Tại sao ô tô, máy bay.. lại không sợ bị sét đánh?
Vâng. Nếu bạn chưa biết thì hãy cùng mình đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này nhé. Hãy cùng mình tìm hiểu về lồng Faraday và ứng dụng tuyệt vời của nó vào đời sống hằng ngày !
Chúng ta vẫn thường thấy, những lúc trời mưa to, sấm sét đùng đùng người ta thì không ai đi ra ngoài, hoặc rất hạn chế ra ngoài đường vì sợ bị sét đánh….
Thế nhưng, tại sao ô tô vẫn đi bình thường ở ngoài đường, hay trên trời thì máy bay vẫn hoạt động một cách rất bình thường như không có gì xảy ra. Mặc dù các vật liệu cấu thành của nó có thể là rất hút sét.
Vậy liệu có phải ô tô hay máy bay không bị sét đánh bao giờ?
Không, ô tô hay máy bay đều được làm từ kim loại nên vẫn bị sét đánh như thường. Vậy một câu hỏi đặt ra là tại sao trên thế giới vẫn chưa ghi nhận có vụ thảm họa nào đến từ việc sét đánh ô tô hoặc là máy bay?
Mục Lục Nội Dung
#1. Tại sao ô tô, máy bay không sợ bị sét đánh?
Trước hết, các bạn cần phải hiểu tia sét là gì đã, hiểu một cách đơn giản nhất thì tia sét là một dòng điện cực lớn được phóng ra từ các đám mây tích điện xuống dưới mặt đất.
Người ta ước tính rằng dòng điện trong tia sét có cường độ vào khoảng 200.000 – 300.000 Ampe (A) và hiệu điện thế (U) rơi vào khoảng 50 – 100 triệu V. Và khi sét đánh, nó sẽ tạo ra nhiệt độ khoảng 28.000oC, gấp gần 5 lần nhiệt độ của bề mặt mặt trời (khoảng 6000oC) ◔◡◔
Có thể bạn đang tìm: Sấm sét là gì? Tại sao lại có hiện tượng sấm sét?
Như vậy, đáng lẽ khi bị sét đánh thì ô tô hay máy bay sẽ lập tức cháy rụi thành một đống phế liệu ngay chứ nhỉ.
Nghĩ vậy nhưng không phải vậy các bạn ạ, thực tế những tia sét với sức mạnh khủng khiếp này không hề “xi nhê” gì đối với ô tô, máy may.
Nói cách khác, nó chả khác gì muỗi đốt iNox cả. Thật là thú vị phải không, và điều thú vị này không phải là một phép màu mà nó được tạo ra bởi cấu tạo đặc biệt của những chiếc ô tô hay máy bay các bạn ạ.
Và nó được lý giải bởi một nguyên lý hết sức đơn giản, được tìm ra bởi nhà khoa học người Anh có tên là Michael Faraday vào năm 1831. Để hiểu được nguyên lý này thì mời các bạn xem hình bên dưới, cái lồng Faraday.
Cái lồng này có cấu tạo cũng chả khác gì cái lồng chim, lồng thú cưng của chúng ta ở nhà cả, nhưng khác một chỗ là lồng Faraday có vỏ phải được làm bằng kim loại dẫn điện tốt.
Và sự kỳ diệu của cái lồng này đã được nhà khoa học Michael Faraday khám phá ra và phát biểu bằng định luật mang tên ông. Nguyên lý đó được phát biểu như sau:
“Tại mọi vị trí trong cái lồng đó thì tổng điện trường bằng 0”
Nếu như bạn đứng trong chiếc lồng này thì cho dù dòng điện chạy qua lồng có lớn đến như thế nào đi chăng nữa thì bạn cũng không hề bị điện giật, mặc dù lồng vẫn dẫn điện chạy xung quanh.
Cũng vì thế mà ô tô, máy bay hay các đồ vật có hình dạng cái lồng đều áp dụng được cho định lý này.
=> Vậy nên theo nguyên lý Faraday thì khi sét đánh vào lồng, mọi thứ vẫn được đảm bảo an toàn, bình an vô sự cho dù dòng điện có lớn như thế nào đi nữa.
Ngoài ra, để đảm bảo an toàn thì trong vỏ máy bay người ta cũng đã thiết kế đặt các lưới kim loại nhỏ và đảm bảo rằng máy bay như là một cái lồng Faraday vậy.
#2. Ứng dụng của lồng Faraday vào đời sống
Như ở trên mình đã nói thì ô tô, máy bay đó là một trong những ứng dụng đầu tiên dựa trên nguyên lý của lồng Faraday.
Không những thế lồng Faraday còn có thể chặn được cả sóng điện từ nữa.
Nếu bạn nào để ý thì sẽ thấy, khi bạn đi trên các xe giường nằm kín hoặc lúc bạn đi trong thang máy thì điện thoại của bạn sẽ không có sóng, nếu có thì cũng rất yếu phải không.
Điều này cũng được lý giải đơn giản vì thang máy, ô tô được xem như là một cái lồng Faraday kín và sóng bên trong sẽ không có.
Nhưng do nhu cầu sử dụng điện thoại ngày nay cao nên người ta có thể thay đổi thiết kế hoặc làm thang máy bằng một vật liệu khác để người dùng có thể bắt được sóng điện thoại. Nhưng chắc hẳn nó cũng sẽ yếu hơn bình thường !
Và cũng nhờ tính chất tưởng ít có lợi này mà một ông chủ quán bar ở Anh đã nghĩ ra cách để giúp mọi người tăng giao tiếp với nhau hơn khi gặp nhau.
Lúc đó anh rất buồn khi nhìn thấy mọi người đi chơi với nhau mà ai cũng cắm mặt vào điện thoại, không trò chuyện gì với nhau cả.
Trong khi đó, luật pháp thì lại cấm không cho sử dụng các thiết bị chặn sóng, làm nhiễu sóng. Vì thế anh đã dùng những chiếc giấy bạc và đan những sợi dây đồng lên trần nhà và tạo thành một chiếc lồng Faraday bí mật.
Và tất nhiên, khi khách vào quán thì sẽ bị mất sóng điện thoại hoặc có thì cũng chập chờn. Điều đó khiến cho mọi người đêù cất điện thoại đi và nói chuyện với nhau nhiều hơn. Một pha xử lý đi vòng lòng người phải không các bạn ◉◡◉
Cũng là ứng dụng của Lồng Faraday, nhưng trong trường hợp này nó được dùng để làm đổ bảo hộ cho những người công nhân sửa điện.
Trong những bộ đồ bảo hộ này, ở giữa lớp vải là những lớp kim loại mỏng dẫn điện tốt, phủ kín từ đầu đến chân để tạo ra một cái lồng Faraday hình hài của những bộ đồ. Nhờ đó mà mấy anh thợ điện luôn yên tâm khi thực hiện các nhiệm vụ của họ.
Đọc thêm:
- Tại sao miền Trung lại là nơi bão đổ bộ vào nhiều nhất?
- Titanium (Titan) là gì? những ứng dụng của nó trong đời sống
#3. Lời Kết
Như vậy là mình đã giúp các bạn hiểu được tại sao ô tô hay máy bay lại không sợ bị sét đánh rồi nhé. Đấy anh em nào có điều kiện thì hãy sắm cho mình và gia đình cái ô tô đi cho nó vừa sang trọng, mà lại an toàn. Mưa không đến mặt, nắng không đến đầu 😀
Còn anh em nào chưa có thì gắng mà phấn đấu đi nhá. Chúc các bạn thành công !
CTV: Đinh Tùng – Blogchiasekienthuc.com