Mạng xã hội hay bất cứ một thành quả khoa học kỹ thuật nào cũng mang đến những ưu điểm và nhược điểm riêng của nó, chúng luôn tồn tại song song và đối lập lẫn nhau.
Vậy nên trong bài viết này chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về những ưu điểm và nhược điểm của các mạng xã hội phổ biến hiện nay. Ai tận dụng được những ưu điểm của MXH thì sẽ thành công, còn ai bám theo những nhược điểm của nó thì các bạn cũng biết kết quả rồi đó.
Ưu điểm và nhược điểm của mạng xã hội cũng là một phần ưu điểm và nhược điểm của Internet, vì vậy nếu bạn thấy có những điểm trùng lập thì cũng đừng ngạc nhiên nhé..
#1. Ưu điểm của mạng xã hội là gì?
1.1. Cập nhật tin tức một cách nhanh chóng
Trước đây, nếu muốn cập nhật tin tức thì chúng ta hoặc là nghe Radio hoặc là xem Tivi hoặc là đọc báo… còn bây giờ chỉ cần Like một Fanpage tin tức nào đó thì chúng ta đã dễ dàng nắm bắt được những thông tin mới nhất rồi.
Những nguồn thông tin mới trước đây đa phần đến từ các báo đài hoặc là truyền hình là chính, nhưng bây giờ tin tức trên mạng xã hội còn nhành hơn, thậm chí là tức thời luôn. Vì người dân có thể livestream trực tiếp luôn mà !
Tuy nhiên, đối với một lĩnh vực hoặc một địa phương thì bạn chỉ nên Like một Fanpage mà thôi, Like nhiều Fanpage sẽ gây ra trình trạng trùng lập thông tin và thừa thông tin.
Ngoài ra, bạn cũng nên chọn những Fanpage chính thống, đáng tin cậy như của cơ quan, tổ chức, cá nhân có uy tín, … để theo dõi nhé. Tránh theo dõi các page báo lá cải, tin tức nhảm nhí, chữ viết kiểu giun dế….
Dấu hiệu điển hình nhất để nhận biết một page uy tín là có biểu tượng “Blue Tick” – hay còn gọi là tích xanh đó các bạn.
1.2. Kết nối, giữ gìn các mối quan hệ
Kết nối các mối quan hệ là một trong những tính năng đặc trưng của mạng xã hội, không có tính năng này thì nó không còn là mạng xã hội nữa.
Tính năng kết nối cho phép chúng ta giao lưu, chia sẽ từ đó duy trì và giữ gìn các mối quan hệ được bền chặt hơn.
Mối quan hệ ở đây có thể là gia đình, dòng họ, bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm … ở khắp mọi nơi trên thế giới..
Bạn hoàn toàn có thể Message, Zalo Call, Video Call, … chỉ với một chiếc máy vi tính, điện thoại thông minh, hoặc là máy tính bảng có kết nối Internet, mọi thứ đều hoàn toàn miễn phí !
1.3. Nâng cao kỹ mềm, kỹ năng sống và sự hiểu biết về thế giới xung quanh
Hiện nay có rất nhiều Fanpage, Group, Channel, … cung cấp các kỹ năng, kiến thức cần thiết trong cuộc sống. Ví dụ như:
- Kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm.
- Kiến thức về Tin học, Tiếng Anh…
- Nói chung là có rất nhiều các hội nhóm hữu ích, giúp kết nối những người có chung sở thích lại với nhau để cùng tiến bộ….
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có khá nhiều các Fanpage, Group, Channel được tạo ra nhằm thực hiện các mục đích xấu.
Nếu được thì chúng ta nên bỏ chút thời gian ra để tìm hiểu về “người đứng sau” các Fanpage, Group, Channel trước khi Like, Join the group và Subscribe nhé. Vì những nguồn thông tin mà bạn tiếp cận được hằng ngày sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến suy nghĩ của chúng ta.
Chỉ những người có động cơ trong sáng và kiến thức thực sự thì mới có thể chia sẻ cho chúng ta những kiến thức và những kỹ năng thực sự hữu ích được.
1.4. Kinh doanh, quảng cáo trực tuyến
Hiện nay có 3 hình thức kinh doanh bán hàng, đó là:
Trường hợp 1: Mở một cửa hàng truyền thống thì chúng ta cần thực hiện rất nhiều công việc và tốn rất nhiều chi phí như xây dựng cửa hàng hoặc tiền thuê mặt bằng, tiền quản lí, nhập hàng/ bán hàng, tiến thuế, tiền lương nhân viên, …
Trường hợp 2: Tạo một Website để kinh doanh trực tuyến thì có phần đơn giản và tiết kiệm hơn, tuy nhiên:
- Bạn cũng phải có kiến thức về làm web và quản lý web, có thể là Joomla hoặc WordPress…
- Domain, Hosting, Theme, Plugin, … là những khoản vẫn phải chi ra và học cách sử dụng.
- Có kiến thức về SEO để sản phẩm của bạn tiếp cận được với người tiêu dùng.
Trường hợp 3: Mạng xã hội….
Mạng xã hội giúp bạn giải quyết gần như triệt để hai vấn đề trên (cách thức vận hành và chi phí đầu tư)
Chỉ với vài lần nháy chuột là bạn đã tạo xong một Fanpage, Group, Channel trên MXH để kinh doanh buôn bán. Và thực tế là đã có rất nhiều bạn ăn nên làm ra với hình thức này, họ đã trở nên giàu có, thậm chí là rất giàu nữa..
Lí thuyết là như vậy nhưng trên thực tế bạn cũng cần phải khôn khéo, kiên trì thì mới có thể thành công. Nó không hề đơn giản nhưng ít ra nó đã giúp cho nhiều người có thể tiếp cận được với công việc kinh doanh hơn.
Đơn giản là vì không cần nhiều vốn, không cần nhập hàng với số lượng lớn, thậm chí không cần có hàng… những yếu tố mà kinh doanh truyền thống không thể làm được.
1.5. Giải trí
Giải trí là nhu cầu thiết yếu của con người nên các nền tảng mạng xã hội đã sử dụng rất nhiều phương pháp nhằm đem lại cho chúng ta những trải nghiệm tuyệt vời nhất.
Chính nhờ vào những ưu điểm này mà rất nhiều người đã bị thu hút, tham gia vào các nền tảng mạng xã hội.
- Về hình thức có thể là Text, Image, Audio, Video, …
- Về nội dung thì có thể là một ca khúc trữ tình lãng mạng, một vở hài kịch, một tập phim hoạt hình, …
Các nội dung trên có thể là do bạn hoặc bạn của bạn đăng lên, chúng ta cũng xem, cùng chia sẽ…
#2 Nhược điểm của MXH là gì?
2.1. Ảnh hưởng xấu đến các hoạt động thường nhật
Hoạt động thường nhật là các hoạt động như ăn, học tập, làm việc, giải trí, ngủ, nghỉ … tất cả chúng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực nếu chúng ta quá lạm dụng mạng xã hội.
Vậy ảnh hưởng tiêu cực cụ thể là như thế nào?
Gián tiếp gây ra hiện tượng mất tập trung trong học tập, làm việc, giảm thời gian và chất lượng giấc ngủ, ảnh hưởng đến sự phát triển của thể chất và tinh thần …
Không tin thì bạn cứ thử đăng mới một hình ảnh hay thay đổi cái avata mà xem, chốc chốc bạn lại vào ngó xem được bao nhiêu like, bao nhiều share, xem mọi người bình luận về mình như thế nào… Rất tốn thời gian và gây xao lãng đến những việc khác.
Đặc biệt, nó sẽ góp phần tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm, một căn bệnh nguy hiểm vẫn chưa có phương pháp điều trị hiệu quả.
2.2. Rất tốn thời gian
Qua việc khảo sát thời gian sử dụng mạng xã hội ở nước ta của các thanh thiếu niên, ta có được bảng số liệu thống kê như sau:
Thời gian sử dụng (giờ) | Tỉ lệ (phần trăm) |
< 1 | 16.0 |
1 – 3 | 35.7 |
3 – 5 | 25.7 |
> 5 | 22.6 |
Qua những số liệu bên trên chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy thanh thiếu niên dành khá nhiều gian cho mạng xã hội
Nhiều chuyên gia đã cảnh báo, việc sử dụng mạng xã hội quá nhiều là một trong những nguyên nhân chính gây nên trình trạng nghiện mạng xã hội.
Và các nhà phát triển mạng xã hội thì rất giỏi trong việc này, họ đã phân tích hành vi sử dụng của người dùng và từ đó tạo ra “chất gây nghiện” cho sản phẩm của họ.
Không tin à, hành vi “vuốt vuốt” để đọc các thông tin vô tận trên news feed, bạn cứ kéo xuống và các thông tin và bài viết mới cứ tiếp tục hiện ra chính là cách mà các XMH giết chết thời gian của bạn.
Đối với các trang web truyền thống thì để xem được các thông tin mới bạn phải load lại để xem, còn với đa số các mạng xã hội hiện nay thì mọi thứ gần như tức thì, vậy nên bạn sẽ bị cuốn vào đó lúc nào không hay, không biết điểm dừng.
Đọc thêm: Ứng dụng CAI NGHIỆN điện thoại Smartphone Android hiệu quả
2.3. Thông tin giả mạo, xấu độc tràn lan
Mạng xã hội là nơi cho phép chúng ta tự do ngôn luận, tự do đăng các thông tin mà mình muốn.
Chính vì vậy mà nhiều thành phần đã lợi dụng để đăng những thông tin giả mạo, những thông tin xấu độc và bịa đặt.
Chúng ta cần suy nghĩ thận trọng trước khi đăng bất kì một nội dung nào và không Like, Comment, Share những nội dung giả mạo, độc hại..
Bạn cần phải có tư duy phản biện, đừng thấy người ta đăng cái gì là cũng tin ngay, phải có tư duy logic của chính mình, hãy đặt ra những câu hỏi chất vấn để xem thông tin đó có tực sự đáng tin hay không.
2.4. Vấn nạn xâm phạm quyền riêng tư
Quyền riêng tư của bạn rất dễ bị lợi dụng nếu bạn cung cấp quá nhiều thông tin cá nhân (họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, số điện thoại, địa chỉ thư điện tử, …)
Tiêu biểu nhất là tình trạng mạo danh, mạo danh để vận động quyên góp ủng hộ những người bị bệnh hiểm nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, xây chùa, mượn tiền người thân, bạn bè (của nạn nhân)
Những con người, hoàn cảnh trên là có thật nhưng họ sẽ không bao giờ nhận được tấm lòng, sự ủng họ của chúng ta vì tất cả đã bị “giữ lại”.
2.5 Vấn nạn bắt nạt, xâm hại
- Thanh thiếu niên nói chung và học sinh nói riêng là một trong những đối tượng sử dụng mạng xã hội nhiều nhất (1)
- Ở lứa tuổi này hầu hết các em chưa đủ nhận thức, kinh nghiệm, bản lĩnh, … (2)
(1) và (2) suy ra các em rất dễ bị bắt nạt và xâm hại trên mạng xã hội.
#3. Lời kết
Nếu đã tạo tài khoản MXH và sử dụng mạng xã hội thì chúng ta đã chấp nhận những ưu điểm/ lợi ích cũng như nhược điểm/ tác hại của mạng xã hội rồi.
Vậy nên công việc quan trọng cần làm là hãy phát huy những ưu điểm và hạn chế những nhược điểm đang có của Mạng Xã Hội. Okay, xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại các bạn trong những bài viết tiếp theo ha !
CTV: Nhựt Nguyễn – Blogchiasekienthuc.com