Đã bao giờ bạn nói chuyện với một người mà họ rất hăng say khi nói về một chủ đề nào đó chưa? Đó có thể là chủ đề mà họ biết rất rõ, nhưng bạn thì lại chưa biết gì cả.
Bạn đã cố gắng lắng nghe rất chăm chú, nhưng có một số đoạn nằm ngoài khả năng hiểu biết của bạn, sau đó bạn mất tập trung và không hiểu họ đã nói gì nữa.
Có lẽ, lúc đó bạn cảm thấy hơi rối bời, kiểu như nghĩ rằng mình không đủ thông minh để hiểu hết những gì họ đang nói. Hoặc có thể bạn cảm thấy tội lỗi vì đã làm lãng phí công sức của họ.
Có chăng, bạn cũng từng gặp tình huống tương tự (nhưng mà ở vị trí ngược lại). Bạn hào hứng nói về một chủ đề thú vị nhưng người nghe lại không thấy điều đó. Nói đúng hơn, họ không nắm được toàn bộ nội dung về chủ đề mà bạn đang nói.
Dù thế nào đi chăng nữa, tình hình này có thể thay đổi được nếu chúng ta tìm ra cách để diễn giải thông tin dễ hiểu hơn.
Đọc thêm:
- Chia sẻ 11 mẹo tâm lý cực hay mà có thể bạn chưa biết !
- Làm thế nào để cảm thấy mình xứng đáng được yêu thương?
Mục Lục Nội Dung
I. Làm thế nào để nói chuyện dễ hiểu hơn?
Vâng, nội dung dưới đây sẽ là 4 bí quyết giúp bạn nói về những chủ đề phức tạp nhưng vẫn giúp người nghe thông suốt toàn bộ nội dung mà bạn muốn truyền tải.
#1. Bắt đầu từ những kiến thức quen thuộc
Mỗi người đều có những chuyên môn và nền tảng tri thức khác nhau. Nếu bạn muốn người khác bắt nhịp với những gì bạn nói, hãy đưa ra những thông tin dựa trên những kiến thức nền tảng của họ.
Họ có thể bị xao nhãng và mất tập trung nếu bạn nói quá nhiều về những thông tin mới lạ.
Vậy làm sao để biết người nghe có biết về những gì bạn đang nói hay không? Cứ hỏi họ thôi: “Bạn biết điều này chứ …?”/ “Tôi nói vậy bạn hiểu ý tôi chứ?”
Nếu bạn sợ người nghe thấy nhàm chán vì đã nghe về những điều họ đã biết. Đừng lo lắng điều này, họ thực sự không quan tâm đâu.
#2. Đừng đi quá sâu vào tiểu tiết
Hầu hết chúng ta đều thích học hỏi và khám phá. Nhưng chúng ta chỉ có thể ngấm những kiến thức mới trong một khoảng thời gian nhất định.
Vì thế, đừng thả bom kiến thức khổng lồ cho người khác cùng một lúc. Tốt hơn hết, bạn chỉ nên giải thích tối đa 3 điều mới mẻ cho họ, đừng truyền một loạt thông tin gây quá tải cho họ.
Ví dụ, hãy tưởng tượng bạn là người yêu công nghệ và hiểu rất rõ về Blockchain. Một người bạn của bạn chẳng biết gì về công nghệ này và hỏi bạn về Blockchain.
Có thể lúc này bạn sẽ nói nhiều về cách Blockchain vận hành, chữ ký số, nền tảng của Blockchain, cách tạo Blockchain, các kỹ thuật về Blockchain,…
Thay vì đi vào tiểu tiết, hãy cố gắng tập trung vào những thứ tổng quát. Tập trung vào những thông tin mà ngay cả người không am hiểu về công nghệ cũng hiểu được.
Việc này sẽ giúp người nghe của bạn cảm thấy gần gũi và dễ hiểu. Bạn có thể nói về lý do tại sao Blockchain ra đời, Blockchain ứng dụng trong những lĩnh vực nào, và nó ảnh hưởng đến đời sống của chúng ta ra sao…
#3. Chỉ cần giải thích rõ ràng và dễ hiểu, không cần chính xác mọi thứ
Khi nói về một chủ đề mà chúng ta biết rất rõ, chúng ta có xu hướng diễn thuyết như một chuyên gia. Chúng ta có thể nói về những thuật ngữ phức tạp làm người nghe bối rối.
Cách tốt nhất để nói lại những kiến thức mới là sử dụng những ngôn từ đơn giản. Đừng quên, hãy giải thích dựa trên những kiến thức căn bản của người nghe.
Nếu họ muốn biết nhiều hơn, bạn có thể diễn giải tiếp dựa trên những kiến thức của họ, và đưa ra cách nhìn tổng quát vấn đề.
#4. Giải thích tại sao bạn thấy chủ đề này thú vị
Nếu dành thời gian để nói về một chủ đề phức tạp, có lẽ bạn sẽ có lý do để làm điều này. Bạn càng truyền cảm hứng tìm hiểu chủ đề cho người khác, họ sẽ càng nhớ đến nó, và thấy được giá trị thông tin mà bạn đã cung cấp.
Vì thế, hãy tự hỏi chính mình “Tại sao mình hào hứng với chủ đề này?”
Càng nói chuyện với lòng nhiệt huyết bao nhiêu, người nghe cũng sẽ cảm nhận nhiệt huyết đó bấy nhiêu. Hãy cho họ biết những thông tin này giúp ích gì cho cuộc đời bạn và cho cuộc đời họ. Đó là một trong những bí quyết giúp người nghe chú tâm vào nội dung bạn đang nói..
II. Tóm lại …
Tìm cách diễn giải về những chủ đề bạn yêu thích sẽ cần bạn thực hành và thử nhiều lần. Có thể cái giá bạn phải trả là nhiều lần sai…
Nhưng đừng ngại, cứ chia sẻ về những gì bạn đã biết. Bạn nên nhớ rằng, chia sẻ kiến thức với người xung quanh cũng là cách giúp chúng ta phát triển và học hỏi. OK !
__CTV Phạm Thu Linh__Blogchiasekienthuc.com__