Như các bạn cũng đã biết, đèn pha là một bộ phận không thể thiếu trên mỗi chiếc xe hơi nói riêng và toàn thể các phương tiện tham gia giao thông nói chung. Bởi nó cung cấp tầm nhìn cho người lái vào ban đêm.
Ngày nay, những chiếc đèn pha không đơn thuần chỉ là vật chiếu sáng, mà nó còn thể hiện tính thẩm mỹ và phô trương sức thị uy về công nghệ trên các hãng xe hơi.
Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ cho các bạn về một công nghệ chiếu sáng, nó được coi là niềm tự hào của một hãng xe hơi rất nổi tiếng, và đó là công nghệ Digital Light của Mercedes-Benz.
Mục Lục Nội Dung
#1. Đôi nét về lịch sử đèn chiếu sáng trên xe hơi
Ngày xưa, khi chưa có sự xuất hiện của xe hơi thì đèn dầu là thứ ánh sáng được sử dụng phổ biến trong các chuyến đi xa trên những cỗ xe ngựa.
Nhưng các bạn cũng đoán ra rồi đấy, hiệu quả mà nó đem lại không được cao vì bán kính chiếu sáng của chúng cực kì hẹp, hạn chế về nguyên liệu để thắp sáng, cũng như không có tính ổn định khi đi đường dài.
Khi những chiếc xe hơi đầu tiên được ra đời thì đó cũng là lúc công nghệ chiếu sáng được cải tiến. Vào năm 1880, công nghệ đèn khí Acetylen được biết đến, loại đèn này dần dần được sử dụng phổ biến rộng rãi với những ưu điểm vượt trội hơn đèn dầu trước đây.
Nhưng thời thế thay đổi, giá cả nhiên liệu ngày càng đắt đỏ nên công nghệ đèn Acetylen cũng không còn được trọng dụng nữa.
Vào các năm tiếp theo, công nghệ đèn sử dụng điện được ra đời nhưng cũng dần trở nên lạc hậu cho đến khoảng năm 1952 thì công nghệ đèn Halogen được một nhà sản xuất ở châu Âu giới thiệu đến công chúng.
Đây được xem là một phát minh mang tính bước ngoặt lớn trên những chiếc xe hơi. Cho đến ngày nay, những bóng đèn Halogen vẫn được sử dụng trên nhiều dòng xe phổ thông, tuy nhiên vì lượng điện năng bị chuyển hóa thành nhiệt nhiều hơn là quang nên các nhà sản xuất xe hơi cần phải có một hướng đi mới.
Năm 1990, đèn Xenon hay HID ( Hight Intensity Discharge ) được giới thiệu đến công chúng và được áp dụng trên xe hơi vào năm 1994. Loại đèn này có cường độ chiếu sáng xa hơn, mạnh hơn và tỏa ít nhiệt hơn so với đèn Halogen. Tất nhiên loại đèn nào cũng có những nhược điểm riêng, và từ những nhược điểm của đèn Xenon thì công nghệ đèn LED đã được ra đời.
Audi là hãng xe đầu tiên áp dụng công nghệ đèn LED trên chiếc xe Audi A8 đời 2004 của họ. Với lợi thế là sử dụng các đi-ốt cỡ nhỏ nên chúng có thể chế tạo được rất nhiều hình dạng khác nhau, làm tăng tính thẩm mĩ của xe lên rất nhiều.
Nhưng đổi lại, chúng cũng có một vài nhược điểm như giá thành cao, các chi tiết khá phức tạp nên dẫn đến việc sửa chữa khó khăn hơn, vậy nên nó cũng không được áp dụng cho những dòng xe bình dân.
Có lẽ đỉnh cao nhất ở thời điểm hiện tại là công nghệ đèn Laser, nó được áp dụng trên các dòng xe như BMW i8 hay Audi R8. Với ưu điểm là tiết kiệm năng lượng, nhỏ gọn và có cường độ chiếu sáng cao hơn rất nhiều so với đèn LED, nhưng bên cạnh đó, nó cũng mang trong mình mức giá cắt cổ, lượng nhiệt tỏa ra khá lớn nên đèn Laser chỉ áp dụng cho các mẫu xe thể thao.
#2. Khái quát về công nghệ Digital Light trên Merrcedes-Benz
Công nghệ Digital Light là một phần trong công nghệ chiếu sáng LED, nó có mặt đầu tiên trên chiếc Audi Prologue Concept vào năm 2015, nhưng rồi cuối cùng lại được Mercedes-Benz áp dụng vào chiếc Mercedes S Class Maybach 2019 của họ.
Công nghệ này sử dụng rất nhiều tấm kính với kích thước chỉ vài micro, mỗi tấm kính này được máy tính điều khiển để thay đổi góc lệch để có thể nhận hoặc không nhận ánh sáng. Ở mỗi đèn pha sẽ có đến 4 điểm sáng, mà mỗi điểm sáng sẽ bao gồm 1024 chip LED.
Làm một phép tính đơn giản thì tổng mỗi bên đèn sẽ có đến 4096 chip LED, như vậy cả hai đèn pha sẽ có tổng cộng 8192 chip LED. Đây là một con số cực kì ấn tượng để đạt đến cường độ chiếu sáng cao nhất.
Trên hệ thống này được trang bị rất nhiều cảm biến và radar xung quanh xe để xe có thể thu thập dữ liệu từ môi trường bên ngoài, từ đó máy tính sẽ điều khiển các chùm tia sáng và các tấm kính nhỏ bên trong cho phù hợp đối với từng điều kiện thời tiết/ môi trường cụ thể.
Ví dụ như khi phát hiện thấy có một người hoặc một chiếc xe khác đang đi ngược chiều với mình, các cảm biến sẽ tự động phát hiện và máy tính sẽ tự động hạ cường độ chiếu sáng vào đối tượng và cảnh báo cho người lái xe biết để đảm bảo an toàn.
Hay là khi đi vào nơi đang có công trường thì cảm biến và radar sẽ báo hiệu cho máy tính biết, từ đó sẽ điều khiển đèn để chiếu sáng biểu tượng công trình nhằm báo hiệu cho người lái xe.
#3. Tương lai nào cho công nghệ Digital Light trên xe hơi?
Đây vẫn còn là một công nghệ chiếu sáng rất mới và được coi là tương lai trong nền công nghiệp xe hơi. Chính vì vậy, công nghệ này chỉ đang được áp dụng cho những chiếc xe hơi của Mercedes-Benz và Audi.
Với cấu tạo cực kì thông minh và phức tạp như vậy thì chắc chắn là giá thành của nó sẽ không hề dễ chịu một chút nào và chi phí sửa chữa cũng không hề rẻ nên mình nghĩ công nghệ chiếu sáng này sẽ khó có thể áp dụng được đối với nhưng mẫu xe phổ thông bình dân.
Nhưng với mong muốn mang lại sự an toàn cho người điều khiển, cũng như những người tham gia giao thông vào ban đêm thì cá nhân mình thực sự mong rằng công nghệ này sẽ sớm được áp dụng rộng rãi, không chỉ trên những mẫu xe sang, mà còn trên tất cả các phương tiện tham gia giao thông khác nữa.
#4. Lời kết
Vâng, đó là một vài điều mà mình muốn chia sẻ với các bạn về công nghệ Digital Light trên Mercedes-Benz. Mình mong rằng, trong tương lai các nhà sản xuất xe hơi sẽ có thêm nhiều những công nghệ chiếu sáng hiện đại hơn nữa để mang lại sự an toàn và thuận tiện cho người tiêu dùng.
Qua bài viết này thì mình tin là bạn đã phần nào hiểu hơn về công nghệ chiếu sáng Digital Light rồi đúng không, bình thường chúng ta không để ý đến những thứ này, nhưng nếu đi vào tìm hiểu chi tiết thì cũng khá thú vị đấy chứ nhỉ ᵔᴥᵔ
Tình hình Covid hiện tại gần như là đã được kiểm soát, nhưng đừng vì thế mà chúng ta lơ là mất cảnh giác, hãy cùng nhau chung tay chống dịch vì cộng đồng nhé anh chị em !
CTV: Khánh Tùng – Blogchiasekienthuc.com