Nhiêu người cho rằng, IQ là chỉ số quan trọng nhất về trí thông minh. Nhưng sự thật không phải vậy !
Các nghiên cứu đã cho thấy chỉ số EQ – chỉ số Trí thông minh cảm xúc – cũng quan trọng không kém. Trí thông minh cảm xúc là năng lực cảm nhận, kiểm soát cảm xúc của chính mình và người khác.
Người có trí tuệ cảm xúc cao biết cách ứng xử khéo léo với người xung quanh, nhưng họ không đè nén cảm xúc của chính mình. Họ sử dụng cảm xúc của mình như là công cụ để thấu hiểu về mong muốn của bản thân.
Những người có trí tuệ cảm xúc cao có những kỹ năng xã hội cần thiết. Những người nhạy cảm, giàu cảm xúc thường bị coi là những kẻ yếu đuối trong xã hội.
Nhưng có mấy ai biết, đó là những người thấu hiểu sâu sắc những tâm trạng của người khác. Họ biết cách nhìn thấu trái tim của người ngoài và làm dịu những quan điểm bất đồng.
Vì thế, những người có trí tuệ cảm xúc đóng vai trò quan trọng trong xã hội. Nếu không có sự đồng cảm, chúng ta sẽ rất khó hòa hợp và cùng nhau hành động.
Đọc thêm:
- 5 bài tập tâm lý giúp bạn giữ bình tĩnh trong mọi hoàn cảnh
- Chia sẻ 5 yếu tố phát triển mối quan hệ bằng Trí Tuệ Cảm Xúc
Vậy những người có Trí Tuệ Cảm Xúc cao có những dấu hiệu như thế nào? Hãy cùng mình tìm hiểu về những dấu hiệu dưới đây nhé.
Mục Lục Nội Dung
- #1. Có ý thức sâu sắc về bản thân
- #2. Khả năng kiểm soát cảm xúc phi thường
- #3. Khả năng truyền cảm hứng
- #4. Khả năng thấu cảm
- #5. Kỹ năng giao tiếp tốt
- #6. Thích nghi nhanh với môi trường xung quanh
- #7. Không chờ đợi sự hoàn hảo
- #8. Họ hiểu đời sống lành mạnh ảnh hưởng đến cảm xúc như thế nào
- #9. Thể hiện lòng biết ơn
- #10. Có khả năng duy trì tập trung vào một nhiệm vụ trong khoảng thời gian dài
- #11. Khả năng sáng tạo
- #12. Không dễ bị kích động bởi người khác
#1. Có ý thức sâu sắc về bản thân
Những người có Trí tuệ cảm xúc cao biết ý thức được cảm xúc của họ và kiểm soát hành động của họ với người khác. Họ không bao giờ cho phép cảm xúc của mình đi quá giới hạn.
Họ không vứt bỏ những cảm xúc đó đi, nhưng họ cũng không để cảm xúc đó chi phối. Những cảm xúc được nhận biết trước khi hành động nên họ không quyết định vội vã.
Đó là những người ý thức rõ về bản thân và vạch rõ giới hạn với người khác. Họ có thể hành xử mềm mỏng với người khác nhưng họ vẫn bảo vệ chính mình khi người khác đi quá giới hạn. Vì thế họ có thể duy trì cảm giác bình yên và quyền tự do mọi lúc.
Những người thông minh trong cảm xúc dùng những ý nghĩ như một công cụ để thấu hiểu bên trong họ và đạt được cái nhìn sâu sắc về cảm xúc.
#2. Khả năng kiểm soát cảm xúc phi thường
Người có trí tuệ cảm xúc có khả năng chuyển hướng cảm xúc của mình. Họ không đánh đồng họ là cảm xúc của mình.
Hãy tưởng tượng, bạn có nhân viên làm chậm deadline. Với tư cách là một người sếp phải chịu trách nhiệm toàn bộ đầu ra công việc, bạn rất tức giận và muốn xả những lời cay đắng nhất tới anh ta.
Nếu ứng dụng trí tuệ cảm xúc, bạn sẽ ý thức được rằng tức giận chỉ là cảm xúc, và không phải là bạn. Tức giận có thể đến nhưng bạn có quyền lựa chọn hành động theo cảm xúc đó hay không.
Những người thông minh trong cảm xúc sẽ để cảm xúc đến và đi. Họ không dán nhãn đó là tích cực hay tiêu cực. Tất cả chúng ta đều có tâm trạng không ổn định.
Hôm nay chúng ta buồn, ngày mai chúng ta vui. Biết được điều này, những người có trí tuệ cảm xúc luôn giữ tâm thế bình tĩnh, mặc cho bên trong đang cảm thấy thế nào.
Kỷ luật cảm xúc là rất quan trọng. Nếu không có khả năng kiểm soát, bạn có thể luôn là nạn nhân vướng vào những rắc rối xung quanh mình.
Dù thế nào đi chăng nữa, nếu tin cảm xúc như một con sóng có thể vượt qua được, bạn có thể cưỡi trên cơn bão cảm xúc thay vì để nó nhấn chìm chính mình.
#3. Khả năng truyền cảm hứng
Người có EQ cao không để chính mình đóng vai nạn nhân. Họ nhận lấy toàn bộ trách nhiệm cho cuộc đời mình.
Họ không để những cảm xúc ngáng đường đến với mục tiêu. Họ có thể tập trung vào một nhiệm vụ trong một khoảng thời gian dài mà không uể oải.
Nhiều người cảm thấy mệt mỏi bởi tâm trí họ luôn rối bời. Những người Trí Tuệ Cảm Xúc cao luôn biết cách duy trì ý thức, nên họ có khả năng làm việc năng suất hơn.
Điều này không có nghĩa những người có trí tuệ cảm xúc luôn phơi phới suốt ngày. Sẽ có lúc tâm trạng đi xuống, nhưng họ sẽ biết cách cân bằng cảm xúc nhanh hơn những người khác.
#4. Khả năng thấu cảm
Bạn đã gặp ai có khả năng đọc được cảm nhận của người khác chưa? Đó là một trong những biểu hiện của người có EQ cao đấy.
Những người này quan tâm sâu sắc về cảm nhận của người khác và họ cố gắng cải thiện tinh thần của người xung quanh.
Rất nhiều người tìm đến họ để xin lời khuyên. Ở bên cạnh họ, chúng ta cảm thấy thoải mái để chia sẻ tâm tư của mình. Chúng ta luôn có cảm giác được quan tâm, được lắng nghe và được thấu hiểu.
Khi chúng ta hiểu rõ cảm nhận của người khác, đó là lúc chúng ta đang thể hiện sự đồng cảm.
Nếu một người tìm đến họ để tâm sự, họ sẽ chăm chú lắng nghe với trái tim mở. Họ cũng là kiểu người có khả năng quan sát tuyệt vời, và trực giác cho họ hiểu mong muốn của người khác.
#5. Kỹ năng giao tiếp tốt
Có thể những người giàu cảm xúc hầu hết là người hướng nội và không thích tiếp xúc nhiều với xã hội, họ vẫn có kỹ năng giao tiếp tuyệt vời.
Họ có thể nhìn thấy vấn đề của người khác nhanh chóng bởi họ không ngại nói về những chủ đề sâu lắng. Họ có khả năng nâng đỡ và truyền cảm hứng cho người khác. Đó chính là vũ khí hấp dẫn người khác !
Những người có trí tuệ cảm xúc có khả năng lãnh đạo rất tốt. Bởi họ có khả năng quan sát vấn đề và chọn hướng giải quyết với sự cảm thông.
#6. Thích nghi nhanh với môi trường xung quanh
Giống như tắc kè hoa. Cho dù giao tiếp với ai hay sống ở đâu, họ cũng linh hoạt để sớm thích nghi. Kể cả họ vừa nhận được việc mới và vừa chuyển đến thành phố mới, với khả năng ý thức cảm xúc, họ giữ được tư duy tích cực ở bất cứ nơi đâu.
Vì họ biết rằng mọi thứ trong đời chỉ là phản chiếu trạng thái cảm xúc bên trong. Họ cố gắng nhất có thể để duy trì trạng thái tích cực mọi lúc.
#7. Không chờ đợi sự hoàn hảo
Những người ý thức về cảm xúc hiểu rằng, cố gắng đạt đến mức hoàn hảo chỉ dẫn đến kiệt quệ. Họ nhận ra rằng thất bại có ý nghĩa hơn là chờ đợi sự hoàn hảo.
Đó là lý do tại sao họ có thể học được nhiều trong khoảng thời gian ngắn. E ngại những cơ hội mới có thể làm chúng ta bỏ qua cơ hội để phát triển. Vì điều họ quan tâm là cải tiến, họ không để nỗi sợ thất bại níu kéo chính họ.
#8. Họ hiểu đời sống lành mạnh ảnh hưởng đến cảm xúc như thế nào
Những người có trí tuệ cảm xúc cao là kiểu người sống theo đời sống lành mạnh. Họ biết rằng không thể có tư duy cân bằng nếu không chăm sóc tốt cho bản thân.
Họ đi ngủ sớm, thiền, kiểm soát căng thẳng, tập thể thao, ăn uống điều độ và đối xử tốt với mọi người…
Cảm nhận tích cực của họ lan tỏa sang những người khác. Họ chăm sóc sức khỏe của họ cả bên trong lẫn bên ngoài và những thực hành này mang lại cảm xúc tích cực nhất.
#9. Thể hiện lòng biết ơn
Những người có EQ cao thích nhìn đời bằng nửa con mắt. Họ không tập trung nhìn vào những điểm tiêu cực bởi nó làm tâm trạng của họ đi xuống.
Những người đó biết rằng, để thu hút những điều tốt đẹp, họ cần giữ tâm trí tập trung vào những điều tích cực. Họ luôn cảm thấy biết ơn về những gì họ đang có và cố gắng chia sẻ với người khác.
#10. Có khả năng duy trì tập trung vào một nhiệm vụ trong khoảng thời gian dài
Dù trong đầu có nhiều việc cần giải quyết nhưng những người có trí tuệ cảm xúc cao thường tập trung vào nhiệm vụ trước mắt.
Bởi họ có khả năng quản lý cảm xúc, họ không dễ để căng thẳng, nỗi sợ chi phối. Nếu quá căng thẳng, những người này sẽ tạm dừng công việc và làm việc khác để giải tỏa, sau đó, họ mới tiếp tục hành động. Họ biết khi nào cần nghỉ ngơi nhưng vẫn cần đảm bảo đúng hạn công việc.
#11. Khả năng sáng tạo
Dù ở trong bất kỳ lĩnh vực nào, những người có trí tuệ cảm xúc cao luôn sử dụng nguồn sáng tạo vô biên bên trong. Họ có những ý tưởng đột phá và cảm nhận vấn đề từ trực giác.
Dòng chảy sáng tạo cho phép họ tiếp cận cách giải quyết hiệu quả. Họ luôn sử dụng tính tò mò bản năng kết hợp với sự sáng tạo để giải quyết vấn đề. Kỹ năng này cũng rất cần thiết trong thế giới kinh doanh.
#12. Không dễ bị kích động bởi người khác
Dù giàu ý tưởng và vạch rõ giới hạn với người khác, những người có trí tuệ cảm xúc cao không dễ bị kích động.
Họ hiểu rằng, những suy nghĩ của người khác về họ chỉ là phản chiếu cảm xúc bên trong của người ta mà thôi. Thế nên, không gì ở bên ngoài có thể làm tổn thương họ.
Họ luôn lắng nghe người khác với tư duy mở nhưng không để tâm trạng bên trong bị ảnh hưởng bởi thái độ của người ngoài.
Tóm lại, những người có trí tuệ cảm xúc cao là những người ý thức sâu sắc về cảm xúc của chính mình và của người khác. Để ý cảm xúc bên trong bạn, bạn sẽ bước vào một thế giới tri thức mới, mở nhiều điều thú vị về bản thân.
Dù không có tất cả những dấu hiệu trên, bạn vẫn có thể rèn luyện để nâng cao trí tuệ cảm xúc. Ý thức về mọi hành động của mình và cảm thông hơn với người khác là những cách giúp bạn có được điều này.
Hi vọng bài viết sẽ hữu ích với bạn, chúc bạn một ngày tốt lành (>‿♥)
__CTV Phạm Thu Linh__Blogchiasekienthuc.com__