Trong những năm gần đây, cụm từ Fintech được nhắc đến khá nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Vậy Fintech là gì? Và Fintech có ý nghĩa như thế nào trong cuộc sống hiện đại ngày nay? Mời các bạn cùng mình tìm hiểu kỹ hơn ở trong bài viết này nhé !
Mục Lục Nội Dung
I. Fintech là gì?
Từ “Fintech” được kết hợp bởi 2 từ là “Finance” và “Technology”. Vậy nên, bạn có thể hiểu “Fintech” là “Công nghệ tài chính”, là sự kết hợp của 2 yếu tố là CÔNG NGHỆ và TÀI CHÍNH.
Hay nói cách khác: Fintech là việc áp dụng công nghệ vào trong lĩnh vực tài chính để giúp người dùng thuận tiện hơn trong quá trình sử dụng, giúp nâng cao trải nghiệm người dùng để đôi bên cùng có lợi.
Còn theo Wikipedia định nghĩa thì: Fintech là một ngành công nghiệp tài chính mới, áp dụng công nghệ để cải thiện hoạt động tài chính.
Fintech đề cập đến phần mềm, phần cứng, thuật toán và nó được ứng dụng cho cả máy tính cũng như các thiết bị di động. Các nền tảng Fintech cho phép bạn thực hiện chuyển tiền giữa các tài khoản, thanh toán hóa đơn hoặc vay vốn ngân hàng một cách vô cùng nhanh chóng..
Đại dịch covid 19 đã thúc đẩy Fintech đến với người dùng nhanh hơn, các doanh nghiệp cũng dựa vào fintech để xử lý thanh toán và các giao dịch thương mại điện tử… đẩy mạnh hình thức “thanh toán không tiếp xúc”.
Tuy nhiên, bạn đừng nhầm lẫn về khái niệm Fintech. Mình lấy ví dụ:
Nếu như một công ty tài chính áp dụng công nghệ vào trong vận hành của họ thì không được gọi là Fintech, mà đó chỉ đơn giản là ứng dụng công nghệ trong công ty tài chính thôi.
Ví dụ như một ngân hàng cung cấp một ứng dụng mobile để khách hàng có thể giao dịch mobile-banking thì đây không được gọi là Fintech.
Ngược lại, khi một công ty công nghệ triển khai dịch vụ trong lĩnh vực tài chính thì đó mới là Fintech.
Ví dụ như một công ty IT đưa một công nghệ mới vào trong dịch vụ của ngân hàng nhằm bảo mật tốt hơn thông tin của khách hàng thì đó là một ứng dụng của Fintech.
Tóm lại, chúng ta có thể hiểu là khi một công ty tài chính áp dụng công nghệ vào trong dịch vụ của mình (như Digital Banking) thì đó không phải là Fintech, mà nó chỉ giúp khách hàng cảm thấy tiện dụng, nhanh gọn hơn khi sử dụng dịch vụ của công ty tài chính.
Trong khi đó, ứng dụng của Fintech chủ yếu tập trung vào việc cung cấp, gia tăng sự tin cậy, minh bạch và tự động hóa những quy trình nhằm nâng cao trải nghiệm người dùng và bảo vệ quyền lợi khách hàng hiệu quả hơn.
II. Fintech hoạt động như thế nào?
Fintech cung cấp cho người dùng và doanh nghiệp quyền truy cập vào các dịch vụ tài chính truyền thống theo những cách thức rất sáng tạo mà trước đây chưa từng có.
Ví dụ: Các ứng dụng ngân hàng hiện nay đều cho phép người dùng truy cập, quản lý tài khoản, hoặc thực hiện giao dịch ở bất cứ nơi đâu, bạn có thể dễ dàng xem số dư tài khoản, chuyển tiền, hoặc là thanh toán hóa đơn… cực kỳ nhanh chóng, thuận tiện.
Fintech cũng giúp tự động hóa nhiều dịch vụ, ví dụ như việc phát hành thẻ tín dụng online 100% chẳng hạn.
Người dùng không cần ra các chi nhánh ngân hàng nữa, không cần nhiều thủ tục rườm rà mà vẫn có thể mở thẻ tín dụng được một cách nhanh chóng và an toàn.
Trí tuệ nhân tạo (AI) và kho dữ liệu người dùng khổng lồ (Big Data) đã giúp các doanh nghiệp fintech hiểu khách hàng của họ hơn.
III. Những nhóm đối tượng và nhóm sản phẩm của Fintech
#1. Đối tượng của Fintech
Fintech có 3 nhóm đối tượng chính:
Đầu tiên là những công ty Fintech, những công ty này là công ty IT với chuyên môn là nghiên cứu và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công nghệ cho lĩnh vực tài chính.
Họ cung cấp dịch vụ cho khách hàng và khách hàng của họ có thể là những định chế tài chính/ công ty tài chính, hoặc là người sử dụng cuối (thường là khách hhàng cá nhân)
Đối tượng thứ 2 là những định chế tài chính, điển hình như ngân hàng, công ty đầu tư, công ty tài chính, công ty bảo hiểm,…
Các định chế tài chính có vai trò rất quan trọng trong lĩnh vực tài chính.
Và với sự phát triển không ngừng của công nghệ như hiện nay, việc ứng dụng công nghệ vào trong vận hành, quản lý hệ thống ngày càng được các định chế tài chính quan tâm nhiều hơn.
Các định chế tài chính thường hợp tác và sử dụng dịch vụ từ các công ty Fintech, hoặc họ cũng có thể tự nghiên cứu và đầu tư, áp dụng trực tiếp công nghệ vào hệ thống của mình để tạo nên ưu thế, gia tăng sức cạnh tranh trong thị trường.
Bên cạnh đó, họ cũng có thể lựa chọn hình thức đầu tư trực tiếp vào những công ty Fintech.
Đối tượng thứ 3 là khách hàng, đây là nhóm đối tượng rất quan trọng và cũng là đối tượng được hưởng nhiều lợi ích nhất trước sự cạnh tranh của thị trường.
Khi mà công nghệ liên tục được cập nhật, các ông lớn thường xuyên tung ra những tiện ích, những tính năng, kèm theo những ưu đãi để lôi kéo người dùng về phía mình thì người được hưởng lợi nhiều nhất chính là người dùng chúng ta.
#2. Sản phẩm của Fintech
Với sự khác nhau về đối tượng và chức năng thì Fintech được chia thành 2 nhóm sản phẩm chính:
Nhóm thứ nhất là những sản phẩm đem lại sự tiện ích và phục vụ cho những nhu cầu cơ bản của người tiêu dùng.
Ví dụ như những giải pháp giúp cho việc giao dịch, thanh toán được nhanh gọn hơn, hay là những công nghệ giúp cho việc vay mượn, quản lý vốn, tài trợ, đầu tư,… được thuận tiện hơn.
Nhóm thứ hai là những sản phẩm công nghệ back-office (BO) nhằm hỗ trợ cho hoạt động của các định chế tài chính.
Nhóm này bao gồm nhiều sản phẩm từ cơ bản như chuyển tiền, cho vay, thanh toán cho đến những sản phẩm mở rộng hơn như Công nghệ bảo hiểm (Insurtech), Gọi vốn cộng đồng (Crowfunding) hay Quản trị dữ liệu (Data management),…
IV. Những công nghệ có tác động nhiều đến Fintech
Có thể nói, trong tất cả các công nghệ đã tác động đến các dịch vụ tài chính thì công nghệ sổ cái phân tán (Blockchain) được cho là quan trọng nhất. Bên cạnh đó còn có những công nghệ nổi bật như:
#1. Trí tuệ nhân tạo (AI) và Machine Learning (ML)
Việc áp dụng AI và ML ngày càng phổ biến và cũng là xu hướng trọng tâm trong lĩnh vực Fintech.
Một vài ứng dụng của AI, ML trong Fintech có thể kể đến như: Phát hiện gian lận, tối ưu hóa quản trị rủi ro, phân tích và đề xuất các hạng mục đầu tư hiệu quả.
Bên cạnh đó còn giúp phát triển, nâng cao chất lượng cho những trải nghiệm của khách hàng khi sử dụng dịch vụ bằng cách áp dụng AI, nhằm tăng sự thấu hiểu đối với khách hàng và những mối quan tâm của họ.
#2. Dữ liệu lớn (Big Data) và Phân tích dữ liệu (Data Analytics)
Dữ liệu của khách hàng và của thị trường là một điều vô cùng quan trọng với các công ty Fintech.
Những yếu tố như sở thích của người tiêu dùng, thói quen người tiêu dùng, hay những hành vi, lựa chọn của khách hàng đều có thể được trích xuất từ cơ sở dữ liệu lớn và từ đó có thể xây dựng các phân tích dự đoán từ nguồn dữ liệu này.
Phân tích dự đoán có thể hiểu là việc sử dụng những dữ liệu lịch sử cùng với một thuật toán toán học để dự đoán, dự báo những hành vi của khách hàng trong tương lai.
Và những thông tin thu thập được cũng hỗ trợ việc phát triển các chiến lược tiếp thị, phát hiện những cơ hội và nguy cơ rủi ro, phân tích những vấn đề liên quan đến sản phẩm,…
#3. Tự động hóa quy trình bằng robot (Robotic Process Automation – RPA)
Tự động hóa quy trình bằng robot (RPA) là quy trình ủy quyền các hoạt động thủ công, lặp đi lặp lại cho robot thay vì con người nhằm hợp lý hóa các quy trình trong các tổ chức tài chính.
Và một số ứng dụng RPA phổ biến trong tài chính có thể kể đến như thu thập và thống kê dữ liệu, quản lý việc tuân thủ theo những quy định, hay quản lý những giao dịch,…
#4. Blockchain
Công nghệ Blockchain đang được ứng dụng rộng rãi và tiền điện tử cũng hoạt động dựa trên công nghệ này. Ví dụ như đồng Bitcoin chẳng hạn !
Với khả năng lưu trữ dữ liệu, hồ sơ giao dịch… phi tập trung nên khả năng dữ liệu bị tấn công, bị h.a.c.k hay những rủi ro xảy ra là vô cùng thấp.
#5. API
Vâng, có ngày càng ngày càng nhiều hệ thống tiền tệ mở API cho các ứng dụng Fintech. Điều này giúp cho Fintech thâm nhập nhanh hơn và sâu hơn vào các hệ thống tiền tệ.
V. Fintech đã bùng nổ như thế nào?
Việc Fintech ngày càng bùng nổ và phát triển mạnh mẽ là điều dễ hiểu, khi mà Fintech có được sự kết hợp công nghệ mạnh mẽ trong thời buổi công nghệ 4.0 như hiện nay.
Và cũng nhờ sự phát triển công nghệ này mà Fintech ngày càng đem đến cho mọi người nhiều tiện ích về tài chính hơn.
Những vấn đề như khoảng cách địa lý, hay thời gian, không gian và các yếu tố liên quan đến bảo mật, an toàn dữ liệu được giải quyết một cách hiệu quả hơn, phục vụ được nhiều nhu cầu khác của khách hàng hơn.
Vừa tiện dụng, vừa nhanh chóng, lại giảm được đáng kể những rủi ro cho khách hàng !
Sự trỗi dậy của Fintech đem đến bước ngoặt quan trọng khi nó góp phần định hình lại tài chính vĩ mô và đồng thời tạo ra các giải pháp mới vượt trội hơn.
Với những công nghệ mới được sử dụng như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), phân tích và dự đoán hành vi tiêu dùng, hay phân tích dữ liệu, mô phỏng thói quen để đưa ra quyết định của người dùng làm cho Fintech ngày càng trở nên có giá trị, giúp cắt giảm được nhiều chi phí nhân sự mà vẫn đảm bảo nâng cao chất lượng dịch vụ.
Nhưng có thể nói, trí tuệ nhân tạo (AI) vẫn là yếu tố quan trọng của hầu hết các nền tảng Fintech và nó sẽ tiếp tục được phát triển, đổi mới hơn nữa.
Fintech vẫn đang trên đà phát triển với tốc độ tăng trưởng rất cao và sẽ tiếp tục lan rộng trên khắp thế giới, đem đến nhiều sự đổi mới, bứt phá cho lĩnh vực tài chính.
VI. Sản phẩm và ứng dụng nổi bật của Fintech?
Có thể trước đây bạn chưa tìm hiểu hay biết nhiều về Fintech, nhưng bản thân nó có những sản phẩm rất nổi bật mà chắc hẳn bạn đã biết đến, thậm chí là đã và đang sử dụng thường xuyên nữa đó.
#1. Tiền điện tử
Tiền điện tử cùng với những cái tên như Bitcoin, Ethereum,… Các bạn nghe có quen không ^^
Những loại tiền số này được trao đổi dễ dàng và cực kỳ an toàn trên Internet. Bạn có thể sử dụng máy tính, điện thoại để giao dịch mà không cần phải thông qua đơn vị tài chính, đơn vị kết nối trung gian nào cả (ngân hàng, công ty tài chính..).
Nói tóm lại, tiền điện tử ở thời điểm hiện tại vẫn là một thành tựu vô cùng nổi bật của Fintech.
#2. Ví điện tử
Mình nghĩ ở thời điểm hiện tại, không ai là không sử dụng ví điện tử các bạn nhỉ?
Với ví điện tử thì chúng ta có thể thực hiện thanh toán, mua sắm… một cách rất dễ dàng và nhanh chóng (như thanh toán các hóa đơn, mua vé xem phim, vé máy bay, hay chuyển tiền, nhận tiền…)
Hiện nay, ở Việt Nam chúng ta có một số ví điện tử mà hầu như ai cũng biết đến, ví dụ như Viettel Money, VNPay, MoMo, ZaloPay,…
Bên cạnh đó còn có một số ví điện tử có thể thanh toán xuyên quốc gia, rất nổi tiếng trên thế giới ví dụ như PayPal hay Payoneer chẳng hạn.
#3. Giao dịch chứng khoán online
Với công nghệ của Fintech, chỉ cần một chiếc điện thoại hay máy tính là giờ đây bạn hoàn toàn có thể giao dịch chứng khoán, thực hiện các hoạt động mua bán vô cùng nhanh gọn, dễ dàng.
#4. Thanh toán bằng giọng nói
Smartphone có phần mềm nhận dạng giọng nói cho phép người dùng dễ dàng kiểm tra số dư, chuyển tiền và hoàn tất giao dịch mua chỉ bằng cách nói. Công nghệ này thì chưa có ở Việt Nam nhưng trên thế giới thì đã có rồi.
#5. Hợp đồng thông minh (Smart contracts)
Các hợp đồng có thể tự động được thực hiện khi đáp ứng được những điều kiện nhất định, giúp cải thiện tính bảo mật, tăng cường sự hiệu quả và giảm chi phí giao dịch.
#6. Thực tế tăng cường và thực tế ảo
Vâng, giao dịch chứng khoán ảo là một trong những cách sử dụng tiềm năng cho những công nghệ vẫn còn mới nổi này.
VII. Vậy Fintech có những thuận lợi và khó khăn gì?
#1. Cơ hội
Đọc tới đây thì có lẽ bạn cũng đã biết được những ưu điểm vượt trội của Fintech, cũng như tiềm năng phát triển của nó trong tương lai rồi đúng không?!
Ưu điểm đáng kể nhất của Fintech có lẽ là khả năng đáp ứng được nhu cầu của người dùng một cách nhanh chóng, tiện lợi và an toàn. Khi mà chúng ta có thể sử dụng dịch vụ ở bất cứ đâu, bất cứ thời điểm nào chúng ta muốn.
Yếu tố về không gian hay thời gian cũng không còn là vấn đề nữa, bởi vì doanh nghiệp bây giờ chỉ cần tập trung mạnh vào công nghệ thay vì những yếu tố mang tính chất sống còn như trước đây (ví dụ như cơ sở hạ tầng, mặt bằng…).
Như các bạn có thể thấy, đại đa số bây giờ ai cũng sở hữu cho riêng mình một chiếc smartphone hoặc một thiết bị điện tử có kết nối Internet, đặc biệt là giới trẻ.
Vậy nên ai cũng dễ dàng trở thành đối tượng sử dụng của Fintech, và những dự án khởi nghiệp, những công ty start-up về Fintech cũng ngày càng bùng nổ, phát triển và có nhiều cơ hội hơn.
#2. Thách thức và rủi ro của Fintech
Bên cạnh những ưu điểm thấy rõ thì nhiều người vẫn còn nghi ngờ và đặt ra nhiều câu hỏi dành cho Fintech. Họ cho rằng nó vẫn còn quá nhiều rủi ro và thách thức trong tương lai:
Điển hình như khi Fintech càng phát triển mạnh thì nguy cơ phá sản của những công ty/dịch vụ truyền thống cũng tăng theo.
Bên cạnh đó, còn có những rủi ro đến từ thị trường.
Cụ thể hơn là nhiều “gã khồng lồ” về công nghệ, tài chính sẽ tham gia cuộc chơi khi Fintech ngày càng trở thành lĩnh vực “nóng” và chắc chắn rằng những công ty, start-up Fintech non trẻ sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách và khó khăn hơn.
Hơn nữa, Fintech phát triển với tốc độ chóng mặt cũng làm cho nguồn nhân lực chưa đáp ứng kịp, việc tuyển nhân sự cho công ty Fintech không phải là dễ (vừa am hiểu về tài chính lẫn công nghệ).
Ngoài ra, vấn đề cho vay cũng có nhiều rủi ro hơn khi mà nợ xấu vẫn đang tăng đều từng năm và tạo nên nhiều áp lực cho ngân hàng hay các công ty tài chính.
Và một thách thức nữa không thể không nhắc tới đó là khó khăn về pháp luật, đây cũng là một vấn đề làm hạn chế sự phát triển của Fintech.
Nhưng chúng ta cũng không thể phủ nhận là, nhiều công nghệ chưa được kiểm soát, đặc biệt là trong lĩnh vực tiền điện tử và công nghệ blockchain.
Điều này có thể dẫn đến rủi ro không mong muốn cho người dùng, vậy nên người dùng cũng cần phải tìm hiểu kỹ trước khi tham gia sử dụng một nền tảng Fintech nào đó.
Bạn có thể xem một số video của VTV nói về Fintech sau đây:
VIII. Lời kết
Fintech là một chủ đề mà mình thấy rất thú vị và cũng rất đáng để chúng ta quan tâm. Hơn nữa, Fintech cũng rất gần gũi với chúng ta trong cuộc sống thường ngày nữa.
Qua bài viết này thì mình tin là bạn đã hiểu rõ hơn về Fintech rồi. Nếu bạn đã từng tìm hiểu về Fintech thì đừng ngần ngại để lại những góc nhìn của bạn ở bên dưới phần bình luận để chúng ta cùng trao đổi thêm nhé !
CTV: Vũ Nam Phương – Blogchiasekienthuc.com
Edit by Kiên Nguyễn
Bạn có thể tham khảo thêm thông tin về Fintech trên Wikipedia (tiếng anh / tiếng việt)