Những nỗi lo lắng là một phần tất yếu mà bạn sẽ phải đối mặt trong cuộc đời. Thực ra, chúng không đáng sợ như bạn nghĩ, nhưng nếu không thể dứt khỏi những nỗi sợ vô hình, điều đó sẽ khiến bạn bỏ lỡ rất nhiều cơ hội để phát triển bản thân mình đấy.
Vì thế, việc làm chủ được cảm giác sợ hãi thực sự rất cần thiết đối với bất kỳ ai. Hãy để bài viết này giải đáp phần nào những mối bận tâm vẫn đang khắc khoải trong tâm trí bạn nhé !
Đọc thêm:
- Hãy bớt nuông chiều cảm xúc của bạn
- Bí quyết để giúp bạn làm việc tập trung cao độ hơn
- Hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn
Mục Lục Nội Dung
I. Nỗi sợ tác động như thế nào tới con người bạn?
Xét về phương diện khoa học, sợ hãi là một cơ chế tự nhiên của con người, giúp bạn có khả năng nhận biết nguy hiểm và tìm cách tránh xa chúng.
Thế nhưng, những nỗi sợ trong tiềm thức con người thường phức tạp hơn nhiều. Chúng có xu hướng khiến bạn thu mình lại với mối nguy hại, đôi khi những mối nguy hại ấy lại dường như vô hại.
Sợ hãi nhìn chung tác động tiêu cực tới tâm lý con người, chúng kìm nén sự phát triển về năng lực của mỗi cá nhân, bởi chắn chắn bạn sẽ không làm bất cứ điều gì mà bạn cho rằng chúng góp phần tác động mạnh mẽ, làm bùng phát những nỗi sợ vô hình trong con người bạn.
Tuy nhiên, xét về một khía cạnh nào đó, sợ hãi lại là một minh chứng cho việc cơ thể bạn hoàn toàn mạnh khỏe. Nhịp tim đập nhanh hơn bình thường, mồ hôi tiết ra nhiều hơn,… đó là cách cơ thể chiến đấu và xoa dịu những nỗi lo sợ thái quá.
Bởi thế, việc đầu tiên bạn cần làm mỗi khi sợ hãi đó là nghĩ rằng những biểu hiện ấy không có gì đáng lo ngại cả, đó chỉ là cơ thể của bạn đang làm nhiệm vụ của nó mà thôi.
II. Phương pháp để chế ngự cơn sợ hãi
Chúng ta đều có những vấn đề của riêng mình. Bởi vậy lý do của những nỗi sợ cũng thường rất khác nhau.
Tuy nhiên, mình sẽ chia sẻ 3 phương pháp hiệu quả nhất mà mình vẫn thường sử dụng, để bước đầu lấy lại bình tĩnh mỗi khi cảm thấy nỗi lo lắng ngập tràn trong tim. Cùng tìm hiểu với mình nhé !
#1. Tĩnh Tâm
Như mình đã nói ở trên, lo sợ cũng chỉ là minh chứng cho sự thích nghi dần của cơ thể bạn mà thôi.
Bởi vậy, phương pháp đầu tiên để đối phó với chúng chính là thư giãn. Hãy nhắm mắt lại và đừng nghĩ suy điều gì cả. Càng tập trung trong những lúc lắng lo, bạn sẽ càng rơi vào trạng thái bế tắc và hoảng loạn.
Sau một khoảng thời gian, khi tâm trí bạn hoàn toàn được giải phóng, hãy liên kết tất cả các vấn đề lại với nhau.
Đừng bỏ qua những dấu hiệu, bởi chúng chính là thứ ngôn ngữ của vũ trụ mà bạn sẽ phải dành cả đời để học cách lắng nghe.
Chắc chắn rằng không ít thì nhiều, những giây phút tĩnh tâm sẽ giúp bạn xua tan những lo sợ ban đầu, và đặc biệt sẽ hạn chế tối thiểu những sai lầm mà bạn rất có khả năng mắc phải khi hành động theo sự chi phối của cơn sợ hãi.
#2. Làm những điều mình yêu thích
Tương tự như thư giãn, hãy tạm thời gạt những vấn đề của mình qua một bên, và làm những điều thường ngày bạn thấy hứng thú.
Mỗi lần sợ hãi điều gì, mình thường tự trấn an trái tim bằng cách thì thầm một giai điệu nào đó, hoặc đơn giản là chơi một bản nhạc. Có thể khẳng định chúng có tác động rất tích cực khiến tâm lý mình thoải mái và bình tĩnh hơn.
Bạn có thể chọn nấu ăn, vẽ, nghe nhạc,… hoặc làm bất cứ điều gì mình yêu thích. Tập trung vào những điều ấ,y trước hết sẽ giúp bạn có một tâm lý vững vàng để xử lý những vấn đề khiến bạn lo sợ lúc ban đầu đấy !
#3. Đối diện với nỗi sợ của chính mình
Hai phương pháp trên chỉ là những giải pháp tạm thời giúp bạn trong những bước đầu tiên. Còn để xét về lâu dài, cách tốt nhất để khiến bạn mạnh mẽ, đánh bật sự sợ hãi trú ngụ trong tâm hồn đó chính là đương đầu với chúng.
Mỗi ngày hãy thử làm ít nhất một điều mà trước đây bạn e sợ. Nếu bạn sợ đám đông, hãy mạnh dạn đăng kí tham dự một buổi hội thảo.
Nếu bạn sợ giao tiếp với những người xung quanh, hãy nở nụ cười thật tươi và chủ động hỏi thăm đồng nghiệp mỗi sáng.
Học cách làm bạn với những nỗi sợ, bạn sẽ không lo từng ngày trôi qua thật vô vị nữa. Không chỉ thế, qua một quá trình thử thách bản thân, những lắng lo sợ hãi nhất định sẽ tan biến theo cách bạn không ngờ đến. Vì thế hãy chủ động ” gặp gỡ ” nỗi sợ của mình hàng ngày bạn nhé !
III. Lời Kết
Hi vọng qua bài viết này chúng ta sẽ cùng nhau mạnh mẽ hơn. Chúc bạn thành công trong việc chinh phục nỗi sợ của chính mình. Hãy ghé thăm blog thường xuyên để cập nhật những điều mới mẻ từ chúng mình nhé !
Chúc bạn vui vẻ:)
CTV: Ngô Hoàng Mai – Blogchiasekienthuc.com