Thật đau đầu khi phải làm việc với những người mà mình không thích. Dẫu biết không ai là hoàn hảo, nhưng để ứng xử hòa hợp với những người mà bạn“khó ưa” là một thử thách không hề dễ dàng. Vậy làm sao để vượt qua thách thức của mối quan hệ khi bạn phải đối mặt với nó mỗi ngày?
Đọc thêm:
- Đừng bao giờ chờ đợi SỰ HOÀN HẢO thì mới bắt đầu !
- Làm thế nào để vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống?
Mục Lục Nội Dung
#1. Xác định rõ những kiểu người làm bạn “khó ưa”
Hãy liệt kê những tính cách, hành vi của những người mà bạn không thích. Đó có thể là những hành vi, tính cách gây rắc rối và cản trở sự cố gắng của bạn. Hãy nhớ lại những người mà bạn đã gặp, những tình huống gợi lên cảm xúc tiêu cực trong bạn.
#2. Xác định vấn đề
Hãy phân tích tình huống và những nguyên nhân gây phản ứng tiêu cực, việc này sẽ giúp bạn tự ý thức về phản ứng tiêu cực của mình.
Những câu hỏi của Elizabeth B.Brown sẽ giúp bạn tìm ra nguyên nhân tại sao một số người khiến bạn phát điên:
- Họ (những người “khó ưa”) đã mang lại cho bạn những cảm xúc tiêu cực nào?
- Bạn đã ứng xử với họ ra sao?
- Họ đã phản ứng lại với bạn như thế nào?
- Nếu có ai đó mang lại rắc rối, bạn có chơi xấu lại và trả đũa lại họ không?
- Bạn có phải là người “khó ưa” và khiến người khác có hành vi kích động không?
- Những người khác phản ứng với hành vi của bạn như thế nào?
Giữ ấn tượng xấu về người khác có thể sẽ tạo ra một vòng luẩn quẩn. Khi nhìn một sự việc, chúng ta thường kết hợp chúng với góc nhìn và quan điểm của mình.
Sau đó, nó tạo nên niềm tin, cảm xúc và hành động của chúng ta. Nhưng rất tiếc, những gì ta nhìn nhận có khi không phải là sự thật. Bởi ta không có đủ thông tin nên tự “điền” vào những gì mình chưa biết dựa trên những lý lẽ và kinh nghiệm có sẵn.
Khi thấy ai đó đi làm muộn, ta sẽ bực mình vì nghĩ rằng người đó thiếu tôn trọng quy định văn phòng. Nhưng nếu biết được họ đi làm muộn vì bận việc gia đình, hoặc một sự cố va chạm ở trên đường… thì ta sẽ thông cảm và dễ dàng bỏ qua cho họ hơn.
#3. Thay đổi niềm tin tiêu cực
Để tránh phản ứng tiêu cực, bạn có thể thay đổi niềm tin về người khác bằng cách tách biệt sự thật với giả thiết của mình. Bạn không phải là niềm tin của bạn, vì thế, hãy tách mình ra khỏi niềm tin tiêu cực.
Tất nhiên, nói thì dễ, làm mới khó ! Chúng ta thường để mình chình cuốn theo niềm tin, tạo ra cảm xúc tiêu cực và hành động như một bản năng. Tony Schwartz đã đưa ra 3 lăng kính, giúp ta thay đổi góc nhìn về thế giới bên ngoài.
3.1. Lăng kính nhìn mọi thứ lạc quan
Mỗi khi cảm thấy mình là nạn nhân hoặc bị đối xử bất công, hãy tự hỏi chính mình hai câu hỏi:
- Sự thật trong chuyện này là gì?
- Sự thật mà tôi đang kể cho chính mình là gì? Tôi thực sự muốn có kết quả như thế nào?
3.2. Lăng kính đảo ngược (góc nhìn của người khác)
Đây là lúc bạn sẽ nhìn thế giới qua lăng kính của người khác. Điều đó không có nghĩa là bạn phải loại bỏ quan điểm và suy nghĩ của mình. Khi đứng trên quan điểm của đối phương, bạn sẽ mở rộng tầm nhìn của mình hơn. Hãy tự hỏi:
- Người kia đã và đang cảm thấy như thế nào?
- Tôi có trách nhiệm gì trong phản ứng của họ?
Đúng vậy, việc này không hề đơn giản vì suy nghĩ này đi ngược lại với những gì bạn đang cảm nhận. Nhưng nếu bạn hiểu được góc nhìn của người khác, họ sẽ cảm thấy được tôn trọng và bạn sẽ có lại sự tôn trọng từ họ. Đây gọi là sự đồng cảm.
3.3. Lăng kính nhìn xa
Đôi khi bạn cảm thấy e ngại vì hành xử của người kia. Sếp thường xuyên chỉ trích bạn vô cớ, bạn chẳng thể thông cảm hay hiểu được góc nhìn của sếp. Nếu điều đó xảy ra, hãy tự trả lời câu hỏi: “Làm sao để tôi có thể phát triển và học hỏi thêm từ mối quan hệ này?”
Những bước trên sẽ giúp bạn tạo ra tương tác hiệu quả đối với bất cứ ai. Đặc biệt trong công việc, bạn sẽ tiến tới kết quả làm việc hiệu quả hơn khi cần hợp tác với những người không hợp tính bạn.
#4. Làm chủ hành vi của mình
Để làm chủ hành vi bạn sẽ cần để ý đến hơi thở. Thở sâu và chậm sẽ kích hoạt dây dẫn truyền thần kinh tới não và làm bạn bình tâm hơn.
Khi lấy lại bình tĩnh, hãy dành chút thời gian để quan sát cảm xúc. Tự hỏi mình: “Nên phản ứng với người kia như thế nào? Làm sao để tạo ra kết quả như mong muốn trong cuộc đối thoại này?”
Đây là bước quan trọng giúp não bạn thoát khỏi trạng thái phòng thủ. Nghĩ về kết quả tốt đẹp sẽ kích thích bộ não suy nghĩ tích cực hơn và hướng bạn đến kết quả mong muốn.
#5. Một số phương pháp giúp bạn làm chủ được hành vi
5.1. Hiểu chính mình
Trước tiên, bạn cần hiểu về bản thân trong mọi hoàn cảnh: Điều gì làm bạn không thoải mái? Những điều không thoái mái mang lại cảm xúc tiêu cực nào?
Những người có hành vi như thế nào sẽ làm bạn mất bình tĩnh? Bạn sẽ bộc lộ điểm yếu nào khi tiếp xúc với những người đó? Làm sao để bạn lấy lại được bình tĩnh? …
Để có đầy đủ thông tin về bản thân, bạn cần có thời gian và kiên nhẫn quan sát diễn biến cảm xúc của mình. Viết nhật ký về cảm xúc mỗi ngày sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về chính mình đấy. Khi hiểu rõ được bản thân, bạn sẽ tìm ra những giải pháp làm chủ hành vi.
5.2. Làm rõ mục đích tương tác
Trước khi tương tác với người khác, hãy đưa ra những kết quả mong muốn sau tương tác. Việc này sẽ giúp bạn tập trung vào kết quả và không bị cuốn theo cảm xúc khi người khác kích động bạn.
5.3. Nhận thức cảm xúc và bám sát sự thật
Hãy học cách ý thức cảm xúc của bạn khi bị kích động. Sau đó, đưa ra nhiều giả thiết và bằng chứng đối lập để thay đổi niềm tin và làm dịu cảm xúc tiêu cực trong bạn.
Giả sử, đồng nghiệp chê bạn là người thiếu năng lực, hãy tự nhủ “Anh ta làm việc với mình chỉ trong thời gian ngắn nên chắc chắn không thể đánh giá đúng về năng lực của mình”.
Sau đó, hãy bình tĩnh lắng nghe quan điểm của đối phương để có thêm thông tin và đứng trên quan điểm của anh ấy, tìm hiểu tại sao anh ta lại có hành xử như vậy.
Và bạn đừng quên thẳng thắn chia sẻ về cảm xúc thật của bạn và nói ra nguyên nhân làm bạn không thoải mái. Chú ý, hãy nói về sự thật và không phán xét. Điều này sẽ giúp người kia nhận ra sai lầm và điều chỉnh hành vi của mình.
5.4. Tìm lời khuyên từ người khác
Ai cũng từng gặp vấn đề khi phải tương tác với người trái tính. Vì thế, tham khảo thêm giải pháp của người khác là một cách có thêm kinh nghiệm. Nhưng hoàn cảnh không ai giống ai nên bạn vẫn cứ giữ quan điểm của mình và chọn lọc những gì phù hợp nhé.
5.5. Viết nhật ký
Như đã nói ở trên, viết lại những gì bạn đã phản ứng sẽ giúp bạn quan sát chính mình dễ dàng. Càng quan sát rõ bản thân, bạn càng có thêm thông tin về chính mình.
Từ đó, bạn có thể đưa ra phương án mới để ứng phó với tình huống tương tự, rồi tự điều chỉnh, rồi lên phương án mới,… Quá trình này lặp đi lặp lại sẽ giúp bạn hoàn thiện kỹ năng tương tác với nhiều người đấy.
#6. Nếu tất cả những điều trên đều không hiệu quả với bạn?
Nếu bạn đã thử mọi cách và không thể xoay chuyển tình hình, vậy hãy bỏ lại những mối quan hệ độc hại và dành thời gian cho chính mình. Rèn luyện cách sống hạnh phúc sẽ giúp bạn làm chủ được cơ thể, tâm trí và loại bỏ áp lực cuộc sống.
Hãy nhớ về hướng dẫn của tiếp viên hàng không trước khi máy bay cất cánh: “Hãy đeo mặt nạ cho mình trước khi hỗ trợ người khác”.
Nếu bạn chưa thể hạnh phúc, bạn sẽ không đủ năng lượng để lan tỏa hạnh phúc đến người xung quanh. Một cách để hạnh phúc là rèn luyện chánh niệm, quan sát tâm trí và cơ thể của mình dù chỉ trong vài phút.
Tâm lý học đã chỉ ra rằng tập trung vào tâm trí là cách lấy lại bình tĩnh, giảm lo lắng và tăng năng suất. Ngày càng nhiều doanh nghiệp khẳng định phương pháp này rất quan trọng trong cải thiện hiệu suất làm việc.
Với tốc độ thay đổi chóng mặt như ngày nay, thật khó tránh những tác nhân gây căng thẳng và mệt mỏi. Thật không may, căng thẳng giống như vòng tuần hoàn.
Chúng không mất đi mà đang truyền từ người này sang người khác. Nhưng may mắn, nhận lấy hoặc quẳng đi những căng thẳng là lựa chọn ở bạn.
__CTV Phạm Thu Linh__Blogchiasekienthuc.com__