Làm thế nào để bớt cảm thấy tội lỗi khi bạn chưa hoàn thành hết công việc đã đặt ra?
Thức dậy lúc 6 giờ sáng; Lên kế hoạch mỗi ngày; Viết những điều biết ơn mỗi tối; Chuẩn bị bữa ăn 2 lần/tuần; Tập thể dục 3 lần/tuần; Viết lộ trình phát triển bản thân 2 lần/tháng; Đọc sách mỗi tháng; Viết 1 bài hát/2 tháng.
Đó là danh sách những việc tôi dự định sẽ làm ngoài giờ công sở. Nhưng cuộc sống chẳng giống kế hoạch, không phải lúc nào tôi cũng làm hết từng ấy việc.
Có những ngày tôi chẳng còn năng lượng sau giờ làm việc, có những tuần tôi chỉ muốn nằm nhà xem Netflix, có những tháng thất vọng vì tôi không làm mọi thứ theo kế hoạch. Và những lúc như vậy, tôi lại tự dằn vặt mình vì không thể thực hiện hết những việc tôi đã đặt ra.
Có phải bạn cũng từng giống như tôi không?
Tôi coi trọng việc cân bằng cuộc sống, có lúc cho phép mình tận hưởng xem TV hay ngâm mình trong bồn tắm.
Vào những lúc như thế, tiếng nói nhỏ lại vang lên trong đầu: “Nếu muốn đạt được vị trí mày muốn, mày phải trả giá bằng sức lao động của mình. Đời ngắn lắm, đừng tốn thời gian vào những thứ vô bổ thế này!”. Dần dần, tôi tự đặt tên cho tiếng nói nhỏ đó là “Ngài Công Việc”.
Ngài Công Việc luôn thúc giục tôi đạt mục tiêu và đẩy tôi về phía trước mỗi khi tôi muốn trì hoãn. Nhưng ông ấy không biết khi nào nên dừng lại, luôn đòi hỏi tôi phải làm nhiều hơn nữa, rằng tôi phải coi trọng từng giây từng phút trong ngày.
Ông ta làm tôi cảm thấy tội lỗi và vô dụng hơn khi tôi lướt xem clip con mèo dễ thương trên Facebook. Để khỏi nghe ông ấy càm ràm, tôi đã phải lập ra danh sách những việc cần phải làm trong ngày, và giờ nhìn lại, tôi còn chẳng thấy thời gian cho mình nghỉ ngơi nữa.
Mỗi lần thư giãn, tôi luôn cảm thấy tội lỗi vì chưa thể hoàn thành những việc tôi đặt ra. Khoảng thời gian nghỉ ngơi chưa bao giờ trọn vẹn với tôi. Vậy nên tôi đã xem xét lại cảm giác tội lỗi này để kiểm soát tiếng nói nhỏ trong đầu.
#1. Tại sao chúng ta cần quan tâm đến cảm giác này?
Thứ nhất, cảm giác tội lỗi kéo dài sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và thể chất. Khi thấy có quá nhiều thứ phải làm nhưng không có thời gian để làm hết, sự lo lắng, mất kiên nhẫn và dễ kích động sẽ xuất hiện trong bạn.
Và bởi vì tôi nói với chính mình cần phải làm nhiều hơn nên tôi luôn phải chạy xô để hoàn thành mọi thứ. Nếu không có thời gian nhìn lại chính mình và điều chỉnh danh sách việc cần phải làm, có khi tôi sẽ rơi vào trạng thái lo lắng đến kiệt sức.
Thứ hai, cảm giác tội lỗi vì chưa hoàn thành những việc cần làm khiến tôi cuốn theo kế hoạch về tương lai. Tôi luôn tự hỏi “Mình cần làm gì tiếp theo?” !
Thay vì tận hưởng khoảnh khắc hiện tại, tôi vùi đầu vào mục tiêu mới mà chưa kịp tận hưởng với những thành quả mình vừa tạo ra.
Nhưng giờ tôi đã học được một điều: Cuộc sống được tạo bởi những khoảnh khắc hiện tại chứ không phải danh sách những việc cần làm trong tương lai.
Cuối cùng, cố gắng để đạt được một vị trí nào đó và tìm cách tốt nhất để hoàn thành tất cả mọi thứ sẽ ngăn chặn sự sáng tạo bên trong mỗi chúng ta.
Không giống như những nhiệm vụ, sáng tạo không đi theo một con đường nào đó để dẫn đến đích. Tôi nhớ hiệu ứng Zeigarnik nói rằng: khi có một nhiệm vụ chưa hoàn thành, nguồn nhận thức và sự chú ý của chúng ta vẫn sẽ tiếp tục dành cho nó đến khi ta hoàn thành.
Nếu có một tâm lý vô tận về những “Việc cần làm tiếp theo”, nhận thức và sự chú ý của ta sẽ chẳng còn chỗ cho sự sáng tạo nữa.
#2. Tại sao chúng ta lại có cảm giác tội lỗi khi chưa hoàn thành kế hoạch?
Yên tâm đi ! Đó không phải là vấn đề tâm lý. Tất cả đều có lý do của nó. Cảm giác tội lỗi vì chưa hoàn thành việc cần làm xuất phát từ cả tác nhân bên trong lẫn bên ngoài.
+ Về tác nhân từ bên ngoài
Mỗi ngày, những nội dung đề cao làm việc năng suất cứ đập vào mắt chúng ta, nó được truyền thông ở mọi nơi từ mạng xã hội, báo đài, sách vở đến tận công sở. Chỉ cần nhìn vào thế giới của “self-help” ta đã thấy đầy những hướng dẫn “Cách làm việc nhiều hơn với lượng thời gian ít hơn”, “Cách làm việc năng suất hơn”…
Rõ ràng, tổng thời gian mà người xưa có cũng không đổi so với tổng lượng thời gian mà chúng ta có bây giờ. Nhưng thứ đang thay đổi là lượng chủ đề mà chúng ta đang quan tâm. Thế giới hiện đại càng ngày càng phức tạp, công nghệ đang mở ra nhiều thứ vô tận. Kết cục là ta luôn cảm thấy càng ngày càng có nhiều việc phải làm hơn.
Khi thấy bạn bè khoe ảnh du lịch, lập start-up, công việc cool ngầu, có gấu, cưới gấu, có gấu con,… Chúng ta dễ rơi vào tâm trạng “tôi làm chưa đủ”. Nỗi sợ bị hỏi han và sợ bị bỏ lại phía sau dẫn đến cảm giác tội lỗi “tôi làm chưa đủ để có mọi thứ”.
Khi chúng ta rơi vào cái bẫy của cuộc ganh đua, ta tự nhủ rằng mình cần phải làm nhiều hơn để được nhận nhiều hơn, mà thực sự không biết điều gì mới là “đủ”. Rõ ràng, không có “chiến thắng” trong cuộc đua này bởi luôn có ai đó làm tốt hơn ta ở một khía cạnh nào đó.
Khi chúng ta rơi vào cái bẫy của cuộc ganh đua, ta tự nhủ mình cần làm nhiều hơn để được nhận nhiều hơn mà thực sự không biết điều gì mới là “đủ”.
Một thông điệp nữa đang được tung hô đó là “đề cao những người bận rộn”. Truyền thông ủng hộ chúng ta “Hãy ra khỏi công ty sau 19h tối để nâng cao giá trị bản thân, để đạt được thành công”.
Nhưng tôi lại nghĩ khác, những người bận rộn đâu có nghĩa là họ đang làm việc hiệu quả. Bận rộn nghĩa là đang có rất nhiều thứ để làm – họ có thể đang làm những việc không quá quan trọng hay khẩn cấp trong thời điểm hiện tại.
Nếu họ làm việc năng suất, họ phải có khả năng giải quyết được hết các nhiệm vụ quan trọng và khẩn cấp dựa trên mức độ ưu tiên.
Và ngày nay, chúng ta nghe thấy mọi người kể rất nhiều về công việc bận rộn của họ và họ đã ở lại văn phòng đến tối muộn ra sao.
Thực lòng mà nói, khi là sinh viên, tôi cũng từng kể cho mọi người rằng tôi chạy đua với thời gian và nó khiến tôi cảm thấy mình giống như một “người bận rộn chuyên nghiệp” làm nhiều việc quan trọng.
Hồi đó, tôi rất dễ nổi cáu khi ai đó nói về cân bằng cuộc sống, thói quen chăm sóc bản thân, và dành thời gian cho gia đình. Thực ra là tôi rất ngưỡng mộ những người có khả năng nhìn lại bản thân, nhận ra điều gì quan trọng nhất với họ, và tạo ra một nếp sống giúp họ cân bằng trong cuộc sống.
+ Những nhân tố bên ngoài chỉ là một phần lý do. Những nhân tố bên trong cũng góp phần tạo nên cảm giác tội lỗi của bạn.
Như tôi đã nói, bên ngoài có quá nhiều tác nhân gây chú ý góp phần tạo nên cuộc sống bận rộn và cảm giác tội lỗi về những việc chưa hoàn thành của bạn. Từ nhỏ, ta đã được nhắc nhở phải học hành chăm chỉ, làm xong bài tập trước khi đến lớp và được khen khi đạt được thành tích.
- Do ta luôn theo đuổi niềm vui (Vui khi nhận được những lời khen ngợi).
- Và né tránh sự xấu hổ (xấu hổ vì so sánh hơn thua với người khác).
- Tiếp nhận những quan điểm từ xã hội.
=> Ba yếu tố đó khiến chúng ta liên kết giá trị bản thân với những việc được hoàn thành.
Hãy đi tìm hiểu sâu hơn về cảm giác “tội lỗi” này.
“Tội lỗi” xuất hiện khi ta cảm thấy hành vi không phù hợp với những gì bạn coi trọng. “Tội lỗi” không hẳn là một cảm giác tiêu cực, đây là cảm giác báo hiệu giúp ta hành động đúng đắn với nhận thức hơn.
Ví dụ, ta cảm thấy tội lỗi khi ăn quá nhiều đường bởi chúng ta biết nó không tốt cho sức khỏe. Để giải phóng bản thân khỏi tội lỗi và bớt đi cảm giác Bất đồng nhận thức*
, ta sẽ ăn ít đường hơn.
(*Bất đồng nhận thức: Là cảm giác không thoải mái khi không có sự đồng nhất giữa ‘hành vi’ và ‘nhận thức’)
Để loại bỏ cảm giác Bất đồng nhận thức, ta có thể sử dụng một phương pháp sửa đổi hành vi gọi là Tăng cường tiêu cực
(NR- Negative Reinforcement).
NR thúc đẩy hành vi bằng cách loại bỏ một kết quả tiêu cực. Ví dụ, con gái bạn tự giác học bài (hành vi) để bạn không cằn nhằn với con bé nữa (kết quả).
Quay lại với cảm giác tội lỗi vì những việc chưa được hoàn thành. Khi bạn coi trọng làm việc chăm chỉ (nhận thức) nhưng bạn đã không làm gì sau 3 ngày qua (hành vi).
Như vậy bạn đang trải qua cảm giác Bất đồng nhận thức
. Để bớt cảm giác không thoải mái này, bạn thúc mình phải làm nhiều hơn và hiệu quả hơn. Nói đơn giản, bạn có hành vi Tăng cường tiêu cực
– thúc đẩy mình làm việc nhiều hơn để bớt cảm giác tội lỗi.
“Tội lỗi” xuất hiện khi ta cảm thấy hành vi không phù hợp với những gì ta coi trọng. Để bớt cảm giác khó chịu này, chúng ta có xu hướng thúc đẩy bản thân hành động theo nhận thức của mình
Một lý do nữa làm chúng ta có cảm giác tội lỗi là sự từ chối của ta rất dễ tổn thương. Trước đây khi tôi vẫn là người cầu toàn, không có thành tích nào có thể thỏa mãn tham vọng của tôi.
Tôi từng mắc hội chứng “không có gì là đủ”, nỗi ám ảnh về sự hoàn thiện và làm nhiều hơn dẫn đến cảm giác không bao giờ hài lòng.
Tôi từng tin rằng thư giãn, nghỉ ngơi là biểu hiện của yếu đuối và lười biếng. Tôi cũng dần bị nghiện Serotonin*
trong cơ thể mỗi khi tôi hoàn thành được một nhiệm vụ.
(*Serotonin: Là một hooc môn được tiết ra khi con người nhận được lời khen, sự công nhận, mang lại cảm giác hạnh phúc, thúc đẩy ta không ngừng tìm kiếm sự tán dương và công nhận từ người khác).
Kết cục là, thay vì dành thời gian để tận hưởng và trân trọng thành quả của mình, tôi lại vội vã tập trung và tiếp tục chiến đấu để đạt được mục tiêu tiếp theo.
Sau tất cả, tôi học được một điều: trở thành người cầu toàn là kết quả bắt nguồn từ việc đối xử thiếu từ bi với chính mình.
Tôi học cách tử tế hơn với bản thân hơn, cho mình được phép mình được nghỉ ngơi, thư giãn theo cách tôi muốn. Đổi lại tôi tìm thấy khoảng lặng để được trải nghiệm xuôi theo tự nhiên và chạm tới năng lượng sáng tạo trong tôi.
Tôi thích âm nhạc, nhưng tới tận năm ngoái tôi mới phát hiện ra sở thích sản xuất âm nhạc của mình. Từ đó, tôi đã sáng tác và xuất bản được 12 bài hát.
Làm những thứ tôi đam mê thực sự giúp tâm trí tôi thoát khỏi lo nghĩ về những việc cần làm. Khi tìm ra những thứ giúp tôi bớt lo lắng về những việc chưa hoàn thành, tôi có thể giữ đầu óc bình tĩnh bất cứ khi nào tôi muốn.
(To be continued …)
Update: Làm sao để bớt cảm thấy tội lỗi khi bạn chưa hoàn thành công việc đặt ra – Phần 2
__CTV Phạm Thu Linh__Blogchiasekienthuc.com__
Mình chỉ tội lỗi sau khi mình tự xử thôi =))