Mục Lục Nội Dung
#1. Về chuyên môn
Nói về kiến thức cơ bản thì chắc hẳn nhiều bạn sẽ nghĩ ngay là các kiến thức phổ thông đúng không ạ. Suy nghĩ đó là đúng nhưng chưa đủ !
Kiến thức phổ thông – đặc biệt kiến thức về Toán học, đây sẽ là một trong những kiến thức giúp các bạn học về IT dễ dàng hơn.
Nhưng ở đây mình đang muốn đề cập đến những mảng kiến thức cơ bản khác nữa. Ví dụ như kỹ năng tin học, khả năng tư duy, logic..
Cụ thể về kỹ năng tin học thì các bạn phải biết cách dùng máy tính, sau này học cao lên các bạn phải biết máy tính được cấu tạo như thế nào, hoạt động ra sau, dữ liệu trao đổi với nhau thế nào…
Đặc thù của ngành IT là làm việc với máy tính, hiểu biết về máy tính giúp bạn hiểu được chương trình các bạn viết ra sẽ được máy tính thực thi như thế nào.
Từ đó việc tối ưu chương trình sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Chương trình đôi khi không phải cứ chạy là được đâu các bạn à !
Về khả năng tư duy, hay nói chính xác hơn là kỹ năng tư duy cũng là một trong những yếu tố cơ bản quan trọng.
Mình lấy ví dụ ở công ty mình làm có thiết kế một hệ thống cây ATM cho một ngân hàng. Ban đầu, do không bao quát hết nên họ thiết kế cây ATM khá cao dẫn đến nhiều bạn có chiều cao dưới 1m6 sẽ gặp khó khăn khi sử dụng.
Mọi người bàn với nhau về giải pháp thiết kế lại một cây ATM để có thể nâng lên hạ xuống nhưng sẽ tốn thêm chi phí.
Trong khi mọi người đang bàn cãi thì một cậu thực tập sinh đưa ra ý kiến là tại sao không thiết kế một cái bục khoảng 20-30cm kèm theo. Nhìn vừa sang trọng, vừa ít tốn kém.
Đó chính là tư duy giải quyết vấn đề. Hãy đơn giản vấn đề đi các bạn nhé !
#2. Về công cụ
Nói về công cụ để học IT thì nói chung là bạn cũng không cần phải trang bị gì nhiều. Chỉ cần một chiếc Laptop cá nhân với cầu hình phù hợp là bạn đã có thể học được rồi.
Laptop cá nhân thì có nhiều dòng khác nhau. Và mỗi chuyên ngành hoặc lĩnh vực mà bạn học thì lại có những yêu cầu về cấu hình khác nhau.
Hầu như các bạn sinh viên thường sử dụng một số dòng máy tính như Dell, Asus, Thinkpad hoặc một số bạn có điều kiện hơn thì sử dụng Macbook.
Trong bài viết này mình không thể đi sâu vào phân tích từng dòng máy phù hợp với công việc gì. Mình chỉ có thể đề cập đến những cấu hình tối thiểu để bạn có thể học lập trình một cách thuận lợi nhất (những bạn có nhu cầu chơi game nữa thì có thể tham khảo các cấu hình khác nha).
Với các bạn lập trình viên thì các bạn nên quan tâm tới 3 thành phần đó là:
- CPU: bộ vi xử lý
- RAM: bộ nhớ trong
- Ổ cứng: bộ nhớ ngoài
Nói về CPU các bạn nên chọn các dòng CPU có đời không quá thấp. Vì CPU liên quan trực tiếp tới việc xử lý dữ liệu. CPU càng nhiều luồng, đời cao thì tốc độ xử lý nhanh và tất nhiên cũng đắt hơn.
Về RAM thì các bạn nên xem xét nâng cấp hoặc chọn máy có RAM tối thiểu là 8GB, vì sau này có nhiều công cụ sẽ rất ngốn RAM (các bạn làm việc Android Studio hoặc với máy ảo chắc hiểu rõ điều này)
Ổ cứng thì mình khuyên các bạn nên sử dụng ổ cứng SSD vì tốc độ đọc ghi rất nhanh, lưu trữ dữ liệu cũng an toàn nữa.
Tóm lại một máy tính với CPU core i5, RAM 8G, ổ cứng SSD 250G là đủ dùng cho lập trình cơ bản rồi.
Có thể bạn đang tìm:
- Kinh nghiệm chọn mua Laptop dành cho sinh viên ngành IT
- [Thảo luận] Nên mua Laptop của hãng nào ? Dell, HP, Asus, Acer….
- Kinh nghiệm để chọn mua một chiếc máy tính tốt (LapTop & PC)
#3. Về con người
Con người vẫn luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu dù bạn có học ngành gì đi chăng nữa, và ngành IT này cũng không phải ngoại lệ. Theo kinh nghiệm của cá nhân mình thì có 3 yếu tố mà bạn cần phải có đó là:
- Kiên trì, nhẫn nại.
- Ham học hỏi, chịu khó..
- Biết sai và sửa sai.
Mình cũng đã từng đề cập đến những yếu tố này trong các bài viết trước, nhưng trong bài viết này mình vẫn muốn nói lại về sự liên quan giữa chúng. Và tại sao bạn lại nên trau dồi những đức tính này nếu muốn thành công trong ngành IT.
Kiên trì nhẫn nại: IT là một ngành học không dễ, thiên về kỹ thuật là chính, vì vậy khi học IT bạn sẽ gặp phải những vấn đề khó và tìm cách giải quyết chúng thông qua việc lập trình các chương trình.
Vậy sẽ ra sao nếu bạn gặp vấn đề khó mà không tìm được cách giải quyết? Bạn sẽ nản và bỏ cuộc? Tin mình đi, sẽ có lúc bạn có cảm giác như thế. Những lúc như thế bạn phải kiên trì và nhẫn nại đến cùng nếu muốn theo ngành IT này đó.
Ham học hỏi, chịu khó: IT là một khái niệm rất rộng, khi theo học bạn sẽ chỉ học một mảng nhỏ trong đó. Cụ thể các bạn có thể tham khảo bài viết sau: Tìm hiểu kỹ hơn về ngành CNTT qua 5 câu hỏi kinh điển !
Chính vì thế, để có thể trau dồi kiến thức việc tự học là bắt buộc, nếu không ham học hỏi, chịu khó mình đảm bảo những gì bạn có chỉ đủ dùng trong hoàn cảnh nào đó thôi.
Biết sai, sửa sai: Nghe có vẻ như chẳng liên quan gì nhỉ ! Thực ra “biết sai và sửa sai” là một trong những kim chỉ nam trong rất nhiều công việc. Con người thường cố chấp với sai lầm của mình mà.
Đôi khi biết sai nhưng chẳng chịu sửa, đặc biệt lại là khi người khác đã chỉ ra lỗi sai đó. Cái tôi lớn sẽ khiến cho chúng ta phủ định cái sai của bản thân mà lặp lại những sai lầm.
Chính vì vậy mà việc biết sai, nhận sai, sửa sai là một trong những việc bản phải rèn luyện nếu muốn theo học IT vì bạn sẽ “sai” rất nhiều.
Chung quy lại thì bạn có thể thấy những đức tính này liên quan với nhau như thế nào? Có là người ham học hỏi, chịu khó thì mới biết sai, sửa sai. Có là người biết sai, sửa sai thì mới có thể kiên trì nhẫn nại trước các vấn đề khó.
#4. Kết luận
Số lượng người học công nghệ thông tin ở Việt Nam ngày càng nhiều. Vài năm nữa thôi là bạn sẽ thấy rõ số lượng nhân lực ngành này tăng như thế nào, mức độ cạnh tranh cao ra sao.
Tất nhiên khi học ngành IT thì ra trường sẽ có khá nhiều việc để cho các bạn làm, nhất là trong cái thời đại mà công nghệ lên ngôi như hiện nay.
Nhưng như vậy không có nghĩa bạn cứ học IT ra trường là sẽ có người đến “rước” bạn đi làm đâu. Vẫn là câu chuyện được việc hay không mà thôi.
Vì vậy bạn hãy cố gắng trang bị cho mình nhiều nhất có thể. Từ công cụ cho đến con người phải luôn hoàn thiện nha các bạn !
CTV: Nguyễn Đức Cảnh – Blogchiasekienthuc.com