Chào các bạn, Java có lẽ là một trong những ngôn ngữ lập trình có tuổi đời tương đối lâu nhưng vẫn được sử dụng rất nhiều hiện nay.
Một trong những nguyên nhân chính đó là Java đã phần nào “định nghĩa” những xu hướng lập trình hiện đại (ví dụ xu hướng lập trình hướng đối tượng).
Tại thời điểm mình viết bài này thì Java đã trải qua khoảng 17 phiên bản, cùng với rất nhiều những công cụ lập trình được sinh ra để hỗ trợ cũng như phù hợp với Java trong các mục đích khác nhau.
Trong bài viết hôm nay mình sẽ cùng các bạn “điểm danh” 8 công cụ (IDE) hỗ trợ lập trình Java tốt nhất năm 2021 nhé.
Mục Lục Nội Dung
I. TOP 8 công cụ lập trình Java 2021
#1. IntelliJ Idea
Nếu hỏi đâu là IDE “xịn xò” nhất mình từng dùng để lập trình Java thì chắc chắn mình sẽ trả lời ngay cho bạn đó là IntelliJ Idea (đặc biệt là phiên bản Ultimate).
IntelliJ có hai phiên bản là phiên bản cộng đồng và phiên bản giới hạn. Với phiên bản cộng đồng thì chúng ta có thể sử dụng miễn phí 100% và phiên bản này tập trung vào phát triển các ứng dụng Java hoặc tích hợp để phát triển các ứng dụng Android.
Với phiên bản giới hạn thì các bạn sẽ phải trả một khoản phí, phiên bản này tập trung vào phát triển các ứng dụng web và các ứng dụng có tính thương mại.
Ưu điểm:
- Có khả năng tùy chỉnh cao
- Hỗ trợ Kotlin – một ngôn ngữ lập trình được kỳ vọng có thể thay thế Java
- Hỗ trợ nhiều ngôn ngữ lập trình khác nhau
- Tích hợp các công cụ quản lý phiên bản
- Có thư viện rất nhiều tiện ích
- Trình biên dịch mạnh mẽ…
Nhược điểm:
- Có nhiều phiên bản, thường xuyên update
- Tốn nhiều tài nguyên máy tính (RAM, CPU) để chạy
- Nhiều chức năng nên hơi khó sử dụng cho các lập trình viên mới tiếp cập
#2. Eclipse
Về công cụ Eclipse thì có lẽ mình cũng không cần phải nói nhiều thêm nữa, đây chắc chắn là một IDE mà bất cứ lập trình viên Java nào cũng đã từng dùng một lần trong sự nghiệp đi code, đúng không nhỉ 😛
Eclipse hoàn toàn miễn phí và là mã nguồn mở. Một điểm mình rất thích ở Eclipse đó là kho tiện ích (plugin) vô cùng nhiều và miễn phí.
Hiện tại thì Eclipse có cả phiên bản dành cho Desktop và cả phiên bản Cloud (trực tuyến). Với phiên bản Cloud chúng ta có thể code ngay trên trình duyệt web. Với hơn 100 ngôn ngữ lập trình khác nhau thì hiện Eclipse vẫn là IDE được rất nhiều lập trình viên sử dụng.
Ưu điểm:
- Có thể tùy chỉnh trình biên dịch
- Dễ dàng tích hợp Git và Maven
- Kho plugin nhiều và đa dạng
- Cung cấp khả năng tùy biến cao (Editing, debuging…)…
Nhược điểm:
- Khởi động khá chậm
- Tiêu tốn CPU khá nhiều
- Dễ bị crash nếu phải chạy các tool quá nặng.
#3. NetBeans
Nói đến lập trình Java mà không đề cập đến Netbeans thì quả là một thiếu sót lớn. Đây có lẽ cũng là công cụ phổ biến không kém gì so với IntelliJ và Eclipse (đối với các lập trình viên Java).
Trước kia thì Netbeans cũng là một công cụ miễn phí và hoàn toàn là mã nguồn mở nhưng hiện tại thì nó đã thuộc quyền sở hữu của Apache và được phát triển thêm nhiều tính năng mới hơn.
Netbeans chủ yếu được sử dụng để phát triển các ứng dụng Desktop, web (ít) và ứng dụng di động (ít). Với việc hỗ trợ khoảng 28 ngôn ngữ lập trình khác nhau thì Netbeans cũng là một trong những lựa chọn được nhiều lập trình viên ưu tiên sử dụng.
Ưu điểm:
- Hỗ trợ tích hợp Git và Maven
- Hỗ trợ code comparision
- Đa nền tảng và miễn phí…
Nhược điểm:
- Tiêu tốn khá nhiều RAM khi chạy
- Trình gỡ lỗi (debugger) khá là chậm
#4. Oracle JDeveloper
Java hiện đã thuộc quản lý của Oracle và tất nhiên việc Oracle ra mắt một công cụ để lập trình Java là chuyện tất yếu trong việc tạo ra hệ sinh thái riêng.
Oracle JDeveloper chắc không quá quen thuộc với anh em lập trình viên Java “phổ thông” vì bộ ba IntelliJ, Eclipse, Netbeans là những cái tên quen thuộc nhất rồi.
Nhưng nếu bạn làm việc với các công nghệ của Oracle, ví dụ như Oracle database thì rất có thể các bạn sẽ phải sử dụng đến công cụ này (đặc biệt là các dự án đòi hỏi sự đồng nhất).
Ưu điểm:
- Tương thích rất tốt cho các dự án dạng Agile development
- Hỗ trợ tốt cho việc kết nối với database
- Có thể biên dịch trực tiếp câu query…
Nhược điểm:
- Khá khó sử dụng cho các bạn mới, tốn nhiều RAM khi chạy và biên dịch chương trình hơi lâu.
#5. Android Studio
Android Studio cũng khá giống với IntelliJ, nhưng nó được tối ưu cho việc phát triển các ứng dụng di động. Vậy nên nếu anh em lập trình viên Java mới tiếp cận có lẽ sẽ không thực sự phù hợp.
Nếu bạn nào sử dụng Java để lập trình các ứng dụng di động thì Android Studio có lẽ là một lựa chọn “khó tránh khỏi”
Một phần vì Android Studio hỗ trợ rất tốt, hai nữa là cộng đồng các lập trình viên Android sử dụng Android Studio là tương đối đông. Các bạn có thể dễ dang được hỗ trợ khi gặp vấn đề lỗi hoặc không hiểu vấn đề gì đó.
Ưu điểm:
- Phần lớn các chức năng cơ bản thì Android Studio khá giống với IntelliJ nên các bạn có thể tham khảo ở mục mình viết về IntelliJ bên trên.
Nhược điểm:
- Nặng và cực kỳ “ăn” RAM là nhược điểm lớn nhất của Android Studio (đặc biệt là khi các bạn chạy cùng máy ảo tích hợp sẵn trong Android Studio. Nếu máy yếu không chạy nha các bạn)
#6. MyEclipse
MyEclipse là một công cụ lập trình Java được xây dựng dựa trên nền tảng mã nguồn của Eclipse và kết hợp thêm nhiều yếu tố bản quyền.
Chúng ta có thể sử dụng MyEclipse cho phát triển các ứng dụng Desktop hoặc các ứng dụng Web. Hiện tại thì MyEclipse ngoài hỗ trợ Java ra, nó còn hỗ trợ cả Angular, HTML, TypeScript và JavaScript… nữa.
Một điểm cộng cho MyEclipse đó là hỗ trợ kết nối với database. Chính vì vậy mà MyEclipse khá phù hợp để phát triển các ứng dụng có chung mã nguồn front-end và back-end trong cùng một bộ source.
Ưu điểm:
- Thích hợp cho phát triển các ứng dụng yêu cầu cả mã nguồn front-end và back-end trên cùng bộ source.
- Khả năng tùy chỉnh cao giống như Eclipse
Nhược điểm:
- Không phải là mã nguồn mở nên các bạn sẽ mất tiền để mua bản quyền
- Khá là nặng và trình biên dịch chậm
#7. Jcreator
JCreator là một công cụ lập trình Java nhưng lại được viết bằng ngôn ngữ C++. Mà chúng ta biết rằng những gì được viết bằng C++ thì hiệu năng sẽ rất tốt.
Đổi ngược lại thì giao diện sẽ tương đối đơn giản (chứ không muốn nói là hơi “cổ điển” như phần mềm của mấy chục năm trước).
Là một IDE nên mặc dù đơn giản nhưng JCreator vẫn có đầy đủ các chức năng như project template, code completion, systax highlighting… (mình để tiêng Anh để các bạn dễ dàng so sánh với các công cụ khác)
Ưu điểm:
- Cấu trúc không gian làm việc đơn giản như quản lý file, tự động format code theo template
- Hỗ trợ cấu hình trong lúc runtime chương trình…
Nhược điểm:
- Chỉ hỗ trợ hệ điều hành Windows, thiếu nhiều tiện ích, phiên bản trả phí khá đắt…
#8. DrJava
Nếu bạn đang tìm kiếm một IDE nhẹ nhàng và phù hợp cho người mới bắt đầu thì DrJava là một lựa chọn khá phù hợp dành cho bạn.
Nếu bạn nhìn vào giao diện của công cụ này thì sẽ thấy không khác gì phần mềm Notepad++ là mấy. Đó cũng chính là một ưu điểm của DrJava – chú trọng đơn giản cho người mới.
Ưu điểm:
- Cài đặt đơn giản và chiếm không quá nhiều không gian lưu trữ
- Cách sử dụng đơn giản, phù hợp cho người mới.
Nhược điểm:
- Có khá ít chức năng (do là một IDE đơn giản)
- Không có nhiều tiện ích để cài thêm
- Không phù hợp cho các ứng dụng real-time (thời gian thực)
II. Lời kết
Vâng, trên đây là 8 công cụ lập trình Java tốt nhất năm 2021 mà mình muốn giới thiệu với các bạn, và có lẽ nó sẽ còn được sử dụng trong nhiều năm tới nữa.
Ngoài 8 IDE mình vừa giới thiệu trong bài viết này ra thì còn rất nhiều các IDE khác cũng có thể sử dụng để lập trình Java nhưng chúng không quá phổ biến.
Có thể kể thêm vài cái tên như Greenfoot, XCode, Codenvy, BlueJ… Đây đều là những công cụ mà các lập trình đang sử dụng để phát triển các ứng dụng Java.
Nếu các bạn có cái tên nào khác thì có thể comment trong phần bình luận bên dưới để mọi người cùng tìm hiểu và thảo luận nhé. Hẹn gặp lại các bạn trong các bài viết tiếp theo nha !
CTV: Nguyễn Đức Cảnh – Blogchiasekienthuc.com
Vscode thì sao ạ