Có thể thấy việc thực hiện các giao dịch trực tuyến nói chung hay thanh toán trực tuyến nói riêng đã và đang trở nên vô cùng phổ biến trong một xã hội hiện đại như hiện nay, xa hơn nữa là không thể thiếu được.
Song song với đó là những chiêu trò lừa đảo ngày càng nhiều và ngày càng tinh vi hơn với rất nhiều thủ đoạn mới. Vậy nên cá nhân mỗi người cần phải thực hiện đồng bộ cùng lúc nhiều giải pháp thì mới có thể giải quyết được vấn nạn lừa đảo trực tuyến này.
Trong đó, việc nhận biết và thực hiện giao dịch trên các website an toàn là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu. Nói chung quan trọng nhất vẫn là nhận thức của chúng ta, cái này phải tự trau dồi thôi chứ không ai chỉ bạn mãi được.
// Tất nhiên trang web mà mình đang nói tới là những trang web liên quan đến các hình thức giao dịch, mua bán.. Chứ các trang web tin tức thông thường, không cần đăng nhập thì không thực sự cần thiết phải cẩn thận như vậy bạn nhé.
Mục Lục Nội Dung
#1. Hãy quan sát kỹ địa chỉ của Website
Các website giả mạo thường có giao diện giống hệt với các website chính thống, vì vậy, nếu nhìn vào giao diện thì khó lòng mà phân biệt được.
Vậy nên cách dễ nhất là bạn hãy nhìn vào địa chỉ trang web trên thanh địa chỉ của trình duyệt web, địa chỉ này phải chính xác tuyệt đối, không được sai khác một kí tự nào hết thì mới đúng.
Việc làm này đặc biệt quan trọng khi chúng ta nhận được địa chỉ truy cập thông qua tin nhắn SMS, thư điện tử..
Như hình ảnh bên trên bạn có thể dễ dàng nhận thấy, đây là một tin nhắn lừa đảo, địa chỉ https://v-acb.com là giả mạo, địa chỉ chính xác của ngân hàng ACB phải là https://online.acb.com.vn/
#2. Website có chứng chỉ SSL
Một Website an toàn chắc chắn phải có chứng chỉ SSL, bạn có thể kiểm tra chứng chỉ này bằng cách quan sát trên thanh địa chỉ của trình duyệt. Nhất là các trang web thương mại điện tử, trang web ngân hàng, các trang web liên quan đến giao dịch thì chắc chắn sẽ có.
Nếu có biểu tượng ổ khóa và khi nháy chuột vào ta thấy giao thức https:// thì có nghĩa là website này đã đăng kí chứng chỉ SSL
Chứng chỉ này là điều kiện cần chứ không phải là điều kiện đủ, các website giả mạo vẫn có thể có, và đa số là sẽ có. Nhưng nếu bạn được đưa đến một trang web không có chứng chỉ SSL thì bạn có thể bơ luôn mà không cần suy nghĩ gì thêm.
#3. Kiểm tra nội dung của Website
Website lừa đảo thường có rất ít nội dung trong khi Website chính thống có rất nhiều (trừ trường hợp mới vừa tạo và đang trong quá trình xây dựng). Khi kiểm tra nội dung chúng ta nên tập trung vào:
Trang giới thiệu – About
Nội dung trang giới thiệu của Website chính thông rất chi tiết và đầy đủ, họ rất muốn bạn biết nhiều về họ và nhớ đến họ..
Ngược lại, Website giả mạo có thông tin sơ sài, có liên kết nhưng khi nháy chuột vào không chuyển hướng…
Trang liên hệ – Contact
Không một kẻ lừa đảo nào muốn bạn có thông tin liên hệ, chỉ trừ một trường hợp duy nhất là mã độc tống tiền.
Chính tả và ngữ pháp
Nhiều website lừa đảo do người nước ngoài quản lý, họ sẽ sử dụng các dịch vụ dịch thuật để dịch nội dung ra rất nhiều ngôn ngữ khác nhau
Vì là dịch tự động nên khả năng sai chính tả và ngữ pháp rất cao, hãy thận trọng với những trang website có dấu hiệu này nhé. Ngoài ra, khi đọc những website này bạn sẽ cảm thấy câu cú khá khó hiểu..
#4. Sự hiện diện trên các nền tảng mạng xã hội
Kẻ đừng đằng sau các website giả mạo thường:
- Tạo rất nhiều website khác nhau
- Không có nhiều thời gian
- Muốn một quy trình đơn giản nhưng nhanh thành công
Mặt khác, việc xây dựng “fanpage” bài bản tốn khá nhiều thời gian và công sức, nên một trang website không có bất kì sự hiện diện nào trên các nền tảng mạng xã hội khác thì bạn cũng nên cân nhắc.
Ví dụ: https://www.facebook.com/VietinBank/ là địa chỉ chính thức của Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam trên mạng xã hội
Dấu hiệu này trong một số trường hợp là con dao hai lưỡi, vì vậy bạn cần tìm thêm các dấu hiệu khác để xác minh lại nha.
#5. Chính sách hoàn tiền
Nếu là website bán hàng trực tuyến hay sàn thương mại điện tử uy tính thì chắc chắn sẽ có chính sách hoàn tiền hoặc trả hàng (gồm địa điểm và cách thức).
#6. Tìm kiếm và quan sát các biểu tượng an toàn
Những êebsite chính thống sẽ có ít nhất một trong các biểu tượng bên dưới, các biểu tượng này này thường xuất hiện phần chân trang
- Đã đăng kí Bộ công thương
- Đã thông báo Bộ công thương
- Tín nhiệm mạng…
Các biểu tượng này chỉ có giá trị khi có chứa liên kết và khi nháy chuột vào liên kết này sẽ dẫn đến các trang có thể xác nhận được.
#7. Một số dấu hiệu khác
- Tìm kiếm sự đánh giá trừ những website khác, mạng xã hội hay diễn đàn, … hoặc từ những người dùng thực tế.
- Tránh những website có tuyên bố quá tốt. Ví dụ như nhận quà liền tay, đầu tư sinh lời sau một tháng, đảm bảo 100% thành công, …
- Những website xuất hiện thông báo Thiết bị của bạn bị nhiễm virus đều là lừa đảo vì không một website nào có công quét virus trên máy vi tính hoặc điện thoại thông minh của bạn khi chưa cho phép cả.
#8. Lời kết
Đó là những dấu hiệu nhận biết một website an toàn mà ai cũng có thể tự làm được.
Khi tiến hành giao dịch hoặc thanh toán trực tuyến trên một website an toàn thì chúng ta sẽ tránh được rất nhiều rủi ro, điều này thì không phải bàn cãi gì thêm nữa.
Ngoài ra, để an toàn hơn chúng ta nên:
- Cài đặt phần mềm chống mã độc.
- Nên sử dụng 3G / 4G / 5G khi bắt đầu quá trình giao dịch, thanh toán chính thức..
- Không sử dụng WiFi công cộng, nếu có hãy sử dụng phần mềm VPN như trong các bài viết trước (trong cùng serie) mình đã đề cập.
- Không sử dụng máy tính công cộng để giao dịch trực tuyến.
Hi vọng là những thông tin trong bài viết này sẽ hữu ích với bạn. Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại các bạn trong những bài viết tiếp theo !
CTV: Nhựt Nguyễn – Blogchiasekienthuc.com
Edit by Kiên Nguyễn