Toxic Positivity là gì? Tại sao tích cực không phải lúc nào cũng là “tích cực”?
Chúng ta đều biết rằng, sự tích cực sẽ đem lại rất nhiều năng lượng, cũng như tinh thần lạc quan hơn cho bản thân. Đây là một thái độ rất cần thiết trong cuộc sống của mỗi chúng ta.
Những suy nghĩ như “phải luôn tích cực”, hay những lời khuyên mà chúng ta hay nhận được khi có chuyện gì đó không ổn xảy đến là: “hãy suy nghĩ tích cực lên” dường như vô cùng quen thuộc, như là một thói quen và là câu cửa miệng của chúng ta vậy.
Tuy nhiên, có phải lúc nào sự tích cực cũng đem lại cho chúng ta cảm giác tốt hơn không? Hay mỗi khi có chuyện gì đó, liệu có phải chỉ cần “cố tích cực” thì mọi thứ sẽ bớt tồi tệ hơn hay không?
Thực ra, việc luôn cố gắng phải tích cực trong mọi hoàn cảnh không phải lúc nào cũng là một lựa chọn tốt, thậm chí chúng ta có thể bị sẽ rơi vào tình trạng “Toxic positivity”. Vậy Toxic positivity là gì? Và tại sao đôi khi tích cực lại không hẳn là “tích cực”?
Mục Lục Nội Dung
- I. Sự tích cực độc hại là gì?
- II. Một vài dấu hiệu nhận biết “sự tích cực độc hại”
- #1. Thường lựa chọn “bỏ qua” thay vì “đối mặt” với các cảm xúc/ vấn đề của bản thân
- #2. Cảm thấy tội lỗi, không chấp nhận khi bản thân có cảm xúc tiêu cực
- #3. Che giấu cảm xúc thật với bản thân và người khác, cố gắng ép mình phải vượt qua sự tiêu cực
- #4. Luôn chỉ trích, không coi trọng cảm xúc của người khác khi họ không tích cực
- III. Toxic Positivity có tác động tiêu cực như thế nào?
- IV. Cách để hạn chế “Sự tích cực độc hại”?
- V. Lời kết
I. Sự tích cực độc hại là gì?
Toxic positivity hay còn gọi là “Sự tích cực độc hại”, hay “Lạc quan kiểu độc hại”…
Sự tích cực độc hại là việc chúng ta quá tập trung và ám ảnh với trạng thái tích cực. Luôn cho rằng, dù trong hoàn cảnh nào bản thân cũng phải suy nghĩ tích cực, hành động tích cực và duy trì năng lượng tích cực.
Như mình đã đề cập bên trên, chúng ta không thể phủ nhận sự tích cực giúp bản thân chúng ta lạc quan hơn trong cuộc sống.
Tuy nhiên, chúng ta cũng thừa hiểu rằng cảm xúc của con người là vô cùng đa dạng, mà đôi khi quá tập trung hướng tới sự tích cực sẽ khiến bản thân phớt lờ đi những cảm xúc và trải nghiệm khác của chính mình.
Đó cũng là lúc mà sự tích cực không còn tốt đẹp như ý nghĩa của nó nữa, mà nó sẽ trở thành “Sự tích cực độc hại”.
Đây là lúc mà chúng ta chối bỏ sự hiện diện của những trạng thái khác bên trong mình, dẹp đi những trải nghiệm quan trọng khác trong cuộc sống.
Dù có những cảm xúc, hay những trải nghiệm rất đau đớn và khó khăn nhưng nó là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của bất kì ai. Trong khi đó, “Sự tích cực độc hại” lại khiến chúng ta không thể đối mặt, cởi mở và thành thật với chính mình.
Và có lẽ tới đây bạn cũng có thể hình dung vì sao chúng ta lại gọi nó là “Toxic positivity” rồi đúng không ạ?
II. Một vài dấu hiệu nhận biết “sự tích cực độc hại”
Ban đầu, khi nghe đến khái niệm về Toxic positivity thì thú thật là mình cũng không nghĩ bản thân mình là một người đã từng rơi vào tình trạng này đâu.
Nhưng khi để ý kỹ hơn về các dấu hiệu thì mình mới nhận ra rằng, mình thường xuyên có những hành động như vậy. Vậy nên bạn hãy tự kiểm tra xem mình có đang tồn tại “sự tích cực độc hại” nay không nhé:
#1. Thường lựa chọn “bỏ qua” thay vì “đối mặt” với các cảm xúc/ vấn đề của bản thân
Chắc hẳn không ít lần chúng ta cảm thấy tồi tệ về một chuyện gì đó, nhưng thay vì đối mặt, phân tích và suy ngẫm về vấn đề đó thì ta lại chọn cách bỏ qua, cố làm việc khác để quên đi, hay tự nhủ rằng chỉ cần nghĩ tích cực thì mọi chuyện sẽ qua,…
Theo mình thấy thì đây là thái độ khá phổ biến khi chúng ta gặp một vấn đề nào đó, chúng ta cố tình né tránh, trì hoãn, đơn giản bởi vì nó dễ dàng hơn là đối mặt, nhưng đến một lúc nào đó rồi chúng ta cũng sẽ không thể “trốn chạy” được nữa, vậy cớ sao lại để cho nó tồi tệ và kéo dài hơn?
#2. Cảm thấy tội lỗi, không chấp nhận khi bản thân có cảm xúc tiêu cực
Mặc dù ai cũng hiểu rõ là những cảm xúc tiêu cực như buồn bã, tức giận… là điều mà ai cũng phải đối mặt trong cuộc sống, nhưng dường như chúng ta vẫn khó chấp nhận khi bản thân rơi vào những cảm xúc như vậy.
Việc không chấp nhận được sự tiêu cực và chỉ cho phép bản thân được tích cực là dấu hiệu cho thấy chúng ta đang dần trở nên “tích cực độc hại”.
#3. Che giấu cảm xúc thật với bản thân và người khác, cố gắng ép mình phải vượt qua sự tiêu cực
Đôi khi không phải chúng ta không hiểu mình cảm thấy như thế nào, mà nhiều khi là chúng ta không muốn thấu hiểu, từ chối hiểu những cảm xúc đó.
Vậy nên, chúng ta luôn cố tỏ ra là mình ổn mặc dù bên trong vô cùng tồi tệ, cố trấn an bản thân với những suy nghĩ lạc quan nhưng trong lòng lại suy sụp, và luôn cố gắng để “đi qua” sự tiêu cực càng nhanh càng tốt.
Không phải lúc nào chúng ta cũng có cơ hội để thể hiện những cảm xúc thật của bản thân ra ngoài, nhưng việc luôn cố gắng vùi lấp, che giấu cũng như miễn cưỡng, ép buộc mình phải tích cực trở lại đôi lúc sẽ khiến bản thân càng trở nên rối bời, tồi tệ hơn thế nữa.
#4. Luôn chỉ trích, không coi trọng cảm xúc của người khác khi họ không tích cực
Đã bao giờ bạn không thể thấu hiểu cho những cảm xúc tiêu cực của người khác và liên tục kêu họ phải tích cực lên chưa?
Mỗi người đều có những cảm xúc, những suy nghĩ và những hành trình của riêng mình. Việc “ép” người khác phải luôn tích cực cũng là một dấu hiệu cho thấy bạn đang có xu hướng “tích cực độc hại” đấy.
III. Toxic Positivity có tác động tiêu cực như thế nào?
#1. Tạo thêm nhiều cảm xúc tiêu cực khác
Bên cạnh cảm xúc tiêu cực bạn đang phải trải qua, khi bạn cảm thấy mình không thể chấp nhận những cảm xúc này, bạn vô tình sẽ tạo thêm cho bản thân thêm những cảm xúc tồi tệ khác.
Chẳng hạn như khi bạn buồn vì một vấn đề nào đó và bạn không chấp nhận được sự suy sụp này của bản thân. Và thế là bạn cảm thấy tức giận, chán ghét, thất vọng với chính mình.
Điều này không chỉ khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn, mà vấn đề cũng không được đối mặt và giải quyết triệt để, hơn nữa còn khiến bạn đánh mất niềm tin vào bản thân chính mình.
#2. Không nhận ra được những cảm xúc thật của bản thân
“Sự tích cực độc hại” luôn tạo cho bạn thói quen tránh né những cảm xúc thật sự của mình.
Mỗi khi bạn cảm nhận thấy điều gì đó không ổn, bạn sẽ chọn cách phớt lờ, dẹp bỏ nó và cố gắng “tích cực” hơn.
Tuy nhiên, việc phớt lờ một vấn đề không khiến cho nó mất đi, mà chỉ dần khiến cho nó thêm nghiêm trọng hơn cho đến một lúc nào đó, khi nó đủ lớn đến mức chúng ta không thể làm lơ được nữa.
#3. Bỏ qua cơ hội để phát triển bản thân
Mặc dù việc luôn cố tích cực có thể khiến chúng ta tạm thời tránh đi những điều tồi tệ, đau đớn nhưng những cảm xúc đó lại là những phần không thể thiếu trong quá trình phát triển, trưởng thành và xây dựng một tinh thần mạnh mẽ hơn cho bản thân.
Vậy nên, việc từ chối hay né tránh những cảm xúc này cũng đồng thời khiến chúng ta đánh mất những cơ hội để rèn giũa, phát triển nhiều hơn từ bên trong bản thân.
IV. Cách để hạn chế “Sự tích cực độc hại”?
#1. Chấp nhận và cố gắng chân thật với những cảm xúc của chính mình
Để có thể giải quyết những điều tiêu cực, chúng ta nên thừa nhận và đối mặt với những cảm xúc thật từ tận sâu bên trong mình, suy ngẫm và tìm ra cách để hạn chế, cải thiện nó tốt hơn.
Chắc chắc việc này không hề dễ dàng chút nào, nhưng nó có thể giúp bạn giải quyết những bộn bề trong cảm xúc của mình.
Mình thấy việc viết xuống những suy nghĩ của mình, hoặc tâm sự cùng ai đó mà bạn cảm thấy được thấu hiểu là những cách hiệu quả và giúp bạn nhẹ nhõm hơn rất nhiều đó, nếu chưa thử bao giờ thì bạn hãy thử ngay nhé.
#2. Chăm sóc bản thân và tìm cách cải thiện
Ai thì cũng sẽ có lúc cảm thấy như cạn kiệt năng lượng, mất động lực hay mất những nguồn cảm hứng trong cuộc sống.
Những lúc như vậy thay vì cố gắng ép mình phải tích cực thì chúng ta nên dành sự tập trung, chăm sóc bản thân từ bên trong, cho phép mình được nghỉ ngơi một chút rồi dần lấy lại tinh thần để cải thiện, giải quyết vấn đề nhé.
#3. Tìm cho bản thân những cách để “giải tỏa”
Chúng ta có thể có cho mình những cách để giải tỏa, nạp lại năng lượng và cải thiện cảm xúc mỗi khi cảm thấy không ổn thay vì né tránh chúng.
Chẳng hạn như đi dạo, nghe nhạc, hay ngồi ở một quán cà phê mà bạn cảm thấy thấy thoải mái nhất. Nói chung là… bạn có thể làm bất cứ thứ gì mà bạn thích như vẽ, chơi đàn,… chẳng hạn.
Ngoài ra, bạn cũng có thể thử một trải nghiệm nào đó hoàn toàn mới mà trước đây mình chưa làm để tạo thêm những cảm xúc thí vị mới cho cuộc sống. Mỗi người sẽ có những cách riêng để cảm thấy thoải mái hơn, mình tin là bạn cũng sẽ có những cách phù hợp cho riêng mình.
V. Lời kết
Vâng, như vậy là qua bài viết này bạn đã hiểu được Toxic positivity là gì rồi phải không nào? Bạn cũng biết được rằng tích cực không phải lúc nào cũng là “tích cực”, quá lạm dụng đôi khi nó sẽ trở thành “Sự tích cực độc hại”.
Toxic positivity là một trạng thái mà hầu như ai cũng có lúc gặp phải, thậm chí là thường xuyên gặp phải trong cuộc sống.
Hi vọng là bài viết này đã đem đến cho bạn những thông tin hữu ích về chủ đề này, cũng như giúp bạn nhận ra những điều mà có thể bản thân bạn hay gặp phải để có được những hướng giải quyết hiệu quả hơn.
Cảm ơn các bạn đã đọc đến đây, chúc các bạn một ngày nhiều niềm vui và cảm hứng với cuộc sống nha. ^^
CTV: Vũ Nam Phương – Blogchiasekienthuc.com