Trong một thời đại số phát triển như hiện nay thì việc liên tục tiếp thu và trau dồi thêm kiến thức là không thể thiếu được. Trong đó, khả năng tư duy chính là một kỹ năng cần thiết nhất trong quá trình phát triển bản thân.
Vâng, chúng ta đều hiểu rõ tầm quan trọng của tư duy, và thường sử dụng những kĩ năng tư duy đơn giản vào trong cuộc sống thường ngày.
Tuy nhiên, theo mình thấy, khả năng tư duy sâu và logic mới là điều quan trọng và tạo nên sự khác biệt, thế nhưng đây vẫn còn là một kĩ năng khó và chưa được nhiều người áp dụng.
I. Tư duy sâu và lợi ích của tư duy sâu?
#1. Tư duy sâu là gì?
Đầu tiên, để hiểu rõ hơn về khái niệm tư duy sâu thì chúng ta hãy cùng nhau phân tích xem thế nào là tư duy nông và hạn hẹp đã nhé.
Tư duy nông chính là cách suy nghĩ, tính toán và nhìn nhận vấn đề chỉ ở bề nổi của nó.
Khi phân tích vấn đề, bạn chỉ thấy được nguyên nhân đầu tiên và cũng là nguyên nhân trực tiếp, chứ không nhận ra được nguyên nhân sâu xa đằng sau của vấn đề đó ra sao.
Hơn nữa, tư duy nông khiến chúng ta chỉ thấy được cái trước mắt, ngắn hạn mà không có được cái nhìn sâu sắc, không nắm bắt được toàn bộ cục diện.
Ví dụ như, khi bạn giải một đề toán, bạn chỉ có thể nhìn thấy bước tiếp theo chứ không nhận thấy được hướng đi của cả bài.
Hoặc là, khi nghiên cứu một vấn đề, bạn chỉ có thể tập trung một cách hạn hẹp vào bản thân vấn đề, mà không phân tích những yếu tố, tác nhân xung quanh ảnh hưởng đến nó.
Hay là một ví dụ gần gũi nữa là khi đánh cờ chẳng hạn, tư duy nông là bạn chỉ nhìn thấy bước tiếp theo, chứ không nhìn thấy 3, 4 nước kế tiếp về sau.
Thử dành vài giây để nghĩ xem liệu bạn có đang tư duy nông không nhé !
Vậy nên, có thể nói, tư duy sâu là cách tư duy cao cấp hơn mà mọi người thường không nghĩ đến.
Tư duy sâu giúp chúng ta phân tích, tiếp cận vấn đề một cách sâu sắc hơn, đến gần hơn với bản chất thật sự của vấn đề.
Đọc thêm:
- Phương pháp rèn luyện trí não ra quyết định thông minh hơn
- 5 đặc điểm của người sở hữu trí thông minh Logic & Toán Học
#2. Lợi ích của tư duy sâu là gì?
Tư duy sâu chính là cách tư duy theo dạng chuỗi logic kéo dài. Chuỗi logic dài giúp chúng ta phân tích sâu và giải quyết vấn đề hiệu quả.
Xung quanh chúng ta, luôn có những người hoàn thành công việc rất nhanh và hiệu quả. Tại sao lại có sự khác biệt này?
Hay những học sinh, sinh viên có kết quả học tập xuất sắc là một ví dụ, họ học nhưng vẫn có thời gian dành cho các hoạt động vui chơi, giải trí và thời gian chăm sóc bản thân.
Theo những lý luận khoa học và nghiên cứu từ thực tiễn, trí tuệ không hẳn là nhân tố quyết định, mà chính là cách TƯ DUY.
Những người có khả năng TƯ DUY SÂU sẽ tận dụng, phát huy được toàn bộ khả năng của mình một cách tối ưu nhất và hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc.
Bạn cũng muốn trở nên xuất sắc như thế chứ? Vậy thì, hãy cùng phân tích xem phương pháp tư duy đó như thế nào mà lại lợi hại như thế nhé.
II. Phương pháp tư duy sâu
#1. Phương pháp 5 WHYs – Tìm ra nguyên nhân cốt lõi
Thông thường, mọi người chỉ có một chuỗi tư duy logic ngắn đối với hầu hết các vấn đề.
Vậy nên, 5 Whys là một phương pháp đơn giản nhưng vô cùng phù hợp để bạn tìm ra nguyên nhân cơ bản của vấn đề.
#2. Thế nào là phương pháp 5 WHYs?
Phương pháp 5 Whys là việc liên tục đặt câu hỏi “Tại sao ?” cho tới khi xác định được vấn đề.
Thông thường, với phương pháp 5 Whys thì nguyên nhân cơ bản của vấn đề sẽ được xác định sau 5 lần đặt câu hỏi “Tại sao ?”.
#3. Ví dụ về cách sử dụng phương pháp 5 Whys
Đặt ra một ví dụ đơn giản, giả sử như bạn bị điểm kém môn Toán, bạn cần tìm ra nguyên nhân thật sự để có thể khắc phục vấn đề này.
Câu hỏi 1 : Tại sao điểm môn Toán lại kém?
Vì không biết cách giải, giải không chính xác.
Câu hỏi 2 : Tại sao không biết giải, giải không chính xác?
Vì chưa hiểu cách giải những dạng bài tập như vậy.
Câu hỏi 3 : Tại sao không hiểu cách giải những dạng bài tập?
Vì không biết cách vận dụng các công thức.
Câu hỏi 4 : Tại sao không biết cách vận dụng các công thức?
Vì không hiểu được bản chất của các công thức.
Câu hỏi 5 : Tại sao không hiểu được bản chất của các công thức?
Vì chưa nghiên cứu kĩ và dành thời gian để suy ngẫm về nó.
=> Qua ví dụ trên, chúng ta đã xác định ra được nguyên nhân cơ bản của việc bị điểm kém là do chưa dành thời gian để có thể suy ngẫm và hiểu về các công thức.
Vậy nên, giải pháp cho vấn đề trên là dành thời gian để nghiên cứu bản chất công thức và cách sử dụng chúng.
#4. Tác dụng của tư duy sâu?
Như bạn vừa thấy ở ví dụ trên rồi đó, nếu sử dụng phương pháp tư duy hạn hẹp thông thường, chúng ta sẽ chỉ xác định được các nguyên nhân như không giải được bài tập.
Sau đó, chúng ta tiếp tục đi giải bài tập và vẫn sẽ mắc sai lầm là giải không được, hoặc giải không chính xác. Đó là một vòng lặp không hồi kết.
Khi dùng phương pháp 5 Whys, dù mất thời gian hơn một chút nhưng mà vấn đề sẽ được giải quyết hiệu quả hơn, sau này chúng ta sẽ không mắc lại những sai lầm cũ nữa.
#5. Ứng dụng của tư duy sâu?
Tùy vào tình hình thực tế và cụ thể tình huống, mức độ đơn giản hay phức tạp mà chúng ta điều chỉnh số lần hỏi sao cho phù hợp.
Có những tình huống chỉ cần hỏi 4 lần, nhưng cũng có vấn đề phức tạp phải dùng đến 6 hay 7 lần.
Vậy nên, bạn cần cân nhắc để áp dụng một cách linh hoạt, hiệu quả nhé. Không có cái gì là cố định một cách cứng nhắc được.
#6. Một số lưu ý khi sử dụng phương pháp 5 Whys
Khi đưa ra câu hỏi, bạn đừng đặt cảm xúc vào đó, mà hãy đưa ra những nghi vấn, nhìn nhận một cách khách quan để tìm ra được thông tin cho việc giải quyết vấn đề.
Về câu trả lời, bạn cần đưa ra những đáp án bản thân có thể kiểm soát, giải quyết được. Đừng đưa ra đáp án mang tính vĩ mô, quá lớn lao mà bản thân chúng ta vốn không thể nào thay đổi được nhé !
Bên cạnh đó, những câu hỏi có ý nghĩa mới có thể giúp chúng ta triển khai vấn đề hiệu quả. Chỉ cần tránh những câu hỏi vô nghĩa và bạn sẽ nhanh chóng giải quyết được vấn đề thôi !
III. Lời kết
Tóm lại, tư duy sâu và tư duy theo chuỗi logic giúp chúng ta giải quyết tối ưu nhiều vấn đề trong cuộc sống như học tập, công việc, đầu tư… nói chung là mọi mặt trong cuộc sống.
Bằng phương pháp 5 Whys, chúng ta có thể mở rộng hướng tư duy, có cái nhìn sâu sắc vào bản chất vấn đề. Từ đó, đưa ra được những đáp án chính xác để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Mong rằng những chia sẻ ở trên của mình về phương pháp 5 Whys sẽ hữu ích với bạn. Mình tin là bạn sẽ thấy dễ dàng hơn khi áp dụng nó để giải quyết những vấn đề trong cuộc sống đó. Cảm ơn bạn đã đọc hết bài viết. Chúc một ngày tốt lành !
CTV: Vũ Nam Phương – Blogchiasekienthuc.com
Bài viết hay và thiết thực quá, bên cạnh đó mình cũng góp ý. Chúng ta có thể áp dụng thêm cả tư duy phản biệt vào việc chúng ta tuy duy về một vấn đề nào đó. Giúp chúng ta có nhiều góc nhìn đa chiều hơn.
Đây là bài viết về tư duy phản biện của mình: https://youth.com.vn/posts/tu-duy-phan-bien-ky-nang-can-thiet-cho-sinh-vien