Bạn có biết trí não cũng giống như cơ bắp, nếu liên tục hoạt động và trau dồi tri thức mới, bộ não sẽ trở nên nhạy bén và hoạt động tích cực hơn?
Tầm nhìn và trí thông minh của chúng ta hoàn toàn có thể rèn luyện để phát triển như ý muốn. Nhưng ít ai ngờ, một trong những phương pháp hiệu quả đó là phát triển mô hình tư duy.
Mở rộng mô hình tư duy là một trong những cách tạo ra giải pháp sáng tạo, phát triển tầm nhìn và đưa ra quyết định hiệu quả hơn
Để giúp bạn hiểu hơn về mô hình này, tôi sẽ kể cho bạn một câu chuyện.
Đọc thêm:
- Chán việc ư: Lời khuyên dành cho những bạn đang “chán việc”
- Bí quyết giúp bạn làm việc siêu năng suất, tốn ít thời gian hơn
Tôi khám phá về Mô Hình Tư Duy từ khi đọc truyện về Richard Feynman, đó là một nhà vật lý nổi tiếng đã tốt nghiệp đại học từ MIT và có bằng tiến sĩ từ Princeton.
Vào thời gian đó, ông nổi tiếng vì giải được bài toán mà các tiến sĩ xuất sắc trong khoa không thể giải được.
Khi được hỏi lý do tại sao ông làm được điều phi thường đó, Feynman tiết lộ bí quyết của ông không đến từ trí thông minh, mà là bởi có một phương pháp giải toán mà ông đã học được từ thời trung học.
Hồi đó, thầy dạy Vật Lý của Feynman đã giao cho ông một thử thách: “Feynman, con nói quá nhiều và gây mất trật tự trong lớp.
Con biết tại sao không? Vì con đang thấy nhàm chán. Thế nên thầy giao cho con cuốn sách này. Hãy ngồi ở cuối góc lớp kia và đọc nó. Khi nào con hiểu mọi thứ trong sách, con được phép nói chuyện với bạn bè”.
Vậy là mỗi ngày, trong khi cả lớp vẫn tiếp tục bài giảng, Feynman một mình ở cuối góc lớp để đọc cuốn sách được giao – “Toán số nâng cao của Woods”. Và trong lúc nghiên cứu cuốn sách này, ông đã phát triển mô hình tư duy của riêng mình.
“Cuốn sách dạy tôi cách phân biệt các tham số dưới dạng tích phân. Nó không được dạy và cũng không được chú trọng giảng dạy ở các trường đại học.
Nhưng tôi đã học được cách sử dụng phương pháp đó và đã dùng lại nó nhiều lần. Bởi tôi tự học từ cuốn sách đó, tôi đã có phương pháp đặc biệt để làm tích phân
Những người bạn ở Princeton và MIT không thể giải được bài toán tích phân đó bởi họ sử dụng những kiến thức được dạy trong trường … Tôi giải được bài toán đó, bởi vì phương pháp giải toán của tôi khác với họ” – Feynman chia sẻ.
Những tiến sĩ ở Princeton và MIT đều là những người xuất chúng. Nhưng điều làm nên sự khác biệt giữa Feynman và các sinh viên khác không phải trí thông minh mà đó là cách ông nhìn nhận vấn đề. Ông có những mô hình tư duy rộng hơn.
Mục Lục Nội Dung
#1. Mô hình tư duy là gì?
Mô Hình Tư Duy là lời giải thích sự vận hành của sự vật nào đó. Nó là nguyên lý, ý tưởng hoặc góc nhìn hiện hữu trong tâm trí để giúp chúng ta hiểu về thế giới và mối liên hệ giữa chúng. Mô hình tư duy là niềm tin sâu sắc của bạn về cách thế giới vận động.
Ví dụ, cung và cầu là một mô hình tư duy giúp bạn hiểu cách nền kinh tế vận hành. Lý thuyết trò chơi là một mô hình tư duy giúp bạn hiểu cách vận hành của mối quan hệ và sự tin tưởng. Entropy là một mô hình tư duy giúp bạn hiểu cách vận hành của rối loạn và sự suy giảm.
Mô hình tư duy là niềm tin của bạn về cách thế giới vận động.
Những quan điểm và hành vi được hình thành từ các Mô Hình Tư Duy của chúng ta. Đây là công cụ giúp chúng ta hiểu cuộc sống, ra quyết định và giải quyết vấn đề.
Học một Mô Hình Tư Duy mới cho ta cách nhìn mới về thế giới – giống như Richard Feynman đã học về phương pháp giải toán mới.
Không có một Mô Hình Tư Duy riêng lẻ nào có thể giải thích cách thế giới vận hành, nhưng nhờ kết hợp nhiều Mô Hình Tư Duy, chúng ta có thể phát triển công nghệ mới, giao thông và khám phá vũ trụ.
Nhà sử học Yuval Noah Harari nhấn mạnh: “Các nhà khoa học đều đồng ý không có lý thuyết nào đúng hoàn toàn 100%”
Những Mô Hình Tư Duy tốt nhất mang lại những ý tưởng hữu ích nhất. Nắm nền tảng căn bản của từng Mô Hình Tư Duy sẽ giúp ta có nhiều phương án giải quyết vấn đề, đưa ra quyết định hiệu quả và hành động thông minh hơn.
Đây là lý do tại sao mở rộng mô hình tư duy rất quan trọng cho bất cứ ai quan tâm đến tư duy rành mạch, lý trí và hiệu quả.
#2. Bí quyết để tư duy hiệu quả và ra quyết định sáng suốt
Mở rộng những mô hình tư duy là việc mà chúng ta cần chấp nhận mình luôn là kẻ nghiệp dư.
Khi trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực, chúng ta sẽ có xu hướng đi theo một Mô Hình Tư Duy quen thuộc.
Và đây chính là cạm bẫy, bởi nếu quá tập trung vào một góc nhìn, ta sẽ cố gắng giải thích mọi vấn đề qua góc nhìn đó.
Lúc đó chúng ta có xu hướng áp dụng góc nhìn của mình một cách cứng nhắc cho mọi vấn đề. Người xưa có câu: “Nếu những gì bạn có chỉ là cái búa, mọi thứ bạn nhìn sẽ chỉ là cái đinh”
Để hiểu rõ hơn, hãy nói ví dụ của nhà sinh học Robert Sapolsky. Ông đặt câu hỏi: “Tại sao con gà mái băng qua đường?” Sau đó, ông diễn giải theo góc nhìn của các chuyên gia khác nhau.
- Nếu bạn hỏi từ nhà sinh học, họ có thể trả lời: “Con gà mái băng qua đường bởi nó thấy một con gà trống bên kia đường”
- Nếu bạn hỏi bác sĩ chuyên khoa, họ có thể trả lời: “Con gà mái băng qua đường bởi cơ bắp co và kéo xương chân của nó về phía trước”
- Nếu bạn hỏi một nhà thần kinh học, họ có thể trả lời: “Con gà mái băng qua đường vì tế bào thần kinh trong não của nó đã kích hoạt”
Trong các chuyên gia ở trên không ai trả lời sai. Nhưng cũng không ai có câu trả lời bao quát và đầy đủ nhất. Mỗi Mô Hình Tư Duy riêng biệt chỉ phản ánh một góc nhìn sự thật. Những sự việc ta gặp trong đời không thể giải thích chỉ dựa trên một góc nhìn.
Giống như truyện “Thầy bói xem voi” vậy, ông thầy nào cũng có cảm nhận đúng về từng bộ phận của con voi nhưng không ai mô tả đúng về con voi cả. Tất cả các quan điểm đều thể hiện sự thật nhưng một quan điểm riêng biệt không thể nói lên toàn bộ sự thật.
“Nếu những gì bạn có chỉ là cái búa, mọi thứ bạn nhìn sẽ chỉ là cái đinh”
Nhận thức của chúng ta có giới hạn, khi những mô hình tư duy còn hạn hẹp, khả năng giải quyết vấn đề của chúng ta cũng vậy. Và càng trau dồi thêm những Mô Hình Tư Duy, chúng ta càng có nhiều công cụ để giải quyết vấn đề.
#3. Công cụ để tư duy phát triển hơn
Những người có tầm nhìn xa rộng là những người có tư duy tự do. Họ không nhìn đời qua một góc nhìn. Thay vào đó, họ mở rộng tầm nhìn bằng cách kết hợp các kiến thức từ nhiều lĩnh vực khác nhau.
Đó là lý do tại sao tìm hiểu nhiều lĩnh vực mới là chưa đủ, mà cần phải biết cách kết hợp các kiến thức từ nhiều lĩnh vực với nhau.
Sự sáng tạo và đổi mới thường nảy sinh tại điểm giao của các ý tưởng. Tạo mối liên kết giữa nhiều mô hình tư duy, bạn có thể tìm ra cách giải quyết khác biệt so với người khác.
Để trí não đưa ra nhiều giải pháp sáng tạo hơn, bạn không nhất thiết phải là chuyên gia trong mọi lĩnh vực. Để nắm vững cách vận hành của thế giới, chỉ có vài chục lĩnh vực mà chúng ta cần quan tâm.
Rất nhiều Mô Hình Tư Duy quan trọng xuất phát từ những nguyên lý của sinh học, hóa học, vật lý, kinh tế, toán, tâm lý và triết học.
Mỗi lĩnh vực cũng chỉ có một số Mô Hình Tư Duy là cốt lõi. Ví dụ, những Mô Hình Tư Duy cốt lõi của kinh tế bao gồm ưu đãi, sự khan hiếm và kinh tế quy mô.
Nếu có thể nắm được những kiến thức căn bản của từng nguyên lý, chúng ta có thể phát triển tầm nhìn về thế giới.
Thế giới này rộng lớn, người học càng nhiều càng thấy bản thân mình nhỏ bé. Đời ngắn đến nỗi chúng ta không thể tiếp cận toàn bộ tri thức của thế giới, nhưng với nỗ lực nhỏ hàng ngày, ít nhất tầm nhìn thế giới của chúng ta hôm nay cũng đã rất khác so với ngày hôm qua rồi.
Hi vọng bài viết này sẽ hữu ích với bạn, đừng quên chia sẻ bài viết này nếu bạn thấy nó thực sự ý nghĩa nhé ^_^
__CTV Phạm Thu Linh__Blogchiasekienthuc.com__