Bản thân mình rất thường xuyên dự tính sai khoảng thời gian cần thiết để hoàn thành một công việc trong thực tế, cũng chính vì vậy mà mình không tuân theo được những kế hoạch đã đề ra.
Ví dụ như khi lên kế hoạch ôn thi, mình dự tính mỗi ngày ôn 3 chương, sau 3 ngày sẽ hoàn thành 9 chương.
Nhưng ngày đầu mình ôn được 2 chương, ngày tiếp theo cũng chỉ ôn được 2 chương, nên để học được hết thì ngày cuối mình sẽ phải học tới tận 5 chương. Và tất nhiên là mình không thể làm được, mọi thứ đã không diễn ra như mình dự định.
Tuy nhiên, đó chỉ là một trường hợp điển hình, bên cạnh đó, mình vẫn thường rơi vào tình trạng không hoàn thành được những gì mình đã đặt ra.
Vậy nên mình đã nhiều lần đặt ra câu hỏi cho tình trạng này, và sau khi dành ra nhiều thời gian để suy xét lại thì cuối cùng mình cũng đã nhận ra được vấn đề của bản thân mình.
Mình từng cho rằng, việc không hoàn thành được là do nhiệm vụ đặt ra quá nhiều, hoặc nó quá khó. Nhưng thật ra không hẳn là như vậy, mà nguyên nhân chính là do sự THIẾU TẬP TRUNG của mình khi làm một việc nào đó.
Với vô số những điều gây xao nhãng xung quanh, mình đã không thể tập trung và hoàn thành được mục tiêu đúng hạn, hơn nữa, hiệu suất hay kết quả cũng không được như mong đợi.
Vậy nên mình đã dành thời gian để tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này và dưới đây là một số lợi ích mà mình nhận thấy được từ việc tập trung, cũng như những cách mà mình vẫn đang áp dụng để duy trì khả năng tập trung trong các hoạt động hàng ngày.
Trước hết, mời các bạn hãy cùng mình tìm hiểu về những lợi ích của việc tập trung để xác định rõ hơn vì sao cần phải phát triển khả năng này nhé !
Mục Lục Nội Dung
I. Lợi ích của việc tập trung?
#1. Tiết kiệm thời gian
Ngày nay chúng ta đang được sống trong một xã hội số hóa, thời đại công nghệ lên ngôi. Vậy nên chúng ta luôn cảm thấy thiếu thời gian cho những việc cần làm.
Chính vì thế, TẬP TRUNG là cách hiệu quả nhất để có thể tiết kiệm thời gian, cũng như giảm bớt sự lãng phí vào những điều vô ích.
Mình để ý rằng, mức độ tập trung càng cao thì công việc sẽ càng được hoàn thành càng nhanh chóng và hiệu quả hơn. Chúng ta có thêm nhiều thời gian trống hơn.
Ví dụ như khi cần giải một bài tập khó, nếu không đủ sự tập trung, mình luôn rơi vào bế tắc. Tuy nhiên, khi mình cố gắng đặt hết tâm trí vào nó, dù cho không thể hoàn thành ngay, thì ít nhất mình cũng tìm ra vài hướng đi mới để giải quyết tốt hơn.
Hoặc là học được thêm một điều gì đó mới mẻ..
Vậy nên, một khi đã bắt tay vào làm việc gì thì mình luôn cố gắng để tập trung sâu nhất có thể.
Ngoài ra, khoảng thời gian tiết kiệm được từ việc tập trung cũng giúp mình có thể làm thêm được nhiều việc khác nữa.
#2. Nâng cao chất lượng, giá trị của trải nghiệm và công việc
Theo như mình quan sát, việc tập trung vào việc mình đang làm sẽ đem lại những giá trị cao hơn cho công việc, ngoài ra còn khiến trải nghiệm của bạn được chất lượng và trọn vẹn hơn.
Mình lấy ví dụ như những bài tập khi được làm với sự tập trung cao, mình để ý rằng kết quả thường tốt hơn so với những bài mình làm một cách đối phó. Ngoài ra việc không tập trung còn khiến bạn rất dễ chán nản và mệt mỏi.
Ngược lại, khi có sự tập trung, mình sẽ thấy tích cực hơn, thú vị hơn trong suốt quá trình thực hiện nó.
Hoặc với những hoạt động thường ngày như đi uống nước cùng bạn bè, ăn uống cùng gia đình chẳng hạn, thay vì vừa tham gia – vừa cầm điện thoại, việc bạn tập trung tận hưởng một bữa ăn, uống và trò chuyện cùng mọi người sẽ đem lại một trải nghiệm trọn vẹn và chất lượng hơn rất nhiều.
#3. Nâng cao khả năng tiếp thu, xử lý thông tin và giải quyết vấn đề
Thông qua việc tăng cường sự tập trung, bạn có thể nâng cao được khả năng tiếp thu những thông tin mới, xử lý thông tin và giải quyết hiệu quả hơn các vấn đề.
Giống như khi học bài hay nghe giảng vậy, rõ ràng là nếu bạn tập trung thì bạn sẽ hiểu vấn đề nhanh hơn và nắm bắt được nội dung tốt hơn hẳn đúng không?
Tương tự như vậy, khi tập trung bạn sẽ xử lý tốt hơn các thông tin, đặc biệt là đối với những thông tin phức tạp thì sự tập trung lại càng cho thấy tầm quan trọng của nó hơn nữa.
Và khi nói đến việc giải quyết vấn đề, bạn sẽ càng cảm nhận được rõ ràng hơn mức độ cần thiết của sự tập trung.
Bởi vì những vấn đề khó luôn khiến chúng ta đau đầu khi tìm cách giải quyết, vậy nên bằng cách tập trung tối đa, chúng ta sẽ có thể nhìn nhận sâu hơn vào vấn đề và vận dụng khả năng của mình để tìm ra giải pháp phù hợp một cách nhanh nhất.
II. Một số cách hiệu quả để tăng sự tập trung cho bạn
#1. Tránh xa điện thoại hoặc tắt các thông báo
Đây là một cách đơn giản và quen thuộc nhưng mình thấy nó thực sự hiệu quả.
Những thông báo từ mạng xã hội hay những tin nhắn không quan trọng là những tác nhân thường xuyên khiến chúng ta xao nhãng khỏi việc đang làm.
Vậy nên, việc tắt hết thông báo, hoặc tốt hơn hết là bạn nên để điện thoại tránh xa mình, việc này sẽ hạn chế những phiền nhiễu trong quá trình bạn cần sự tập trung.
Mình cũng đã từng nhiều lần mất tập trung khi cứ liên tục kiểm tra tin nhắn mỗi khi có thông báo, và việc đó khiến mình ngồi vào bàn rất lâu nhưng chẳng thể giải quyết xong được việc gì cả.
Nếu bạn cũng đang gặp trường hợp như vậy, hãy thử làm theo cách này nhé vì mình tin là nó sẽ giúp được bạn.
À quên, những lúc cần giải quyết những vấn đề quan trọng thì bạn đừng nên đăng lên xã hội một thông tin gì cả. Vì chúng ta thường có xu hướng là vào kiểm tra xem được bao nhiêu Like, được thả bao nhiêu tim, hay mọi người đang bình luận những gì…
Đấy, rất mất thời gian. Và đặc biệt hơn là trong thời gian này bạn sẽ bị mất tập trung, ngay cả khi bạn không cầm điện thoại, bởi bạn đang mong chờ một điều gì đó từ những gì bạn đăng.
#2. Tập trung vào một việc duy nhất
Có nhiều lúc vì muốn làm nhanh hơn, và tận dụng thời gian hơn mà mình đã làm một lúc mấy việc. Tuy nhiên cách làm này khiến mình cảm thấy mọi thứ thường trở nên rối hơn, cũng như kết quả mang lại thường không tốt.
Ví dụ như mình vừa nghe giảng bài môn này, vừa làm bài tập môn khác. Kết quả là mình đã bỏ lỡ và không tiếp thu được trọn vẹn bài giảng. Hoặc là mình sẽ không tập trung suy nghĩ được cách giải cho bài tập đang làm. Thậm chí là mình còn không tiếp thu được bài giảng mà cũng không giải được bài tập.
Nên sau này mình cũng rút kinh nghiệm và không còn làm cùng lúc nhiều việc nữa. Thay vào đó, mình cố tập trung hết mức có thể để hoàn thành sớm hơn những công việc đang làm, và cũng là để có được hiểu quả cao nhất.
#3. Chọn không gian, điều kiện phù hợp
Không biết các bạn thế nào chứ mình thấy yếu tố không gian và điều kiện học tập/ làm việc sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến khả năng tập trung của bản thân mình.
Như đối với mình, một không gian yên tĩnh sẽ giúp mình tập trung tốt hơn. Tuy nhiên, nếu không có được môi trường lý tưởng đó, mà xung quanh ồn ào thì mình sẽ đeo tai nghe và nghe nhạc nhẹ khi làm việc.
Tùy vào tâm trạng cũng như dạng công việc mà mình sẽ chọn một loại nhạc phù hợp. Thường thì mình thích nge nhạc piano, nhạc không lời khi cần sự tập trung cao độ, và nghe nhạc tiếng Anh có lời nhẹ nhàng, thư giãn khi làm những việc không quá khó.
Mỗi người sẽ phù hợp với không gian cũng như điều kiện nhất định, bạn nên thử trải nghiệm để tìm ra điều phù hợp nhất với bản thân bạn nhé. Việc này là tương đối dễ dàng, mình tin là bạn sẽ sớm tìm ra sau vài lần thử thôi !
III. Lời kết
Đây là những điều mà mình đã trải nghiệm và nhận ra được trong quá trình tìm cách nâng cao khả năng tập trung của bản thân.
Mình tin là việc tăng khả năng tập trung sẽ giúp bạn thực hiện và giải quyết tốt hơn nhiều vấn đề trong cuộc sống, và khả năng này hoàn toàn có thể rèn luyện, cũng như cải thiện được nên các bạn chịu khó nhé.
Và cuối cùng, mình hi vọng những chia sẻ trong bài viết này sẽ hữu ích cho bạn một phần nào đó. Cảm ơn bạn đã đọc đến đây nhé. Chúc bạn một ngày tốt lành !
Đọc thêm:
- Bí quyết để giúp bạn làm việc tập trung cao độ hơn !
- 5 tips giúp lập trình viên TẬP TRUNG hơn khi NGỒI CODE
- 5 bài tập tâm lý giúp bạn giữ bình tĩnh trong mọi hoàn cảnh
- 10 tiện ích giúp tăng hiệu quả học tập trên Google Chrome
- 5+ trang web giúp bạn thư giãn và duy trì sự tập trung cao độ
CTV: Vũ Nam Phương – Blogchiasekienthuc.com