Ai cũng thích mua điện thoại mới, điều này là rõ ràng. Có ai mà lại không thích “bóc tem” cơ chứ ᵔᴥᵔ
Nhưng thực tế là không phải ai cũng đủ điều kiện để mua cho mình những chiếc điện thoại Android mới cứng cựa được. Chính vì thế mà giải pháp lúc này là tìm mua những chiếc điện thoại cũ, những chiếc điện thoại đã qua sử dụng.
Và một câu hỏi mà nhiều người chăn trở nhất đó là, làm thế nào để chọn được một chiếc điện thoại cũ vẫn còn “ngon”. Tức là không bị hỏng hóc gì và vẫn còn Zin (chưa bị thay tháo linh kiện – không phải hàng dựng đấy).
Vâng, nếu như bạn mua lại được của một người quen thì tốt, xin chúc mừng bạn. Còn nếu bạn mua ở ngoài cửa hàng hoặc đâu đó trên Internet thì mình sẽ có một vài lưu ý quan trọng cho bạn như sau:
Mục Lục Nội Dung
- #1. Chọn cơ sở uy tín
- #2. Vẻ bề ngoài còn đẹp không
- #3. Cấu hình máy ra sao?
- #4. Màn hình thế nào?
- #5. Xem Camera còn hoạt động ổn định không?
- #6. Test âm thanh và WiFi
- #7. Kiểm tra PIN xem còn tốt không, đã bị chai nhiều chưa?
- #8. Phụ kiện kèm theo máy
- #9. Phiên bản hệ điều hành Android hiện tại của máy
- #10. Lời Kết
#1. Chọn cơ sở uy tín
Điều này là quan trọng nhất, bạn cần phải tìm kiếm thông tin liên quan đến cửa hàng này. Xem họ có uy tín không, chế độ bảo hành như thế nào, đánh giá của người dùng ra làm sao….
Tìm kiếm cả trên Google Search và Youtube để hiểu rõ hơn về cửa hàng mà bạn định mua. Để chọn mặt gửi vàng cho chuẩn.
Bởi vì bạn đã mua điện thoại cũ tức là kinh tế bạn cũng không dư giả gì. Vì thế, bạn phải rất cẩn thận trước khi xuống tiền, để hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro mà bạn có thể sẽ gặp phải.
Cơ sở nào mà bạn thấy ít thông tin, bạn có chút nghi ngờ, trong khi đó bạn lại không rành rọt về công nghệ nữa thì tốt nhất là bạn nên tìm một nơi uy tín hơn, có trụ sở/ showroom đàng hoàng.. nhé !
Okay, giờ đến các bước chọn máy khi bạn đã tìm được một địa chỉ uy tín…..
#2. Vẻ bề ngoài còn đẹp không
Đây là phần mà bạn có thể nhìn thấy được ngay, phần dễ đánh giá nhất và nó cũng là một yếu tố khá lớn để bạn quyết định đến việc mua hay không.
Nếu điện thoại bạn chọn mua có mặt lưng kính, lưng kim loại hoặc viền kim loại thì bạn cần lưu ý những thứ sau:
- Kiểm tra xem viền kim loại của máy có bị móp méo hay bong tróc sơn nhiều không, nếu bị móp quá nhiều thì bạn không nên mua vì có thể điện thoại này đã bị rơi rất mạnh => linh kiện bên trong có thể sẽ bị hư hại.
- Phần mặt lưng thì bạn cũng kiểm tra tương tự, nhưng đối với mặt lưng bằng kính bạn có thể kiểm tra các vết trầy xước dưới bóng đèn.
- Kiểm tra khe SIM, khe thẻ nhớ, lỗ cắm sạc, lỗ cắm tai nghe,… nói chung là tất cả những gì mà bạn nhìn thấy, xem có chỗ nào có dấu hiệu bất ổn hay không.
#3. Cấu hình máy ra sao?
Cấu hình máy là một yếu tố then chốt vì nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm của bạn. Và đây là một lợi thế về giá mà chiếc điện thoại cũ mang lại cho chúng ta.
Nếu bạn đã quyết định mua máy Android cũ thì mình nghĩ là bạn cũng đã có kha khá kiến thức về các vi xử lý (CPU) của các hãng Android rồi, nên mình sẽ không đào sâu vào từng vi xử lý của các hãng nữa nhé.
Ngoài ra thì nó còn phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng của từng người, và số tiền mà họ bỏ ra để mua nữa. Vậy nên, về phần cấu hình máy tính thì bạn tự tìm hiểu thêm nha.
NOTE: Đối với người dùng phổ thông, không có quá nhiều yêu cầu đặc biệt như chơi Game nặng, làm video… thì đa số các dòng điện thoại hiện nay đều cân được hết.
Thị trường về CHÍP của Android có một vài cái tên nổi bật như Snapdragon của Qualcomm, Exynos của Samsung, Kirin của Huawei và MediaTek,.. theo mình thì bạn nên ưu tiên chip Snapdragon hơn vì tính ổn định và được nhiều app tối ưu rất tốt.
À, bạn nên tìm hiểu xem vi xử lý ở phân khúc nào và thời gian ra mắt của nó là khi nào để chọn cho phù hợp nhé, chứ không phải cứ Snapdragon là quất được đâu.
Đọc bài viết này để hiểu hơn về chip Snapdragon nha các bạn: Tại sao chip của flagship cũ không được dùng cho máy tầm trung mới?
Về RAM thì bạn nên chọn máy có dung lượng tối thiểu 4GB, nếu như bạn chỉ sử dụng bình thường như nghe gọi, lướt Facebook, xem Youtube, chơi game nhẹ… Còn nếu bạn có nhu cầu chơi game nặng liên tục thì nên chọn bản 6GB hoặc 8Gb RAM nhé.
#4. Màn hình thế nào?
Màn hình rất dễ kiểm tra, bạn có thể nhấn giữ và di chuyển một icon bất kỳ quanh màn hình để xem có khu vực nào không nhận cảm ứng hoặc chết cảm ứng không.
Lưu ý: Bạn nên di chuyển icon thật chậm, đừng bỏ sót bất cứ vị trí nào trên màn hình nhé !
Rồi bạn mở các video kiểm tra màu trên Youtube ra để xem trên màn hình có vùng nào bị hở sáng hay không… Nếu bạn muốn chi tiết hơn thì có thể sử dụng các phần mềm bên ngoài để kiểm màu sắc nhé.
Ví dụ như video này, bạn có thể mở nó ra để kiểm tra màu: https://www.youtube.com/watch?v=fL6aKXkf7dU&ab_channel=NCT
Độ phân giải màn hình cũng rất quan trọng, Nếu có đủ tài chính thì bạn nên mua các máy có màn hình từ Full-HD (1920 x 1080) trở lên để có trải nghiệm sử dụng tốt nhất.
Ở thời điểm hiện tại, các dòng điện thoại đều có màn hình khá lớn nên độ phân giải màn hình chỉ dừng ở mức HD+ sẽ gây ít nhiều khó chịu khi sử dụng.
#5. Xem Camera còn hoạt động ổn định không?
Bạn hãy chụp thử mấy tấm ảnh trong nhiều điều kiện khác nhau. Sau đó xem chất lượng ảnh có phù hợp với bạn không. Vì là hình ảnh mà, sẽ có người thấy thích hoặc không thích, tùy bạn thôi.
Nhớ kiểm tra mặt kính của camera có bị trầy xước nhiều không, và khả năng lấy nét của camera như thế nào,.. Và bạn cũng đừng quên quay thử một đoạn video, sau đó phát thử xem âm thanh với hình ảnh có ổn không nhé.
#6. Test âm thanh và WiFi
Bạn có thể truy cập thử vào Youtube và nghe thử một MV nào đó xem chất lượng âm thanh thếnào, có bị rè tiếng gì không.
Và quan trọng hơn và để kiểm tra xem card Wifi của máy đó còn hoạt động tốt không, xem có bị chậm chờn lúc có lúc không không.
#7. Kiểm tra PIN xem còn tốt không, đã bị chai nhiều chưa?
Bạn có thể tải app AccuBattery về máy Android để kiểm tra tình trạng chai PIN của máy.
Nếu bạn mua máy của người quen, thì hãy mượn máy về trải nghiệm 1-2 ngày để xem thử mức tụt PIN thực tế và thời gian sử dụng có đáp ứng được nhu cầu của bạn không, chứ mua về mà dùng có nửa ngày là phải đem đi sạc thì cực lắm.
#8. Phụ kiện kèm theo máy
Phụ kiện bây giờ rất rẻ và rất phong phú, từ tai nghe có dây cho đến đến tai nghe không dây đều có sẵn cho bạn chọn lựa, rồi đến cáp sạc, cục sạc,… đều rất nhiều.
Nếu mua điện thoại cũ mà có sẵn cục sạc và cáp sạc từ nhà sản xuất (đồ Zin của hãng) thì quá tốt, còn không thì cũng không sao cả, bạn có rất nhiều lựa chọn ở ngoài kia mà.
NHƯNG, bạn hãy thử sạc cho chiếc máy đó xem sao nhé, xem có vào điện OK không, có bị chậm chờn gì không?
#9. Phiên bản hệ điều hành Android hiện tại của máy
Hầu hết các máy điện thoại Android đều có thời gian cập nhập phiên bản mới khá chậm, và không được lâu dài.
Đọc thêm: Liệu các smartphone Android có cần update Android gốc không?
Nên nếu bản Android trên điện mà bạn định mua đã quá cũ rồi thì cũng không nên mua nhé, vì các ứng dụng phổ biến sẽ dần dần bị loại bỏ vì nó không còn được hỗ trợ cho các bản Android cũ nữa, họ sẽ tập trung nguồn lực cho việc tối ưu ứng dụng của các bản Android mới hơn.
Gần đây Google đã cho ra mắt phiên bản Android 11 thì đối với các phiên bản như Android 6, 7, 8 có thể coi là khá cũ rồi.
Ngoài việc được tối ưu, sử dụng các tính năng mới có trên các bản Android mới ra thì việc cập nhật hệ điều hành Android sẽ giúp cho thiết bị của bạn an toàn hơn và bảo mật hơn. Nên bạn hãy chú ý khoản nâng cấp Android này khi mua điện thoại cũ nhé các bạn.
#10. Lời Kết
Đọc thêm:
- 5 sai lầm lớn nhất của người dùng khi mua Smartphone.
- Mua điện thoại Trung Quốc giá rẻ, được gì và mất gì ?
- Có nên chọn mua smartphone theo Chip không?
- Nên mua điện thoại tầm trung MỚI hay Flagship CŨ ?
- So sánh chip Exynos và Snapdragon: Chip nào tốt hơn?
- Những chiếc smartphone không nên mua vì có Chip nóng !
Vâng, như vậy là mình đã liệt kê cho các bạn một số lưu ý cần phải biết trước khi mua một chiếc điện thoại Android cũ rồi nhé.
Đối với một số dòng máy có kháng nước thì bạn chỉ nên test áp suất trên điện thoại để kiểm tra (bạn có thể sử dụng áp Áp kế số), chứ tuyệt đối không test trực tiếp với nước nhé vì không ai bảo hành cho bạn đâu ^_^ Vậy thôi chúc bạn chọn được máy phù hợp nhé.
CTV: Trương Quang Nhật – Blogchiasekienthuc.com