Bạn có khi nào phản ứng gay gắt khi người khác chỉ trích bạn không?
Bạn phủ nhận mọi quan điểm của người ta, thậm chí cho dù bạn sai đi chăng nữa, bạn vẫn không dành thời gian để nhìn nhận lại vấn đề.
Nếu điều đó xảy ra trong cuộc đời bạn, chứng tỏ bạn có cái tôi quá cao. Những biểu hiện của cái tôi quá cao như hay phê bình và đổ lỗi cho người khác, sợ bị phê bình, sợ nhận lỗi, thậm chí là dùng lí lẽ để bao biện cho cái sai của mình đến cùng. Vậy làm thế nào để vượt qua nỗi sợ hãi, đặt cái tôi của mình xuống và dám thay đổi?
#1. Vượt qua sự sợ hãi
Có phải bạn sợ bị phê bình, sợ khi phải nhận mình sai, sợ cảm giác mình kém cỏi trong mắt người khác,… sợ đến nỗi bạn phản ứng gay gắt khi ai đó góp ý mang tính xây dựng nhưng lại động chạm đến nỗi sợ đó của bạn?
Bạn còn không chịu nhận lỗi và bao biện đến cùng, dù rằng có thể bạn đã sai. Tuy nhiên, việc vượt qua nỗi sợ đó chính là bước đầu tiên để đặt cái tôi của bạn xuống.
Cách vượt qua nó vô cùng đơn giản, chỉ cần bạn dũng cảm nhận sai, dũng cảm đương đầu với cảm giác đó. Hãy đương đầu, rồi bạn sẽ quen dần, quen dần và cảm thấy đây là một điều hết sức bình thường, không khó như bạn nghĩ đâu.
#2. Đặt cái tôi của bạn xuống
Sau khi bạn cởi mở, tiếp nhận những góp ý, những phê bình, nhận xét xong, bạn hãy thay đổi sự cố chấp trong bạn.
Hãy nghiêm túc giành thời gian xem xét lại những điều mà người khác góp ý, chấp nhận rằng đôi khi người ta góp ý đúng và bạn có thể đang mắc khuyết điểm nào đó.
Bạn hãy kiểm chứng bằng những biểu hiện của bạn với những gì người ta góp ý. Ví dụ, nếu tôi được góp ý là tôi quá cố chấp, tôi sẽ lên mạng tìm xem những biểu hiện của cố chấp, và xét lại những gì mình làm có giống biểu hiện đó không. Đây là bước đầu tiên của quá trình và bước tiếp theo là nhìn nhận.
#3. Nhìn nhận
Nghĩ về những lời góp ý của người khác và hướng thay đổi hay cải thiện mà bạn dự định sẽ thực hiện. Trước tiên, những điều người khác góp ý có đúng không và bạn THỰC SỰ cần thay đổi không?
Sau đó bạn hãy nghĩ xem hướng bạn thay đổi có ảnh hưởng xấu đến ai không.
Tiếp theo nữa, bạn thử nghĩ xem nó có đúng đắn và đáng để thay đổi hay không. Để nhìn nhận đúng đắn, thứ tôi khuyên bạn có lẽ là tự tìm cho mình những lời khuyên, nó có đầy trên sách báo và Internet.
Hãy hạn chế việc tìm lời khuyên từ người khác và chỉ làm vậy khi bạn thấy thực sự cần thiết. Bởi vì theo tôi, dù cho những người xung quanh bạn có gần gũi, hay thấu hiểu bạn ra sao, sẽ có những thứ trong con người bạn không muốn chia sẻ với ai, hoặc không ai hiểu nó được tường tận và sâu sắc như bạn. Mình có bài viết Làm sao để hiểu bản thân, bạn có thể đọc lại nó nhé.
#4. Dám thay đổi
Hành động là việc làm trực tiếp nhất để tạo nên thành công, nhưng mình lại đặt điều này sau cùng.
Bạn hãy dũng cảm thay đổi và chấp nhận sai lầm khi mà chắc chắn đã xác định đúng hướng. Nếu bạn đã đủ cởi mở, có thể đặt cái tôi của mình xuống và nhìn nhận một cách đúng đắn, bạn đã có thể thay đổi một điều gì đó theo hướng tốt hơn. Mình chúc bạn thành công và trở thành phiên bản tốt nhất có thể của chính bản thân mình.
Hãy chia sẻ quá trình thay đổi của bạn, những điều bạn học được, những kinh nghiệm, hay đâu đó là những sai sót của mình để cùng nhau tốt lên nhé !
CTV: Hoàng Xuân Thăng – Blogchiasekienthuc.com