Hiện tại, camera là một thiết bị được coi là “mặc định” của mọi gia đình. Đặc biệt là những nhà ở các thành phố lớn, người ta trang bị camera từ ngoài cổng cho đến trong nhà…
Trung bình một nhà có 2, 3 camera là chuyện hết sức bình thường, thậm chí với những nhà lớn, nhà thông minh (smarthome) thì con số sẽ lên đến cả chục cái.
Dùng camera nhiều là vậy, tiện lợi và hữu ích là vậy nhưng rất nhiều người vẫn chưa nhận thức được những nguy hiểm tìm tàng trên các thiết bị này. Vậy nên trong bài viết này chúng ta sẽ cùng điểm qua những lưu ý trước khi sử dụng camera tại gia nhé.
Mục Lục Nội Dung
#1. Một số loại camera phổ biến hiện nay
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại camera với hàng trăm, thậm chí hàng nghìn model khác nhau đến từ rất nhiều hãng sản xuất khác nhau. Nhưng nhìn chung chúng đều nằm trong những loại được liệt kê sau đây.
- Camera có dây: Đây là loại camera được kết nối bằng dây, bao gồm dây nguồn và dây truyền tín hiệu.
Camera sẽ lấy nguồn từ điện gia đình (được chuyển đổi qua adapter cho phù hợp), những dữ liệu mà camera ghi được cũng được truyền qua hệ thống dây mạng và lưu trữ trên ổ cứng máy tính….
- Camera không dây: Loại camera này lại được chia ra làm 2 loại nhỏ hơn là có dây nguồn và không dây hoàn toàn.
Tức là một loại vẫn sử dụng nguồn điện từ gia đình nhưng dữ liệu hoàn toàn được truyền tải qua mạng không dây WiFi , loại còn lại là nguồn từ hệ thống pin trên camera (pin sạc) người dùng chỉ cần sạc một lần và dùng khi nào hệ thống báo hết pin thì lại sạc tiếp.
#2. Camera có dây có những rủi ro gì?
Ưu điểm lớn nhất của camera có dây là hệ thống truyền dữ liệu bằng cáp nên tính ổn định cực kì cao, gần như không có hiện tượng nhiễu hay trục trặc về mạng kết nối.
Việc sử dụng nguồn điện gia đình cũng bảo đảm hệ thống làm việc lâu dài không cần lo lắng về nguồn điện.
Nhưng hệ thống camera này cũng tiềm ẩn những rủi ro có thể nói là cố hữu như : Vì dây kết nối nhiều nên nếu không cẩn thận và lặp đặt kĩ càng thì có thể dẫn đến chập cháy.
Nhất là ở những nhà kho có vật liệu dễ cháy, những sai sót trong lắp đặt đường dây hay adapter hoàn toàn có thể gây nên hỏa hoạn.
#3. Rủi ro về camera không dây
Loại camera này ưu điểm là gọn nhẹ, dễ lắp đặt, tính thẩm mỹ cao, không dây dợ quá nhiều, đặc biệt là loại camera chạy bằng pin.
Nhưng vấn đề là đa phần những camera này được kết nối qua mạng WiFi, mà tín hiệu WiFi thì các bạn biết rồi đó, rủi do về dữ liệu sẽ cao hơn, hacker có thể chiếm quyền điều khiển và truy cập dữ liệu quay được từ camera nhà bạn.
Khi xâm nhập vào hệ thống thành công, hacker sẽ quan sát được hết những gì mà camera ghi lại được.
Việc này ảnh hưởng rất lớn tới đời sống riêng tư, thậm chí còn là tiền đề cho việc đột nhập vào nhà một cách bất hợp pháp.
Vậy nên mới có mấy vụ hack camera và tung clip lên mạng đó các bạn.
#4. Những điều nên làm khi lắp camera tại nhà
Để hạn chế những rủi ro trên, các bạn cần chú ý những điều sau khi lắp camera tại gia cho gia đình mình:
+) Nên lắp và đi dây cẩn thận, tránh xa nguồn nhiệt và các khu vực dễ cháy nổ. Đặc biệt là trần nhà như mái tôn, khu vực nhận nhiều nhiệt từ ánh sáng mặt trời.
+) Nếu đã có ý định lắp camera trong phòng thì nên dùng loại có dây kết nối dữ liệu để tránh việc nguy cơ bị xâm nhập bởi các hacker.
Còn nếu bạn xác định sử dụng loại không dây hoàn toàn thì nên trang bị những hiểu biết cơ bản về an toàn thông tin mạng.
Hãy cài đặt bảo mật hơn cho bộ phát WiFi nhà bạn, tránh tải những phần mềm lạ, hạn chế truy cập những website tìm ẩn virus hay để người lạ truy cập và máy tính……
Có thể đọc tới đây nhiều bạn sẽ nghĩ chuyện cháy nổ và việc camera bị hack là rất khó xảy ra đúng không. Nghe như trong phim vậy, nhưng bạn nên nhớ, khi công nghệ càng phát triển thì hành vi tội phạm cũng phát triển theo.
Đọc thêm:
- Xem thêm serie: Cách bảo mật thông tin cá nhân
- Xem thêm serie: Kinh nghiệm sử dụng mạng xã hội an toàn
- 13 lưu ý bạn PHẢI BIẾT để luôn được AN TOÀN TRÊN INTERNET
Trước kia, không ai nghĩ chỉ với một lệnh chuyển tiền, chúng ta có thể mất toàn bộ số tiền trong tài khoản, thì nay với những thủ thuật tinh vi điều này đã xảy ra và được báo chí nói đến rất nhiều.
Vậy nên cẩn thận là không bao giờ là thừa, đừng để sự chủ quan của bạn mà gây ra những hậu quả đáng tiếc mà không có cơ hội sửa sai.
#5. Nên sử dụng Camera hãng nào?
Như mình đã nói ở trên, hiện tại có khá nhiều hãng camera trên thị trường và cũng có rất nhiều hãng tốt.
Nhưng với cá nhân mình, sau khi tìm hiểu kỹ thì mình đã sử dụng con Camera EZVIZ C3X CS-CV310 của hãng EZVIZ.
Mua camera xong mua thêm thẻ nhớ nữa thì đợt mình lắp (giữa năm 2021) là vào khoảng hơn 2 triệu, giá camera hiện tại có rẻ hơn một chút so với hồi trước nên chi phí tổng thể sẽ rẻ hơn.
Theo đánh giá trải nghiệm củ cá nhân mình là rất tốt, hình ảnh/video quay lại rất sắc nét, hỗ trợ đàm thoại 2 chiều, buổi tối tự động sáng đèn camera, tự động chụp lại ảnh của người/vật thể trong phạm vi camera nhìn thấy, tự động gửi cảnh báo đến điện thoại khi phát hiện người/vật thể..
Bên dưới là một vài hình ảnh thực tế từ con camera nhà mình:
Đó là loại Camera mình lắp ngoài trời, để xem thêm nhiều mẫu camera của hãng Ezviz thì bạn có thể xem thêm tại đây !
#6. Những tiêu chí lựa chọn camera phù hợp với nhu cầu
+) Xác định loại camera ngoài trời hay camera trong nhà.
+) Xác định khu vực muốn quan sát để lắp đặt camera cho phù hợp (bố trí nguồn điện cho camera nếu là loại camera dùng adapter).
+) Chọn loại tiêu cự camera phù hợp. Ống kính càng lớn thì khoảng cách nhìn càng lớn, góc quan sát cũng rộng hơn. Tiêu cự trong camera hiện nay chủ yếu là 2.8 mm, 3.6 mm, 6 mm, 8 mm, 12 mm…
+) Lựa chọn camera có độ phân giải phù hợp. Tất nhiên rồi, độ phân giải càng cao thì hình ảnh càng sắc nét, nhưng dung lượng lưu trữ sẽ nặng hơn, giá thành camera sẽ đắt hơn..
+) Lựa chọn loại camera có hồng ngoại hoặc không có hồng ngoại. Có hồng ngoại thì bạn sẽ quan sát được cả ban đêm (đa số camera hiện nay đều có hồng ngoại), quan trọng là hồng ngoại quan sát gần hay hồng ngoại quan sát xa mà thôi.
Bài viết đến đây là hết, hi vọng những chia sẻ trong bài viết này sẽ hữu ích với bạn. Đừng quên theo dõi Blog Chia Sẻ Kiến Thức mỗi ngày để để đón đọc những bài viết hữu ích nhé. Xin cảm ơn !
CTV: Lê Đinh Hoàng Vũ – Blogchiasekienthuc.com
Edit by Kiên Nguyễn