Hey, chào mừng các bạn đã quay trở lại với chuyên mục “kĩ năng” của Blog Chia Sẻ Kiến Thức. Mình rất vui vì hôm nay chúng ta lại có cơ hội đồng hành cùng nhau trên chặng đường khám phá những điều mới mẻ.
Bạn biết đấy, kĩ năng viết luôn đóng vai trò thiết yếu trong cuộc sống của những con người hiện đại. Viết giúp chúng ta trình bày các ý tưởng một cách khoa học, linh động và truyền cảm hứng.
Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm được các nguyên tắc để có một bài viết hoàn chỉnh. Ngay sau đây, mình sẽ chia sẻ với các bạn 6 lời khuyên giúp chúng ta cải thiện triệt để kĩ năng viết dựa trên những kinh nghiệm mình tổng hợp và tự rút ra trong quá trình cầm bút ha.
OK ! ngay bây giờ, mời các bạn hãy cùng mình tìm hiểu chi tiết hơn nhé.
Mục Lục Nội Dung
#1. Đọc Tác Phẩm Của Các Nhà Văn Kiệt Xuất
Việc đọc luôn được đề cao hàng đầu trong quá trình tạo dựng khả năng viết lách. Bởi bạn sẽ không thể nào tạo nên một bài viết ưng ý nếu thiếu vốn từ vựng hay yếu kém trong lối diễn đạt. Và việc đọc sách sẽ giúp chúng ta giải quyết được tất cả những vấn đề ấy.
Mọi hành trình vĩ đại đều khởi đầu bằng việc học hỏi. Hãy tìm đọc những tác phẩm của các nhà văn nổi tiếng, thông qua đó trí óc bạn sẽ được mở mang bởi những tư tưởng nhân văn và mới mẻ.
Đừng quên đi tìm tiếng nói của riêng mình bằng cách vận dụng những tinh hoa được truyền tải trong từng trang viết. Bạn hãy chú ý tới phong cách và phương pháp diễn đạt của tác giả, để từ đó phát triển thêm các ý tưởng cá nhân độc đáo nhé!
Nếu duy trì đọc sách đều đặn, vốn từ vựng của chúng ta sẽ được nâng cao và khả năng diễn đạt cũng dần trở nên mượt mà hơn bao giờ hết.
Sở hữu hai yếu tố này chính là bước khởi đầu đáng mơ ước đối với tất cả những ai đang nỗ lực cải thiện khả năng viết lách !
#2. Ghi Lại Các Ý Tưởng Mọi Lúc, Mọi Nơi
Các ý tưởng độc đáo là một phần không thể thiếu để bài viết của bạn thêm phần thú vị. Tuy nhiên, não bộ của chúng ta lại thường nảy sinh ý tưởng vào những thời điểm không ngờ tới nhất.
Có thể là khi bạn chạy bộ, đang đi dạo, đăng đi bơi, đang câu cá, hay đang long dong ở đâu đó với bạn bè của bạn chẳng hạn. Những lúc này mới là lúc mà não bộ của bạn có nhiều ý tưởng sáng tạo nhất.
Vì thế, bạn luôn phải trong tâm thế sẵn sàng để có thể lưu giữ lại bất kì dòng suy nghĩ mới mẻ nào ập tới.
Mình có thói quen mang theo bút và sổ tay bên người. Vì bạn biết đấy, chúng ta rất dễ bị phân tâm bởi hàng ngàn những công việc không tên mỗi ngày. Do đó, ngay cả người có trí nhớ tốt cũng nên học cách ghi chép thật cẩn thận.
Nếu thường nảy ra các sáng kiến vào đêm khuya, bạn có thể đặt giấy bút ngay bên cạnh mình khi đi ngủ. Bằng mẹo nhỏ này, mình đã không bỏ lỡ bất kì ý tưởng, hay thậm chí là những giấc mơ thú vị nào cả.
Khi đã lưu giữ được nguồn cảm hứng vô giá ấy rồi, bạn hãy cố gắng nắm bắt mạch cảm xúc và triển khai các ý tưởng sáng tạo nhất có thể. Hãy cùng mình đi vào chi tiết ở mục #3 ngay dưới đây nhé!
Note: Nếu bạn ngại mang giấy bút bên mình thì có thể sử dụng chính chiếc smartphone của bạn, ghi trong ứng dụng ghi chú ấy. Bạn cũng ccó thể sử dụng phần mềm Evenote để ghi chú một cách chuyên nghiệp hơn.
#3. Tạo Thói Quen Viết
Làm việc tùy hứng không phải là sai, bởi điều này giúp văn phong của chúng ta lãng mạn và bay bổng hơn. Tuy nhiên, nếu bạn muốn lối hành văn của mình đạt hiệu quả cao thì việc xây dựng thói quen viết là thực sự cần thiết.
Mỗi người chúng ta sẽ có một khung giờ làm việc hiệu quả khác nhau. Mình thường viết năng suất nhất vào buổi tối, nhưng đối với những người khác có thể là buổi trưa, sáng hoặc lúc nửa đêm.
Chính vì thế, bạn hãy chú ý tới các tín hiệu của cơ thể và chọn cho mình một khoảng thời gian viết lách phù hợp nhất nhé.
Tuy nhiên, dù là thời điểm nào đi chăng nữa thì chúng ta bắt buộc phải làm nó mỗi ngày. Đừng quên rằng chỉ khi thực hành đều đặn, khả năng viết của bạn mới có thể được bộc lộ triệt để.
Bạn nên dành tối thiểu 30 phút mỗi ngày để viết, nếu nhiều hơn thì càng tốt. Hãy dùng kỉ luật thúc ép bản thân nếu sự lười biếng ngăn cản chúng ta làm việc. Đừng ngại khó khăn, mình tin là mọi nỗ lực của bạn sẽ được đền đáp xứng đáng!
#4. Loại Bỏ Những Yếu Tố Gây Xao Lãng
Okay, một bài viết hoàn chỉnh luôn đòi hỏi sự tập trung cao độ, tuy nhiên mình chắn chắn sẽ có những lúc chúng ta bị phân tâm bởi rất nhiều yếu tố ngoại cảnh. Những lúc như vậy phải giải quyết thế nào đây?
Bạn biết đấy, sự tập trung của chúng ta bị mất đi theo một chuỗi vòng lặp của những điều vụn vặn. Đã khi nào bạn đặt ra giới hạn thời gian để hoàn thành công việc, nhưng sau cùng vẫn bị chậm tiến độ chưa nhỉ?
Nếu đã từng trải qua cảm giác không mấy dễ chịu như thế, thì mình nghĩ đã tới lúc chúng ta nên tập trung vào các yếu tố gây phiền nhiễu rồi đó.
Với riêng bản thân mình, những thông báo từ mạng xã hội luôn là tác nhân chủ yếu dẫn tới sự mất tập trung liên tục.
Đối với những người khác, đó có thể là trò chơi điện tử, lời mời gọi của bạn bè, hay thậm chí chỉ là những đồ đạc linh tinh ở góc làm việc khiến chúng ta “táy máy” động chạm… Hãy tìm ra nguyên nhân khiến bạn mất tập trung và dứt khoát loại bỏ chúng.
Nếu bạn gặp vấn đề với mạng xã hội như mình, hãy tắt thông báo từ ứng dụng, chuyển smartphone sang chế độ “không làm phiền”, hoặc thậm chí ngắt kết nối với thế giới nếu bạn muốn.
Nhớ bài trí góc làm việc gọn gàng để đảm bảo không có thứ gì làm bạn phân tâm hay khó chịu nhé. Bạn có thể tham khảo bài viết: Ứng dụng CAI NGHIỆN điện thoại Smartphone Android hiệu quả
#5. Thể Hiện Bất Cứ Điều Gì Bạn Nghĩ
Một phương châm mình hay sử dụng mỗi khi thực hiện bất cứ công việc gì, đó là just do it – cứ làm thôi !
Phải, hãy cứ bắt tay vào làm việc. Rất nhiều bạn nói với mình là họ không có nền tảng và không biết bắt đầu từ đâu để viết được một bài hoàn hảo.
Thế nhưng, các bạn ấy quên mất rằng chẳng có tiêu chuẩn nào cho sự hoàn hảo cả. Nếu chúng ta hài lòng – đó chính là hoàn hảo; nếu chúng ta cảm thấy hạnh phúc với những gì mình đã làm – đó chính là hoàn hảo.
Vì thế, hãy cứ dũng cảm gõ những dòng đầu tiên. Bạn có thể bắt đầu một bài viết bằng những suy nghĩ không đầu không cuối, chẳng hạn như “hôm nay thời tiết dở tệ” hay “mình chẳng biết nên viết gì cả”.
Nguyên tắc là cứ thể hiện tất cả những gì bạn nghĩ, rồi sau đó những ý tưởng sẽ xuất hiện. OK !
Điều quan trọng nhất là bạn phải vượt qua được những ngờ vực về bản thân, và sau đó cứ viết thôi, đừng lắng lo gì cả.
Mọi dòng cảm xúc đều đáng được trân trọng, và biết đâu những mẩu đối thoại trong tâm trí chúng ta lại là khởi đầu cho một điều gì đó thực sự vĩ đại thì sao?
#6. Tiếp Nhận Phản Hồi
Nếu mãi ở vị thế người trong cuộc, chắn chắn bạn sẽ chẳng bao giờ sáng suốt được. Do đó, lời khuyên cuối cùng mình muốn gửi đến các bạn, đó là hãy cởi mở với những phản hồi của người khác về đứa con tinh thần của mình nhé.
Ban đầu, bạn có thể nhờ giáo viên đánh giá các bài viết mà bạn đã dồn tâm huyết vào đó. Về sau nếu đã tự tin hơn với khả năng của mình, hãy cố gắng liên hệ và nhờ những cây bút lão làng góp ý.
Đừng quên lắng nghe nhé ! Có thể bạn sẽ nhận được những lời phê bình gay gắt, nhưng hãy dùng chúng làm bàn đạp để phấn đấu.
Rồi sau một chặng đường dài nhìn lại, bạn sẽ phải cảm ơn sự đánh giá khắt khe ấy – bởi chính điều này mới làm nên sự trưởng thành ở ngòi bút của chúng ta trong tương lai.
#7. Lời Kết
Okay, trên đây là 6 lời khuyên thiết thực nhất giúp bạn nâng cao kỹ năng viết lách của mình. Đừng quên để lại góp ý cá nhân của bạn để chúng ta cùng nhau tiến bộ nhé! Thanks for all ❤
CTV: Ngô Hoàng Mai – Blogchiasekienthuc.com