Chào các bạn, tự học là một trong những kỹ năng quan trọng bậc nhất không chỉ cho các bạn học IT, mà còn cho nhiều lĩnh vực khác nữa.
Với dân IT nói riêng thì việc tự học gần như là bắt buộc nếu bạn muốn mình có đủ kiến thức để làm được việc. Vì đơn giản, việc học trên trường, trên lớp chưa bao giờ là đủ cả, mà công nghệ thì cập nhật từng ngày, từng giờ…
Chính vì thế, trong bài viết này mình sẽ chia sẻ với các bạn một số phương pháp, và một số nguồn tự học phổ biến nhất để các bạn tự trau dồi thêm kiến thức cho bản thân nha.
Mục Lục Nội Dung
#1. Đọc sách
Đọc sách có thể nói là kỹ năng đầu tiên mà các bạn học IT nên trang bị, đặc biệt là các đầu sách tiếng anh.
Đọc sách khác với đọc tài liệu nha các bạn, đọc sách mang tính hệ thống và thường sẽ hàn lâm hơn so với việc đọc tài liệu.
Việc đọc sách trang bị cho các bạn những kiến thức khá là sâu về công nghệ, ngôn ngữ cũng như lĩnh vực mà bạn đang tìm hiểu.
Mình lấy ví dụ về bản thân mình, những ngày đầu học ngôn ngữ lập trình C++ mình thường kiếm các ví dụ trên mạng rồi làm theo. Chương trình thì chạy nhưng mình cũng chỉ hiểu được khoảng 50-60%.
Sau này mình có đọc một cuốn sách về C++ đó là cuốn: C++_Programming_From_Problem_Analysis_to_Program_Design_6th_ed
Nhờ việc đọc cuốn sách này mà mình đã hiểu hơn rất nhiều về những gì mình đã từng thắc mắc trước đây.
Vì vậy, mình khuyên các bạn nên chăm đọc sách hơn, nếu việc đọc sách tiếng anh quá khó thì bạn có thể kiếm các hướng dẫn trên mạng về nội dung bạn muốn tìm hiểu.
Bạn hãy làm trước để khiến nó hoạt động, rồi quay lại đọc sách nghiềm ngẫm thêm. Đây cũng là một cách học với các bạn mới.
#2. Học các khóa học Online
Ngày nay, với sự phát triển của Internet thì việc học online đã trở nên vô cùng dễ dàng. Chúng ta có thể tiếp cận với nhiều khóa học từ trong nước cho đến nước ngoài.
Với các bạn học IT nói riêng thì việc học online cũng là một kênh tự học rất đáng để xem xét.
Nói về các khóa học online thì từ free cho đến trả phí đều rất nhiều. Với cá nhân mình thì mình thường tiếp cập theo hướng đó là.
Nếu vấn đề mình gặp phải là nhỏ, nói cách khác đó là các kiến thức độc lập, bổ trợ thì mình thường xem các video trên Youtube về kiến thức đó, cộng với việc đọc tài liệu để hiểu hơn.
Trường hợp mình muốn tìm hiểu chi tiết về một công nghệ, ngôn ngữ một cách hệ thống thì mình thường tìm các khóa học online trên các trang như Udemy, Pluralsight… để học nguyên một khóa.
Nói chung là việc học online ngày nay không quá khó, quan trọng là các bạn có kiên trì để học không thôi. Nếu biết tận dụng thì đây là một nguồn tri thức khổng lồ đó các bạn.
#3. Tham gia các khóa học tại các trung tâm
Nói về việc học tại trung tâm thì nhiều người nghĩ rằng chỉ những ai không tự học được thì mới đi học tại trung tâm.
Cá nhân mình thì không nghĩ như vậy, chúng ta không thể khẳng định chúng ta nắm chắc kiến thức để đạt đến trình độ “master” về kiến thức đó được, đặc biệt là với các bạn mới học, các bạn sinh viên.
Không những vậy, theo mình biết nhiều trường đại học có chương trình đào tạo lỗi thời, không cập nhật dẫn đến kiến thức dạy sinh viên là các kiến thức cũ kỹ, không còn phổ biến nữa.
Khi đó thì việc sinh viên tự tìm một nơi như các trung tâm để trau dồi các kiến thức thực tế là hoàn toàn hợp lý.
Không những vậy, việc học tại trung tâm còn giúp chúng ta có thêm các mối quan hệ, có thêm những người bạn mới, người thầy mới. Đó mới là những điều tuyệt vời nhất.
Cá nhân mình chưa từng đi học tại các trung tâm nhưng mình có người bạn từng học tại trung tâm và cậu bạn mình thực sự đã thay đổi cả về chuyên môn cũng như các mối quan hệ theo hướng tích cực hơn.
Vì vậy, nếu các bạn cảm thấy việc tham gia khóa học ở một trung tâm là hợp lý thì cứ tham gia thôi. Chỉ có điều bạn nên cân nhắc xem trung tâm đó có đủ uy tín và chất lượng không nhé.
#4. Đọc docs, tài liệu
Đọc docs là đọc documents cũng chính là đọc tài liệu, đây là một trong những nguồn mình thấy khá phổ biến hiện nay.
Nguyên nhân vì ngày nay sự ra đời của nhiều công nghệ, ngôn ngữ mới khiến cho việc việc xuất bản sách cũng như các khóa học về chúng không thể đáp ứng được (về cả số lượng và chất lượng).
Hai nữa là, bất cứ một công nghệ, ngôn ngữ lập trình nào ra đời thì người tạo ra chúng là những người hiểu rõ nhất. Họ thường sẽ có nguyên một trang web để viết tài liệu về công nghệ, ngôn ngữ đó.
Đọc tài liệu do họ viết là cách tốt nhất cũng như chính thống nhất để bạn hiểu rõ về công nghệ của họ.
Chỉ có một điều mình thấy là không phải bất cứ tài liệu nào cũng dễ hiểu, tác giả thường viết khá trừu tượng. Nhiều khi mình đọc docs còn thấy khó hiểu hơn cả không đọc 😊
Một phần là vì tài liệu đa số được viết bằng tiếng anh, một phần nữa là do người viết. Vậy nên việc đọc hiểu cũng còn tùy ◉◡◉
Nhưng một khi đọc tài liệu hiểu thì bạn sẽ hiểu rất sâu, vì vậy hãy cố gắng học tiếng anh và đọc càng nhiều càng tốt nhé (thậm chí có khi bạn phải tìm hiểu về những thứ mà chẳng có cách nào khác ngoài đọc tài liệu về nó đâu).
#5. Học qua bạn bè và đồng nghiệp
Có câu: “Học thầy không bằng học bạn”, mình nghĩ câu này có nhiều điểm đúng đấy – đặc biệt là với các bạn học IT nói riêng.
Mình không phủ nhận công lao của thầy cô nha, ở đây chúng ta chỉ đang đề cập đến việc học từ bạn bè nhiều khi cũng rất tốt và rất hiệu quả.
Thứ nhất, bạn bè thì dễ hỏi nhau hơn, thích thì hẹn nhau chỗ nào rồi chỉ nhau học thôi. Chứ thầy cô nhiều khi bận, bạn muốn hỏi cũng khó.
Đồng nghiệp cũng vậy, đi ăn, cà phê cũng có thể hỏi nhau được, nói chung về thời gian khá là linh động.
Hai nữa là nếu bạn bè lại biết về đúng cái chúng ta đang tìm hiểu thì quá tốt luôn, kiểu như bạn có thể đi tắt để nắm được kiến thức.
Giả sử không có bạn thì chúng ta phải đọc tài liệu, học các khóa học… mới hiểu được một vấn đề. Nhưng có bạn chỉ cần hỏi là nó chỉ hết (cái này thực ra cũng tùy bạn nữa 😊)
Mình nhớ hồi mình tìm hiểu về ReactJS (một thư viện lập trình front-end), mình gặp một số khó khăn và mình đã tìm hiểu mất 2 ngày.
Ai ngờ lên công ty gặp ông anh chuyên gia về ReactJS chỉ mất 30 phút đã chỉ cho mình hiểu rõ luôn. Vậy đó, đôi khi học từ bạn bè, đồng nghiệp sẽ giúp bạn rút ngắn thời gian tìm hiểu xuống đáng kể đấy.
Đọc thêm:
- 5 lời khuyên chân thành khi bạn cảm thấy học IT quá khó !
- Tìm hiểu kỹ hơn về ngành CNTT qua 5 câu hỏi kinh điển #1
- Cần trang bị những gì để có thể học tốt ngành CNTT (IT)?
Kết luận: Với 5 phương pháp trên, chính xác là 5 kênh tự học bên trên mình hi vọng các bạn IT nói riêng có thể tìm cho mình những nguồn tự học tốt nhất. Hẹn gặp lại các bạn trong các bài viết tiếp theo nha !
CTV: Nguyễn Đức Cảnh – Blogchiasekienthuc.com