Ngày nay, việc thông qua các buổi phỏng vấn có lẽ là cách tốt nhất để các nhà tuyển dụng có thể nắm bắt được về chuyên môn của những ứng viên đang ứng tuyển, cũng như biết được ứng viên đó có phù hợp với vị trí cần tuyển dụng hay không.
Các nhà tuyển dụng có kinh nghiệm luôn biết cách “khai thác” ứng viên ở nhiều góc độ khác nhau, chứ không chỉ tập trung vào mỗi chuyên môn nữa.
Các ứng viên từ đó cũng phải trang bị cho mình những kiến thức ngoài chuyên môn, để có thể ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng.
Nhưng chỉ kiến thức thôi nhiều khi vẫn chưa đủ. Để có một buổi phỏng vấn tốt và nâng cao cơ hội trúng tuyển thì ứng viên cần phải chuẩn bị thêm rất nhiều thứ “nhỏ nhặt” khác.
Thậm chí có những công ty với những yêu cầu khắt khe thì ứng viên sẽ phải chuẩn bị rất rất kỹ thì mới có cơ hội trúng tuyển.
Chính vì vậy, trong bài viết này mình sẽ chia sẻ với các bạn về những điều cần chuẩn bị để có một buổi phỏng vấn tốt nhất nhé.
Mục Lục Nội Dung
#1. Chuẩn bị thật kỹ về kiến thức chuyên môn
Có thể nói chuyên môn là “điều kiện cần” mà bạn bắt buộc phải đáp ứng được ở mức tối thiểu để có thể ứng tuyển vào bất kỳ vị trí nào.
Ngày nay, cùng với sự phát triển và hội nhập của xã hội thì những công việc đòi hỏi chuyên môn cao là không hề hiếm. Thậm chí có những công việc không phải ai cũng có thể làm được.
Mình lấy ví dụ về ngành IT (công nghệ thông tin) có lẽ là một trong số những ngành đang rất “hot” hiện nay. Và tất nhiên để làm được các công việc liên quan đến ngành này thì bạn phải có chuyên môn ở một mức độ nào đó, chứ không phải cứ thích là làm được.
Mà chuyên môn là cái không phải học một sớm một chiều là có thể đạt được. Đó là cả một quá trình học hỏi, trau dồi và phấn đấu, rèn luyện…
Vì vậy ở đây mình mong các bạn hiểu rằng “chuẩn bị thật kỹ” không có nghĩa là lúc sắp phỏng vấn bạn mới học. Nếu là như vậy, mình đảm bảo bạn sẽ bị rớt ngay từ vòng gửi xe.
Chuẩn bị ở đây là sự tích lũy của cả một quá trình và đến khi tham gia buổi phỏng vấn, bạn chỉ cần củng cố lại những kiến thức mà bạn đã học mà.
Vậy chuẩn bị sao cho đúng, khi mà bạn đâu biết mình sẽ được hỏi những gì trong cuộc phỏng vấn. Hai nữa là kiến thức thì lại mênh mông làm sao có thể tự tin là mình biết hết được?
Vậy ở đây các bạn phải chú ý đến hai điều đó là:
- Khoanh vùng kiến thức mà bạn không được phép trả lời sai. Đó là những câu hỏi cơ bản đánh giá sơ bộ về chuyên môn. Những câu này bạn trả lời sai thì sẽ không có cơ hội “được” hỏi những câu khác đâu !
- Học cách tùy cơ ứng biến và hạn chế dùng từ “không biết“. Rõ ràng bạn không thể biết hết mọi thứ nhưng từ những gì bạn biết có thể suy luận ra những vấn đề khác (đây cũng là những gì mà nhà tuyển dụng mong muốn ở ứng viên). Hạn chế nói “không biết” vì bất cứ thứ gì cũng có thể tìm được cách giải quyết. Đặc biệt mình lấy ví dụ ở mấy công ty IT các bạn hạn chế nói “em không biết” nha.
#2. Tìm hiểu trước về công ty
Vâng. Người xưa có câu “Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng”. Áp dụng vào trường hợp này thì quá đúng bài luôn !
Các bạn tưởng tượng việc ứng tuyển vào một công ty “xịn” giống như việc tán tỉnh một cô gái xinh vậy. Không chỉ có mỗi mình bạn đâu! Còn một đám ngoài kia lăm le vùi dập bạn kìa.
Vậy không tìm hiểu trước để hiểu về người ta thì bạn bị từ chối là đúng rồi.
Quay trở lại với vấn đề chính là việc tìm hiểu trước về công ty. Lý do tại sao thì các bạn cũng đã biết rồi. Nói một cách đơn giản thì là để nắm được những thông tin cơ bản, định hướng phát triển của công ty…
Thông thường nhà tuyển dụng sẽ có những câu hỏi như: Tại sao anh/chị lại ứng tuyển vào công ty? Công ty có điều gì làm cho anh/chị quan tâm để ứng tuyển? Anh/chị biết gì về công ty? Anh/chị biết công ty qua kênh nào và đã tìm hiểu gì về công ty chưa…)
Việc nắm được những thông tin về công ty (văn hóa công ty, chế độ lương, đãi ngộ, phúc lợi, cạnh tranh, quy mô, chuyên môn…) sẽ góp phần giúp bạn ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng, vì bạn thực sự quan tâm đến công ty và nghiêm túc với việc ứng tuyển vào công ty.
Ngoài ra, sau này nó còn giúp bạn dễ hòa nhập hơn với mọi người, deal lương tốt hơn trong khi phỏng vấn hoặc ký hợp đồng…
Mình thấy nhiều bạn coi thường việc này (chính mình là một ví dụ) và cũng phải cay đắng ngậm ngùi ra về mặc dù chuyên môn có. Vậy nên bạn hãy chú ý tìm hiểu về công ty trước khi ứng tuyển nha !
#3. Chú ý tác phong, trang phục
Về tác phong thì bạn nên chú ý cách nói chuyện, đi đứng. Không nên nói to ảnh hưởng đến người khác. Nên tắt chuông điện thoại trong quá trình phỏng vấn, nếu phải nghe thì nên tìm chỗ nào đó để tránh ảnh hưởng tới người khác.
Không chen lấn xô đẩy trong trường hợp phải xếp hàng chờ tới lượt mình phỏng vấn.
Về ăn mặc thì luôn là một câu chuyện muôn thuở. Vậy một câu hỏi đặt ra là khi tham gia phỏng vấn thì ăn mặc sao cho phù hợp?
Thực ra nó tùy thuộc vào nhiều yếu tố lắm, ví dụ như văn hóa công ty mà bạn định ứng tuyển, thời tiết, độ tuổi, vị trí ứng tuyển…
Mình sẽ lấy ví dụ để các bạn dễ hình dung hơn.
Ngày trước mình có ứng tuyển vào một công ty Nhật. Các bạn biết rồi đấy, công ty Nhật thì mọi thứ phải chỉnh chu nên mình đã mặc áo sơ mi, quần âu, đi giày (không cần phải chải chuốt quá nhưng phải gọn gàng, tránh vòng tay, vòng chân, khuyên tai,…).
Ngược lại những công ty mang tính sáng tạo (thiết kế, vẽ…) thì bạn có thể ăn mặc theo style của mình sao cho phù hợp để phù hợp với phong cách cũng như toát lên được những nét riêng của bạn.
Đừng ăn mặc quá lố lăng, cũng đừng ăn mặc quá nổi bật, lòe loẹt như đi diễn thời trang.
Mình bật mí thêm chút nha, không biết các công ty nước ngoài như thế nào nhưng các công ty Việt Nam (người Việt) là những người thường có cái “tôi” cao. Bạn ăn mặc không phù hợp là dễ bị out ngay từ vòng gửi xe đấy.
Thực ra cũng không có quy định nào, nhưng việc ăn mặc phù hợp sẽ tạo được thiện cảm trong mắt nhà tuyển dụng và nó cũng thể hiện bạn đang nghiêm túc việc ứng tuyển.
#4. Chú ý về giờ giấc
Giờ giấc cũng là một điều mà các bạn phải hết sức lưu ý trong các cuộc phỏng vấn.
Thông thường, nếu qua vòng sơ tuyển và được mời tham gia phỏng vấn thì bạn sẽ được phía công ty gọi điện và hẹn một lịch phỏng vấn. Hoặc nếu không thì cũng được gửi Email để xác nhận lịch phỏng vấn.
Đối với những công ty lớn, nhiều ứng viên họ có thể sắp xếp trước một lịch phỏng vấn và bạn phải thu xếp công việc để tham gia.
Nhưng với những công ty nhỏ hơn thì thường bạn sẽ được chủ động hơn trong việc chọn lịch phỏng vấn, vì số lượng ứng viên ít hơn.
Thứ hai là việc đến tham gia buổi phỏng vấn sao cho đúng giờ. Một kinh nghiệm của cá nhân mình là bạn không nên đến quá sớm, cũng không nên đến quá muộn.
Nếu đến quá sớm, có thể họ sẽ chưa làm việc và bạn phải ngồi chờ. Việc ngồi chờ quá lâu có thể khiến cho tâm lý bạn bị ảnh hưởng, vì thông thường nếu phải chờ đợi thì con người sẽ rời và trạng thái lo lắng, hồi hộp ( đặc biệt lại là khi bạn chuẩn bị tham gia phỏng vấn. Điều này thực sự không tốt chút nào).
Còn nếu đến muộn thì các bạn biết rồi, có thể buổi phỏng vấn sẽ bị hủy (nếu bạn đến muộn quá) hoặc bạn sẽ bị trừ điểm trong mắt nhà tuyển dụng (dù lý do có là gì đi chăng nữa).
Tóm lại là bạn nên đến sớm khoảng 10-15 phút, vừa là để chuẩn bị cũng là để tránh phải chờ đợi quá lâu. OK !
#5. Đừng quên nói lời cảm ơn
Nói cho cùng thì ứng viên vẫn là người đang đi “xin việc”. Công ty không có bạn thì vẫn còn đầy người ngoài kia.
Nói vậy không phải là để hạ thấp bản thân của các ứng viên, nhưng chúng ta phải luôn có thái độ khiêm tốn và biết được vị trí của mình đang ở đâu.
Một lời cảm ơn đôi khi thể hiện được sự khác biệt của bạn so với các ứng viên khác rất nhiều đấy.
Mình có một cậu bạn từng tham gia ứng tuyển vào một công ty IT. Về kiến thức chuyên môn thì cậu ta không đạt yêu cầu và đã không trúng tuyển trong lần phỏng vấn đó.
Nhưng sau khi về thì cậu bạn mình đã viết Email cảm ơn phía công ty đã tạo điều kiện và rồi cậu ta lại được công ty cho thêm một cơ hội thử việc trước khi nhận vào làm chính thức.
Vì vậy, kết thúc buổi phỏng vấn cho dù kết quả có ra sao đi nữa thì bạn hãy cứ nở nụ cười và nói lời cảm ơn tới nhà tuyển dụng nhé, vì dù gì thì họ cũng đã dành thời gian cho bạn mà.
Tham khảo thêm:
- Tại sao THÁI ĐỘ lại quan trọng hơn TRÌNH ĐỘ?
- Thực Tập Sinh: 5 điều cần lưu ý khi đi thực tập tại doanh nghiệp
#6. Lời Kết
Có thể những gì mình chia sẻ trong bài viết này chưa phải là tất cả, nhưng mình hi vọng với những kiến thức thực tế này sẽ giúp bạn có những lưu ý tốt hơn, để chuẩn bị cho một buổi phỏng vấn.
Nói chung, tất cả vẫn xoay quanh câu chuyện THÁI ĐỘ và TRÌNH ĐỘ. Thiếu một trong hai thì bạn sẽ rất khó để có thể trúng tuyển vào những công ty có môi trường làm việc tốt. Chúc các bạn có những chuẩn bị thật tốt cho những buổi phỏng vấn của mình nha.
CTV: Nguyễn Đức Cảnh – Blogchiasekienthuc.com