Với những bài viết về Geforce Now thì các bạn có thể hình dung được ngành công nghiệp Cloud Gaming đang “chín” tới mức nào: thiết bị được hỗ trợ nhiều hơn, nền tảng hệ điều hành tương thích nhiều hơn, thư viện game lớn hơn, gói cước dễ thở hơn,…
Vậy nên việc so sánh NVIDIA Geforce Now với các ông lớn khác như là Microsoft Project xCloud, Google Stadia,… thì quá same-same rồi đúng không, và cũng không có gì nhiều để so sánh 🙂
Vậy nên hôm nay mình sẽ giới thiệu với các bạn một “tân binh” mới trong làng Cloud Game Streaming – mang tên Shadow.
Liệu Shadow có mang đến những công nghệ đột phá và những trải nghiệm vượt bậc so với các “bô lão” đang có trên thị trường hay không?
#1. Về thư viện game
Đây là điểm khác biệt lớn nhất giữa Shadow và GeForce Now:
1.1. Đối với NVIDIAGeForce Now
NVIDIA chỉ hỗ trợ những game đến từ nhà phát hành tham gia vào chương trình Cloud của họ, nhưng các bạn cũng đừng quá lo vì Cloud Gaming sẽ là xu hướng bắt buộc, nên việc đưa các game lên Cloud chỉ là một sớm một chiều.
Những tựa game đã gia nhập GeForce Now đáng kể: Fortnite và Counter-Strike: Global Offensive cũng như các tựa game mới nổi là Celeste, Salt and Sanctuary, Torchlight II,…
1.2. Đối với Shadow
Shadow thì họ làm khác, hãng này chọn cách làm dịch vụ khác biệt hơn, việc đăng ký dịch vụ coi như bạn đang mua một VPS Windows cấu hình cao được cài sẵn các công cụ hỗ trợ tải game như Steam hay các driver cần thiết để có thể stream game (giống y như việc bạn đang cài đặt, thao tác trên máy tính Windows tại nhà của bạn).
VPS Windows: Bạn có thể hiểu đơn giản là một một máy chủ ảo, máy chủ đám mây… chạy hệ điều hành Windows..
Việc này giúp cho việc làm chủ bản quyền game một cách dễ dàng hơn, bạn mua game của Steam thì có thể mở Steam để chơi, bạn mua game của GOG thì tìm GOG để chơi, hoặc bạn có thể mua CD key rồi tải bộ cài và cài đặt game như truyền thống, thật tiện lợi đối với Shadow !
Còn đối với GeForce Now thì bạn sẽ phải chấp nhận phụ thuộc vào nền tảng bản quyền DRM của nhà cung cấp, ví dụ game The Witcher 3 của GOG thì bạn không thể chơi trên Steam được (ít nhất thì bạn sẽ phải mua thêm 1 lần nữa với nền tảng này).
=> Xét về khả năng hỗ trợ tựa game cũng như tính linh hoạt trong việc mua game thì Shadow ăn đứt GeForce Now rồi !
#2. Về giá thành
2.1. Đối với NVIDIAGeForce Now
Phải công nhận là GeForce Now đem đến sự tiện lợi cho người dùng hơn, bạn chỉ việc đăng ký tài khoản rồi click -click vài phát là có thể chơi ngay các tựa game ưa thích.
Nhưng… cái giá phải trả là quá trình Beta khá lâu, hiện tại NVIDIA Free cho anh em trong giai đoạn thử nghiệm này (giới hạn 1 tiếng chơi, tựa game khá là hạn chế….).
Riêng gói cao cấp “Founders” giá ưu đãi 5$/tháng – trong vòng 12 tháng với khả năng chơi những game nặng nhất yêu cầu card RTX real-time ray tracing, hay thời gian chơi game không hạn chế,…
Ở thời điểm hiện tại thì NVIDIA thông báo đã bán hết các gói do nhu cầu tăng cao, chưa kể là GeForce Now chưa hỗ trợ hết các nước Châu Á.
2.2. Đối với Shadow
Như những lợi ích về việc tự lựa chọn game mà bạn yêu thích như mình đã đề cập ở phần trên, cơ bản thì với gói Boost 11.99$/tháng, Shadow bán cho bạn một con VPS Windows với card màn hình ~ GTX 1080 hỗ trợ FullHD 60 FPS đi kèm ổ cứng 256GB.
- Gói Ultra 24.99$: hỗ trợ độ phân giải 4K, ổ cứng 512 GB.
- Gói Infinite 39.99$: 4K và 1TB ổ cứng.
Trông có vẻ thì đắt hơn nhiều so với Nvidia GeForce Now, nhưng với Shadow thì bạn có thể dùng con VPS Windows này để làm nhiều việc khác nữa, thay vì chỉ dùng để chơi game.
Ví dụ bạn có thể dùng để chạy SEO Tool, Render qua đêm chẳng hạn,… (lý thuyết là vậy, không biết hãng có chủ động block các tool này hay không).
Nhưng nói chung, nếu xét trên góc độ chỉ mua để sử dụng cho việc chơi game thì rõ ràng là mức giá này đắt hơn so với GeForce Now.
Trong khi đó, mặc dù chưa đưa ra giá chính thức, nhưng giá ban đầu mà NIVIDA GeForce Now đưa ra là rất mềm, đi kèm với gói Free để các bạn mới có cơ hội trải nghiệm trước.
=> Vậy kết luận, NVIDIA giành chiến về giá nhé các bạn !
#3. Về tính năng
Thật khó để so sánh 2 trường phái cung cấp dịch vụ Cloud Gaming, một bên cho thuê các gói game chơi ngay, một bên cho thuê cả một VPS (một máy tính ảo) để người dùng tự cài đặt thỏa thích (sử dụng như một máy tính Windows thực thụ).
Shadow cho phép bạn có cơ hội sở hữu một chiếc máy tính Windows cao cấp nhất, sử dụng card màn hình Titan RTX (mạnh nhất tại thời điểm mình viết bài này), với 32GB RAM và mạng Gigabit (miễn là bạn đủ tiền chi trả hàng tháng, nếu bạn mua theo năm thì giá sẽ rẻ hơn).
Shadow thích hợp cho các bạn vừa thích chơi game, vừa thích chạy Tool/render qua đêm (mình không khuyến khích các bạn lạm dụng để cày Torrent hay đào bitcoin, tránh bị xóa tài khoản mất tiền oan).
GeForce Now thì chuyên cho game Streaming hơn, bạn chỉ việc mua gói game => chọn game => rồi chiến thôi, game sẽ được cập nhật hoàn toàn tự động, cũng như bạn không phải lo đến việc chơi nhiều game sẽ bị thiếu dung lượng ổ cứng như bên Shadow.
Là gà nhà của NVIDIA nên GeForce Now được tích hợp các dịch vụ để nâng cao trải nghiệm chơi game như Nvidia Highlights chẳng hạn (chương trình hỗ trợ ghi hình, chụp screenshot trong game để chia sẻ với bạn bè).
Nói tóm lại, những thứ GeForce Now cung cấp thì Shadow cũng có thể (kể cả Real-Time ray Tracing), và ngoài ra thì nó còn cho phép bạn dùng VPS Windows để làm nhiều tác vụ khác nữa.
=> Phần này Shadow giành chiến thắng !
#4. Tổng kết
Mình không so sánh hiệu năng phần cứng từ góc độ server, vì các bạn thử tưởng tượng mà xem, năm 2021 rồi, những chiếc Laptop tầm trung còn có thể chơi game AAA được, nói gì đến phần cứng dành cho server 😀
Có chăng là đánh giá trải nghiệm thì đúng hơn, mình là dân IT nên thích vừa chơi game vừa có thể dùng VPS Windows của Shadow để làm được nhiều việc hơn. Còn nếu bạn chỉ dùng để chơi game thì có lẽ GeForce Now sẽ là sự lựa chọn tốt hơn dành cho bạn.
Một yếu tố quyết định khiến dân VN chúng ta không thể chọn Shadow hay Nvidia đó là, 2 hãng này mới chỉ hỗ trợ tại thị trường nước Mỹ là chủ yếu, bạn phải chờ đến khi máy chủ của họ có mặt tại nước mình thì may ra Cloud Gaming mới phát triển được.
Trong phần tiếp theo thì mình sẽ so sánh 2 ứng cử viên sáng giá hơn trong làng Cloud Game Streaming, đó là: Google Stadia và Microsoft Project xCloud – bởi máy chủ của họ trải rộng trên toàn thế giới.
Hãy chú ý theo dõi Blog để không bỏ sót bài viết này của mình nhé ^^!
CTV: Dương Minh Thắng – Blogchiasekienthuc.com