Đây là 50+ phép lịch sự trên bàn ăn của người Việt, bạn đã biết?

Vâng, người Việt chúng ta có khá nhiều “quy tắc ngầm” trong bữa ăn mà nhất định chúng ta phải biết.

Những quy tắc này từ lâu đã trở thành “luật bất thành văn”, nó là phép lịch sự tối thiểu để thể hiện văn hóa của mỗi người.

Mặc dù bình thường không ai nói với chúng ta là phải làm như thế này, phải làm như thế kia (trừ bố mẹ hay anh chị em ruột trong nhà), nhưng nếu chúng ta không biết thì nhiều khi sẽ bị cho là bất lịch sự và kém duyên.

Vậy nên, bạn hãy đọc kỹ 50 quy tắc này nhé, phải thừa nhận là không dễ để áp dụng trọn vẹn 50 quy tắc này, nhưng hãy cố gắng áp dụng được nhiều nhất có thể, nhất là trong thời buổi kinh tế của người dân ngày càng khá giả hơn, giàu có sinh lễ nghĩa mà.

I. Những phép lịch sự trên mâm cơm của người Việt

Đọc thêm:

phep-lich-su-tren-ban-an-nguoi-viet

#1. Trước bữa ăn

  • Lúc sắp cơm xong thì thưa người lớn tuổi ra/xuống ăn cơm.
  • Chia đũa, đồ dùng ăn uống thì hãy ưu tiên người lớn tuổi đầu tiên ( xới cơm hay gắp thức ăn cũng thế).
  • Dọn mâm phải nhớ dọn âu nhỏ đựng xương, đầu tôm, hạt thóc hay sạn sót trong cơm…
  • Xới cơm phải xới 2 lần. Theo tâm linh thì 1 xới cơm cúng, 3 xới cơm chó (cơm thừa canh cặn).
  • Nhờ mời người lớn tuổi/ bề trên trước khi ăn.

#2. Quy tắc dùng đũa, gắp thức ăn, tiếp đồ ăn

  1. Không xới lộn, gẩy gẩy đĩa thức ăn để chọn miếng ngon hơn.
  2. Không nhúng cả đầu đũa vào bát nước chấm.
  3. Không dùng thìa hoặc đũa cá nhân của mình để quấy vào tô chung.
  4. Không cắm đũa dựng đứng vào bát cơm. Điều này rất kiêng kị về mặt tâm linh.
  5. Phải trở đầu đũa hoặc là dùng một đôi đũa mới khi muốn tiếp thức ăn cho người khác.
  6. Không được cắn răng vào đũa, thìa, miệng bát, không liếm hoặc ngậm đầu đũa.
  7. Không gắp thức ăn đưa thẳng vào miệng, mà hãy đặt vào bát riêng rồi mới ăn.
  8. Không và quá 3 lần khi đưa bát cơm lên miệng.
  9. Không vừa cầm bát vừa cầm đũa cùng 1 tay, cũng như không được ngậm đũa để rảnh tay làm các việc khác: chẳng hạn như múc canh, lấy thức ăn… thay vào đó, đôi đũa chưa dùng đến hãy đặt vào mâm hoặc đĩa bàn nếu ăn trên bàn có dùng đĩa lót bát, hoặc đồ gác đũa.

#3. Khi ngồi ăn cần lưu ý những gì?

  1. Không ngồi chống cằm trên bàn ăn.
  2. Không ngồi quá sát mâm hay bàn ăn, nhưng cũng không nên ngồi xa quá.
  3. Ngồi ăn dù trên chiếu hay trên ghế thì đều không được rung đùi, rung đùi là tướng bần tiện của nam, dâm dục của nữ, và cực kỳ vô lễ.
  4. Ngồi trên ghế thì phải giữ thẳng lưng. Ngồi trên chiếu thì chuyển động lưng và tay nhưng không được nhấc mông.
  5. Không để tay dưới bàn nhưng cũng không chống tay lên bàn mà bưng bát và cầm đũa, khi chưa bưng bát thì phần cổ tay đặt nhẹ nhàng trên bàn.

#4. Những phép lịch sự trong bữa ăn người Việt

  1. Muỗng múc canh phải đặt úp trong bát/tô, không được để ngửa. Vì để ngửa nếu chẳng may quệt tay vào muỗng thì nước trong bát canh sẽ bắn tung tóe.
  2. Không chu mồm thổi thức ăn nóng mà múc chậm phần nguội hơn ở sát thành bát đĩa.
  3. Khi chấm vào bát nước chấm, chỉ nhúng phần thức ăn, không nhúng đầu đũa vào bát nước chấm, và miếng đã cắn dở thì không được chấm.
  4. Khi nhai tối kỵ chép miệng, nhai tóp tép… nghe rất phản cảm.
  5. Không tạo tiếng ồn khi ăn [ví dụ húp soàm soạp]
  6. Tuyệt đối tránh cơm đầy trong miệng mà nói, vừa ăn vừa nói rất mất lịch sự.
  7. Không nói, không uống rượu, không húp canh khi trong miệng vẫn còn cơm.
  8. Không gõ đũa bát thìa.
  9. Không gắp liên tục 1 món, dù cho đó là món khoái khẩu của bạn đi chăng nữa.
  10. Không ăn trước người lớn tuổi, chờ bề trên bưng bát lên mình mới được ăn. Nếu là khách thì không gắp đồ ăn trước chủ nhà hay người chủ bữa cơm đó (trừ khi bạn được đề nghị gắp trước, hoặc trong một dịp nhất định).
  11. Dù là trong khuôn khổ gia đình hay khi làm khách, tuyệt đối không chê khi món ăn không hợp khẩu vị của mình. Điều này cực kỳ quan trọng vì nó không đơn thuần là phép lịch sự nữa, mà còn là một phần giáo dục nhân cách. Nếu không được dạy nghiêm túc, trẻ em từ chỗ phản ứng tự nhiên do khẩu vị sẽ tới chỗ tự cho mình quyền chê bai, phán xét, không trân trọng lao động của người khác. Món không ngon với người này nhưng ngon với người khác và có được nhờ công sức của rất nhiều người.
  12. Khi ăn không được để thức ăn dính mép, ra tay hay vương vãi, đứng lên là khăn trải bàn vẫn sạch. Giặt thì giặt chứ dùng cả tuần khăn bàn vẫn trắng tinh không dính bẩn. Khi ăn món nước như canh, chè, súp, cháo… nếu dọn bát nhỏ hay chén tiểu thì có thể bưng bát trên hai tay để uống nhưng không được kèm đũa thìa. Nếu dọn bát lớn hay đĩa sâu thì dùng thìa múc ăn, tới cạn thì có thể một tay hơi nghiêng bát đĩa sâu ra phía ngoài, một tay múc chứ không bưng tô to đĩa sâu lên húp như kiểu chén tiểu. Món canh có sợi rau nên dọn bát nhỏ, món gọn lòng thìa có thể dùng bát lớn, đĩa sâu.
  13. Phải nếm trước rồi mới thêm gia vị (muối, tiêu, ớt, chanh.…), tránh vừa ngồi vào ăn đã rắc đủ thứ gia vị phụ trội vào phần của mình.
  14. Phải ăn hết thức ăn trong bát, không để sót hạt cơm nào.
  15. Trẻ em quá nhỏ dọn mâm riêng và có người trông chừng để tránh gây lộn xộn bữa ăn của người già, tới 6 tuổi là ngồi cùng mâm với cả nhà được sau khi đã thành thục các quy tắc cơ bản.
  16. Khi trẻ em muốn ăn món mà nó ở xa tầm gắp, phải nói người lớn lấy hộ chứ không được nhoài người trên mâm. Trong gia đình, khi trẻ em ngồi cùng mâm người lớn thì sắp cho bé một đĩa thức ăn nhỏ ngay bên cạnh với đồ ăn đã lóc xương và thái nhỏ. Với người cao tuổi cũng vậy, dọn riêng đĩa cá thịt đã lóc xương, thái nhỏ, hay ninh mềm hơn.
  17. Không để các vật dụng cá nhân lên bàn ăn, không tập trung quá lâu vào điện thoại trong bữa ăn.
  18. Hãy để phần đồ ăn cho người về muộn vào đĩa riêng, không khi nào để phần theo kiểu ăn dở còn lại trong đĩa.
  19. Ăn từ tốn, không ăn hối hả, không vừa đi vừa nhai.
  20. Nếu ăn gặp xương hoặc vật lạ trong thức ăn, cần từ từ lấy ra, không được nhè ra toàn bộ tại bàn.
  21. Chỉ có người cao tuổi, 70 trở lên và trẻ nhỏ mà ợ khi ngồi ăn mới không bị coi là bất lịch sự.
  22. Nếu bị cay thì xin phép ra ngoài hắt xì hơi, xì mũi…
  23. Nhà có khách cần cẩn trọng khi nấu, chất cay để phụ trội bày thêm, tránh bất tiện cho khách khi họ không ăn được cay hay một vài gia vị đặc biệt.
  24. Tránh va chạm tay với người cùng mâm, nếu thuận tay trái thì nói trước để chọn chỗ cho thuận tiện.
  25. Phải chú ý tay áo khi gắp đồ ăn.
  26. Nếu thấy thức ăn lớn nên xin cắt nhỏ để mọi người được thuận tiện.
  27. Khi đang ăn mà có việc riêng phải xin phép rồi mới rời mâm.
  28. Nhất thiết nói cảm ơn sau bữa ăn dù là chỉ có hai vợ chồng nấu cho nhau. Đừng tiếc lời khen ngợi những món ngon.
  29. Phong tục mời tùy theo gia đình, có gia đình thì người cao tuổi nhất nói đơn giản “các con ăn đi”, trẻ thì thưa “con xin phép”, nhưng có gia đình trẻ con phải mời hết lượt ông bà cha mẹ cô chú anh chị… Khi tới đâu thì quan sát gia chủ, không thể mang tập quán nhà mình vào bữa ăn nhà người ta.
  30. Ăn xong cần tô son lại thì xin phép vào phòng vệ sinh, không tô son trên bàn ăn trước mặt người khác.
  31. Ngồi đâu là theo sự xếp chỗ của chủ nhà, không tự ý ngồi vào bàn ăn khi chủ nhà chưa mời ngồi.
  32. Ngày xưa, có lúc người giúp việc ăn cùng mâm với chủ nhà, khi gắp, chủ nhà để thế tay ngang nhưng người giúp việc thế tay úp. Nhìn là biết ngay.
  33. Nên thành thực nói trước về việc ăn kiêng, dị ứng [nếu có] khi được mời làm khách để tránh bất tiện cho chủ nhà.
  34. Ăn trông nồi ngồi trông hướng.
  35.  Nhìn người cùng mâm để thao tác lấy thức ăn tinh tế hơn, tránh trường hợp gắp chéo tay nhau.
  36. Ăn xong thì ngồi yên tại chỗ, bao giờ người lớn ăn xong mới được phép đứng dậy (bát đũa ăn xong trước cũng thế- không mang đi rửa luôn). Trong trường hợp có việc thì xin phép đứng dậy, dừng bữa.
  37. Tránh trường hợp mời tăm hoặc nước khi người khác vẫn còn đang ăn.
  38. Không được phép quá chén.

II. Lời kết

Trên đây là những phép lịch sự trong bữa ăn của người Việt được lưu truyền bao đời nay, nếu có thể thì bạn hãy áp dụng càng nhiều càng tốt nhé. Và dựa vào đây, bố mẹ có thể giao dục con cái ngay từ nhỏ để chúng có được nhận thức đúng đắn và lịch sự ngay từ khi còn nhỏ.

Tổng hợp từ nhiều nguồn bởi Trần Hương

Bài viết đạt: 5/5 sao - (Có 5 lượt đánh giá)
Note: Bài viết này hữu ích với bạn chứ? Đừng quên đánh giá bài viết, like và chia sẻ cho bạn bè và người thân của bạn nhé !

Administrator: Kiên Nguyễn

Có một câu nói của người Nhật mà mình rất thích đó là " Người khác làm được thì mình cũng làm được ". Chính vì thế mà hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn ! Nếu như bạn đang gặp khó khăn và cần sự trợ giúp thì hãy comment phía bên dưới mỗi bài viết để nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng Blog Chia Sẻ Kiến Thức nhé.

Một vài lưu ý trước khi comment :

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *
Tất cả các comment của các bạn sẽ được giải đáp trong vòng 48h !
Không được sử dụng từ khóa trong ô 'Name', bạn hãy dùng tên thật hoặc Nickname của bạn !
Không dẫn link sang trang web/blog khác. Xem quy định comment tại đây. Thank All!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Shop