm. Dù đây mới chỉ là một thành công nhỏ nhưng nó là một động lực vô cùng lớn để Walt tiếp tục theo đuổi sự nghiệp đời mình.
Câu chuyện của Walt Disney là câu chuyện đời có thật, mang kết thúc có hậu. Ông là biểu tưởng của những người lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn, đối diện với nhiều thử thách và thất bại. Ông đã xoay chuyển vận mệnh để đạt được thành công phi thường.
Hành trình đầy gian khổ nhưng ông luôn lựa chọn tiến lên phía trước và tìm ra bài học quý giá. Đón xem bài viết trong phần 2 nếu bạn cũng là người ngưỡng mộ Walt Disney giống tôi nhé !
- [ĐỌC TIẾP] phần #2 của bài viết này: Walt Disney: 5 bài học về tinh thần lạc quan và vực dậy sau thất bại !
__Phạm Thu Linh__ Blogchiasekienthuc.com__
Cám ơn ad. rất hay a.