Email (hay còn gọi là Thư điện tử) là một trong những dịch vụ lâu đời, có mặt từ buổi “bình minh” của Internet. Email mang lại cho chúng ta rất nhiều lợi ích, điều này thì ai cũng biết nên mình không nhắc lại nữa.
Song song với những lợi ích là những rủi ro không thể phủ nhận của Email, nguyên nhân trực tiếp là do sự tấn công của Spamer/ Hacker, gián tiếp là do con người (do thiếu kiến thức sử dụng Internet).
Mục Lục Nội Dung
- #1. Đừng tin tưởng vào tên người gửi
- #2. Suy nghĩ thận trọng trước khi nháy chuột vào các liên kết trong Email
- #3. Không làm theo các thư yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân
- #4. Bình tĩnh trước những thư điện tử có tiêu đề “khẩn cấp”, “hấp dẫn”, “nhạy cảm”, “đe dọa”…
- #5. Không tải và mở các tệp tin đính kèm
- #6. Thay đổi thói quen sử dụng
- #7. Lời kết
#1. Đừng tin tưởng vào tên người gửi
Spamer thường sử dụng tên của cơ quan, tổ chức, người nổi tiếng, thậm chí là người thân nhằm đánh lừa chúng ta
Tên người gửi có thể thay đổi một cách dễ dàng nhưng địa chỉ Email thì không, trừ khi tạo một thư mới. Vì vậy, thay vì nhìn vào tên người gửi, tiêu đề gửi thì chúng ta cần nhìn vào địa chỉ của thư điện tử gửi đến nữa.
#2. Suy nghĩ thận trọng trước khi nháy chuột vào các liên kết trong Email
Các chuyên gia bảo mật đều khuyên chúng ta hãy suy nghĩ thận trọng trước khi nháy chuột vào các liên kết trong thư điện tử.
Đặc biệt là khi các liên kết này đến từ các thư điện tử lạ hoặc đến một cách bất thường.
Phần lớn chúng đều dẫn đến các website giả mạo, độc hại và lừa đảo … tài khoản cá nhân của rất rất nhiều người đã bị đăng nhập trái phép khi nháy chuột vào các liên kết này.
Mẹo nhỏ cho bạn là hãy di chuyển chuột vào link liên kết để kiểm tra URL của liên kết, nếu xác nhận được đây là liên kết an toàn thì hãy nháy chuột vẫn chưa muộn.
Trong trường hợp các link đó sử dụng link rút gọn thì bạn hãy thực hiện theo bài viết này nhé: Cách KIỂM TRA mức độ an toàn của LINK RÚT GỌN trước khi tải về
#3. Không làm theo các thư yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân
Thông tin cá nhân là những thông tin giúp định danh chúng ta Họ và tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ, số điện thoại, địa chỉ thư điện tử, số tài khoản, số thẻ, …
Không cung cấp các thông tin cá nhân của bạn dưới mọi hình thức (biểu mẫu, khảo sát trực tuyến, …) cho dù đó là yêu cầu của Viện kiểm sát, Công an, Tòa án, … hoặc của ngân hàng, …
Các cơ quan, tổ chức kể trên không bao giờ yêu cầu chúng ta cung cấp thông tin cá nhân thông qua thư điện tử.
Trừ các dịch vụ online từ ngân hàng chính thống, ví dụ như đăng ký mở thẻ ngân hàng online… những đơn vị uy tín. Nhưng họ cũng không bao giờ yêu cầu gửi qua Email cả, mà chúng ta sẽ thực hiện luôn trên app đó.
#4. Bình tĩnh trước những thư điện tử có tiêu đề “khẩn cấp”, “hấp dẫn”, “nhạy cảm”, “đe dọa”…
Đa phần những thư điện tử có tiêu đề như trên đều là lừa đảo, các Spamer sử dụng tuyệt chiêu đánh vào tâm lý làm chúng ra lo lắng, đánh vào lòng tham, … từ đó dễ dàng thực hiện các hành vi lừa đảo:
- Tài khoản ngân hàng của bạn đã bị khóa …
- Tài khoản ngân hàng của bạn vừa đăng nhập từ nước ngoài …
- Thẻ ghi nợ quốc tế của bạn vừa thực hiện giao dịch ở nước ngoài …
- Bạn vừa trở thành khách hàng may mắn nhất tháng này …
- Clip nóng của …
#5. Không tải và mở các tệp tin đính kèm
Chúng ta không nên tải và mở các tệp tin đính kèm từ người lạ, vì rất có thể tệp đính kèm này có chứa mã độc, virus…
Trong trường hợp vì lý do bất khả kháng mà bạn phải mở thì cũng nên dùng các phần mềm diệt virus quét qua trước. Bạn nên thực hiện quét virus online những link mà bạn muốn click vào.
Ngoài ra, cho dù tệp tin đính kèm này được gửi từ người quen biết, nhưng nếu bạn cảm thấy có gì đó không bình thường (có thể tài khoản đã bị xâm nhập) thì vẫn không nên tải và mở nhé.
#6. Thay đổi thói quen sử dụng
Ngoài những giải pháp mà công nghệ có thể hỗ trợ chúng ta thì việc thay đổi thói quen khi sử dụng thư điện tử cũng góp phần đáng kể, giúp giải quyết vấn đề thư rác.
Chúng ta nên rèn luyện thường xuyên để những nguyên tắc dưới đây trở thành thói quen:
- Không trả lời các thư điện tử lạ, không rõ nguồn gốc vì hấu hết chúng là thư rác. Việc trả lời, cho dù là chửi bới cũng vô tình tiết lộ thư của bạn đang hoạt động, Spamer sẽ gửi nhiều thư rác đến bạn hơn nữa.
- Không nhấn vào nút HỦY ĐĂNG KÍ hoặc UNSUBSCRIBE nếu thư này không do bạn đăng kí dịch vụ mà có. Thật ra đây là một thủ thuật của các Spamer, khi nhấn vào đây không những không hủy nhận thư mới mà còn nhận được nhiều thư rác hơn.
- Mỗi cá nhân nên có ít nhất hai địa chỉ thư điện tử, một giành cho cộng việc, gia đình, người thân, bạn bè; một giành để đăng kí các tài khoản mạng xã hội, diễn đàn, sàn thương mại điện tử, …
- Tránh để lộ địa chỉ thư điện tử của bạn (không đăng trên mạng xã hội, diễn đàn, …)
#7. Lời kết
Vâng, trên đây là 6 nguyên tắc an toàn khi sử dụng Email, đây đều là những kiến thức rất căn bản nhưng lại cực kỳ cần thiết mà bất cứ ai cũng phải biết để đảm bảo an toàn thông tin cá nhân hơn.
Ngoài những nguyên tắc, lời khuyên ở trên thì bạn cũng nên sử dụng các dịch vụ hoặc phần mềm có tính năng lọc thư rác, tắt tính năng hiển thị ảnh…
Khi cần gửi thư cho nhiều người thì địa chỉ thư điện tử của người nhận nên được đưa vào BBC, việc làm này sẽ làm cho người nhận không thấy được địa chỉ thư điện tử của người nhận khác. Đọc bài viết này nếu bạn chưa biết BBC và CC trên Email là gì 🙂
Hi vọng bài viết này sẽ hữu ích với bạn. Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại các bạn trong những bài viết tiếp theo !
Đọc thêm:
- Sử dụng mạng xã hội an toàn và bảo mật thông tin cá nhân
- Làm thế nào để an toàn thông tin khi sử dụng Mạng Xã Hội?
- 13 lưu ý bạn PHẢI BIẾT để luôn được AN TOÀN TRÊN INTERNET
CTV: Nhựt Nguyễn – Blogchiasekienthuc.com
Edit by Kiên Nguyễn