Chúng ta đều biết rằng: “Những ai cho đi đều xứng đáng được nhận lại”. Nhưng đối với nhiều người, dù cho đi bao nhiêu tình cảm nhưng họ vẫn cảm thấy không xứng đáng để nhận lại được tình yêu thương.
Tội lỗi là một trong những lý do khiến chúng ta cảm thấy điều đó. Đôi khi chỉ là vô tình nhưng chúng ta không tránh khỏi những lúc làm tổn thương những người quan trọng với ta.
Tội lỗi cứ đeo bám và chúng ta cảm thấy không xứng đáng với tình yêu của những người xung quanh.
Cảm giác không xứng đáng được yêu thương là hệ quả từ cách nhìn của chúng ta về bản thân. Một người luôn tự trách mình thấp kém, đáng ghét, không thể chấp nhận được luôn có cảm giác người khác có cùng góc nhìn giống mình.
Đó cũng chính là lý do tại sao họ luôn sợ hãi những mối quan hệ sâu sắc.
Kể cả người khác có thấu hiểu, hay yêu thương họ đi chăng nữa, người đó vẫn đẩy người thương mình ra xa. Ấy là bởi, họ không tin mình đáng được yêu thương và trân trọng.
Họ thà chối bỏ tình yêu thương đó còn hơn thất vọng vì nhận lời từ chối của người khác.
Vào năm 1997, Don Miguel Ruiz và Janet Mills đã xuất bản cuốn sách self-help “Bốn thỏa thuận: hướng dẫn thực hành về giải phóng cá nhân” (The Four Agreements: A Practical Guide to Personal Freedom).
Cuốn sách hướng dẫn người đọc hướng tới hạnh phúc bằng cách cách ý thức về giới hạn niềm tin của mình. Niềm tin chính là tác nhân ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc đời chúng ta.
Mục đích thực hành của những thỏa thuận dưới đây để giúp chúng ta chữa lành mối quan hệ với bản thân.
Đó là những phương pháp giúp chúng ta tin vào giá trị của mình nhiều hơn, chấp nhận, thấu hiểu và chuyển hóa từ chán ghét bản thân sang yêu thương với bản thân nhiều hơn.
Mục Lục Nội Dung
#1. Cẩn trọng với lời nói
Ngôn ngữ gây ảnh hưởng sâu sắc đến niềm tin của chúng ta, vì thế hãy cẩn trọng trong lời nói.
Kể cả không nói ra, những ngôn từ trong suy nghĩ cũng có thể giải phóng hoặc kìm hãm chính bạn. Cẩn thận trong lời nói là không phán xét và không đổ lỗi cho chính mình.
Đã bao lần bạn tự cho rằng mình không đủ tốt, không đủ thông minh, không ưa nhìn, không đáng được yêu thương?
Càng lặp đi lặp lại những lời khẳng định đó, bạn sẽ tự thuyết phục chính mình tin vào điều đó. Kết quả là, bạn vô thức tạo nên những niềm tin tiêu cực và hành động theo niềm tin đó.
Vậy, điều gì sẽ xảy ra nếu bạn luôn ý thức về những ngôn từ khi nói chuyện với bản thân?
Thay đổi lời nói với bản thân sẽ giúp bạn thay đổi cách nhìn về chính mình. Khi đó, mọi hành động, niềm tin của bạn cũng sẽ thay đổi và người khác cũng thay đổi cách nhìn về bạn.
Hãy nhớ rằng, bao nhiêu người yêu thương bạn không quan trọng, quan trọng là bạn biết mình xứng đáng được yêu thương.
#2. Đừng xây dựng niềm tin dựa trên niềm tin của người khác
Khi ở trong những mối quan hệ, có lúc chúng ta cảm thấy vô dụng, lạc lõng, cô đơn bởi những lời nói gây sát thương từ người khác.
Khi nhận được phản hồi tiêu cực, chúng ta có xu hướng để những lời nói đó trong đầu. Dù không muốn nghĩ đến nhưng lời sát thương cứ vang lên như để đánh thức cảm giác dằn vặt trong ta.
Nếu cứ tiếp tục đón nhận những phản hồi tiêu cực, điều đó đồng nghĩa với việc bạn đã chấp nhận, và tin vào những phản hồi bên ngoài.
Như vậy, chẳng khác nào bạn đang biến những niềm tin của ngươi khác thành niềm tin của mình, và hành động theo nó.
Vì thế, ý thức sâu sắc về bản thân là điều vô cùng quan trọng. Khi tự biết mình là ai, bạn chẳng cần xác định giá trị bản thân dựa trên đánh giá của người khác.
Vì bạn biết, những lời phán xét ngoài kia chỉ dựa trên góc nhìn phiến diện và chỉ bạn mới có đầy đủ thông tin để có góc nhìn toàn diện về chính mình.
Khi biết giá trị bản thân nằm ở đâu, bạn sẽ không để giá trị của mình được quyết định bởi định kiến của người khác nữa.
#3. Đừng suy diễn linh tinh
Hãy tưởng tượng, bạn crush một ai đó. Sau nhiều lần đi chơi, bạn nhận thấy bạn vô cùng hợp và hạnh phúc khi ở bên người này.
Một ngày đẹp trời, bạn quyết định nói ra câu tỏ tình. Tất nhiên rồi, tỏ tình bằng tin nhắn dễ thở hơn. Sau khi run tay nhấn nút “gửi”, tim bạn đập thình thịch khi thấy thông báo “đã xem”.
Nhưng chỉ 15 phút sau thôi, khi không thấy tín hiệu phản hồi, bạn nghĩ, crush đang nghĩ gì?
Có lẽ, bạn sẽ có hàng trăm suy nghĩ về crush của bạn. Tôi không biết bạn suy diễn gì về họ, nhưng tôi biết những suy diễn đó đem đến nhiều tâm trạng khác nhau.
Chúng ta rất giỏi trong việc suy diễn, nhưng không may suy diễn tiêu cực có thể làm chúng ta trở nên căng thẳng và mệt mỏi.
Chắc không ít lần bạn cũng từng đưa ra những niềm tin tiêu cực kiểu như “Người đó sẽ không bao giờ yêu quý tôi”. Thực ra, đó chỉ là một suy diễn tiêu cực để bảo vệ bạn khỏi sự thất vọng, nỗi đau hoặc sự từ chối…
Nhiều khi, chưa có đủ bằng chứng thực tế nhưng chúng ta đã vội nhảy đến kết luận và trở thành nạn nhân của những suy diễn.
Những suy diễn của bạn về người khác chỉ là niềm tin của bạn phản chiếu lên họ. Bạn suy diễn người khác không yêu bạn là bởi vì bạn đang có niềm tin mình có nhiều điểm chưa tốt, mình không đáng được yêu thương…
Khi suy diễn, không có nghĩa sự thật cũng đang xảy ra như bạn nghĩ. Thay vì giả định về những điều tiêu cực, hãy đặt câu hỏi: “Liệu đó có phải là sự thật không? Còn giả định tích cực nào khác mà mình chưa nghĩ đến?”.
Nghĩ về những suy diễn tích cực, ít nhất cũng làm bạn thay đổi cách nhìn về chính mình.
#4. Hãy cố gắng hết mình
Khi có mục tiêu trước mắt, nỗ lực để đạt được mục tiêu là điều tuyệt vời nhất ta có thể làm.
Ở trong hoàn cảnh nào không quan trọng, nếu nỗ lực hết mình, ít nhất bạn đang nắm lấy phần trăm cơ hội thành công nào đó.
Khi biết chính mình đã dồn toàn tâm toàn lực cho một việc, bạn sẽ chẳng còn hối hận dù cho kết quả thế nào. Lúc đó, bạn có thể giải phóng bản thân khỏi áp lực và chẳng còn lý do gì để đánh giá chính mình chưa đủ tốt.
“Nếu nỗ lực hết mình, bạn không chỉ đang tiến gần hơn với mục tiêu mà còn tránh được những chỉ trích từ bên trong”
Nhiều mối quan hệ dựa trên sự kiểm soát của chúng ta. Thứ bạn có thể kiểm soát chính là cách bạn cư xử với người khác. Cứ nỗ lực hết mình cho một mối quan hệ, bạn sẽ biết đâu là mối quan hệ dành cho mình.
Có một câu hói mà mình thấy rất hay đó là” Hãy cố gắng hết mình, việc còn lại cứ để trời xanh an bài”…
#5. Tóm lại là…
Bạn hoàn toàn có thể phá bỏ những quy tắc của xã hội bằng cách lập trình lại niềm tin của chính mình.
Suy nghĩ của chúng ta có thể là kẻ thù đáng gờm nhưng cũng có thể là người truyền cảm hứng vĩ đại. Trước khi phản ứng theo suy nghĩ, hãy bắt đầu quan sát và định hình lại cảm nhận của bạn, bạn sẽ tìm được tình yêu thương, tin tưởng và tôn trọng từ chính mình.
Bằng cách củng cố tình yêu thương với bản thân, bạn sẽ sống trọn vẹn với cuộc đời của mình chứ không phải dựa trên quan điểm hay kỳ vọng của người khác.
Chỉ cần biết mình là ai và hàn gắn mối quan hệ với bản thân, bạn sẽ chẳng cần kiếm tìm tình yêu thương từ bên ngoài nữa.
__CTV Phạm Thu Linh__Blogchiasekienthuc.com__