Chắc có lẽ các bạn đã xem TikTok hay lướt Facebook thấy những video thể hiện độ bá đạo của những mặt hàng gọi là nội địa Trung Quốc rồi phải không nhỉ?
Vậy thì smartphone nội địa có bá đạo như những gì mà bạn đã thấy không, và mục đích của mặt hàng nội địa là gì? Nếu bạn đang muốn biết câu trả lời cho câu hỏi trên thì hãy cùng mình tìm hiểu trong bài viết này nhé.
#1. Smartphone nội địa là gì?
Thế nào thì được gọi là smartphone nội địa?
Vâng, smartphone nội địa là những smartphone chỉ được sản xuất ở trong một thị trường nào đó, và chỉ cung cấp và bán cho thị trường đó.
Ví dụ: Sony Xperia 8 chỉ được mở bán ở nội địa Nhật, LG Velvet chỉ có ở nội địa Hàn Quốc, hoặc Samsung Galaxy S10E chỉ có ở nội địa Hàn Quốc, hay là OPPO Ace 2 cũng chỉ có ở nội địa Trung Quốc,… chẳng hạn.
Vì vậy, những thông số của những chiếc máy đó thường sẽ là những thứ mà thị trường bên ngoài khao khát, chính xác hơn là những thông số đó rất lạ so với các thị trường khác.
OPPO Find X2 ra mắt ở phân khúc flagship, giá ở Việt Nam là hơn 20 triệu, trong khi đó OPPO ACE 2 nội địa cũng là flagship nhưng giá chỉ là 13 triệu.
Samsung Galaxy S10E là chiếc máy nhỏ gọn mang trong mình sức mạnh của một flagship và công nghệ cao cấp. Thậm chí còn có rất nhiều hãng ít tên tuổi khác cũng ra mắt những chiếc máy siêu độc và dị như tích hợp máy chiếu, màn hình cuộn, lai GPD hay tương tự như vậy…
Vậy thì tại sao các hãng không đem những chiếc máy đó ra thị trường ngoài bán để kiếm thêm tiền?
#2. Lí do tồn tại của hàng nội địa
Đầu tiên là để quản lí thị trường: Có nhiều nước ra mắt những chiếc máy nội địa với sự can thiệp ít nhiều vào phần cứng và phần mềm bởi chính phủ, như Trung Quốc chẳng hạn.
Mục đích là để tránh người dân tiếp cận với những dịch vụ bị chặn/ cấm tại quốc gia này, ví dụ như Google hay Facebook, và cũng là để nhà nước quản lí người dân tốt hơn.
Không phải tự nhiên mà máy Tàu hay dính phốt gửi dữ liệu về Trung Quốc đâu các bạn ạ.
Tiếp theo là định hướng thị trường: Các hãng luôn muốn đưa đến những gì tốt nhất cho thị trường chủ lực của họ.
Ví dụ như trong bài viết về Oppo Reno 3 và 3 Pro mình đã liệt kê thông số cấu hình của 2 chiếc máy đó là chip Dimesity 1000L và Snapdragon 765G, nhưng khi bộ đôi này về Việt Nam thì 2 con chip chúng sử dụng chỉ là Helio P90 và Helio P95.
Chưa hết, máy nội địa có màn hình 90Hz, camera xịn xò, thiết kế kính và kim loại với màn hình bo cong, còn máy về Việt Nam thì chỉ có màn hình 60Hz, camera cùi hơn, thiết kế toàn nhựa, màn hình phẳng,… và giá 2 bản này bằng nhau, đều là 13 triệu đồng 😀
Một sự thiên vị cực mạnh đến từ vị trí của Oppo !
Thị trường mà họ chiếm đóng sẽ luôn được định hướng rằng giá tiền tỉ lệ thuận với cấu hình, và vì thế mà Apple và Samsung không có cửa với hàng Tàu ở 2 thị trường siêu to khổng lồ là Ấn Độ và Trung Quốc.
Thứ 3 nữa là không đủ tiềm lực vươn ra nước ngoài: Bphone và Vsmart là ví dụ điển hình. Họ mới chỉ bán máy cho thị trường trong nước và thị trường nhỏ lẻ lân cận, chứ thị trường Trung Quốc, Ấn Độ hay Châu Âu thì chưa thể, và có rất nhiều các OEM khác cũng tương tự như vậy.
Và cuối cùng là chán chả muốn bán: Sony và LG là 2 OEM cho chúng ta thấy rõ nhất về điều này. Xperia 1 Mark 2 vừa rồi đã được họ công bố là sẽ thuộc nhóm thiết bị nhiếp ảnh của Sony, và LG Velvet cũng chỉ bán nội địa thôi.
Nói là chán chẳng muốn bán thì hơi quá (•‿•), nhưng ý mình muốn nói ở đây là do cách định hướng thị trường của họ, họ chỉ đánh vào một nhóm đối tượng sử dụng nhất định nào đó mà thôi.
#3. Kết luận
Đó là những ý kiến cá nhân của mình về lí do tồn tại của smartphone nội địa. Các bạn có thích hàng nội địa của Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc không? Hãy để lại comment của bạn ở phía bên dưới bài viết này để anh em cùng thảo luận thêm nhé !
CTV: Nam Hoàng – Blogchiasekienthuc.com