Chào các bạn, Python và Java có lẽ đang là những ngôn ngữ lập trình được nhiều người sử dụng nhất hiện nay.
Nếu như Python là ngôn ngữ lập trình đơn giản, linh hoạt thì Java lại là ngôn ngữ lập trình chặt chẽ và đôi khi khiến cho người mới học cảm thấy hơi khó tiếp cận.
Tất nhiên, việc so sánh hai ngôn ngữ lập trình và đưa ra kết luận là nên học ngôn ngữ lập trình nào sẽ không thực sự chính xác lắm, bởi nó hoàn toàn là ý kiến chủ quan của mỗi người.
Vì bản thân mỗi ngôn ngữ lập trình đều có những ưu điểm, cũng như nhược điểm riêng của nó.
Chúng ta khó có thể so sánh hết được, nhưng đôi khi chỉ cần dựa trên một số yếu tố mà chúng ta có thể đưa ra được lựa chọn phù hợp cho riêng mình.
Và ở trong bài viết này mình sẽ cùng các bạn điểm qua một vài nét khác biệt cở bản giữa Python và Java, để từ đó các bạn thấy được ngôn ngữ lập trình nào là phù hợp nhất với mình nhé.
Mục Lục Nội Dung
I. Một số điểm so sánh Java vs Python
Đọc thêm:
- Nên học ngôn ngữ lập trình nào để sau này dễ xin việc?
- Học một ngôn ngữ lập trình mới thế nào cho hiệu quả?
- Lập trình viên nên HỌC NHIỀU HƠN một ngôn ngữ lập trình?
#1. Mức độ phổ biến
Nếu các bạn để ý thì trong những năm trở lại đây, Python đang nổi lên như một ngôn ngữ lập trình đa năng, nó có thể ứng dụng được trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Đặc biệt là trong các lĩnh vực liên quan đến trí tuệ nhân tạo, xử lý ảnh… thì Python có rất nhiều thư viện hỗ trợ rất tốt các công việc này.
Ngược lại, Java tuy xét về mức độ phổ biến cũng không thua kém gì so với Python, nhưng trong những năm trở lại đây, các ứng dụng sử dụng Java đã có xu hướng giảm đi (đặc biệt là ở nước ngoài).
Tức là nếu xét về mức độ tăng trưởng và tốc độ phát triển thì Python rõ ràng đang vượt mặt Java trong những năm gần đây.
Mà chúng ta đều biết rằng, thị trường lao động cũng là một dạng thị trường hàng hóa, tức là khi có một công cụ mới, hay ho hơn, dễ học hơn và tăng trưởng nhanh hơn như Python thì mọi người sẽ tìm học nhiều hơn (đặc biệt là các bạn mới vào nghề).
Vậy nên, nếu xét về mức độ phổ biến thì mình nghĩ là trong tương lai gần, Python sẽ phổ biến hơn so với Java là điều chắc chắn.
Nhưng không phải cứ phổ biến, được nhiều người học là lương cho lập trình viên Python sẽ cao hơn Java đâu các bạn nhé. Cái này thì lát nữa mình sẽ nói sau !
#2. Về cú pháp
Java là ngôn ngữ lập trình hướng đối tượng sử dụng trình biên dịch, trong khi đó, Python thì ngược lại. Python là ngôn ngữ lập trình thông dịch và chỉ “hỗ trợ” hướng đối tượng chứ không phải là hướng đối tượng như Java.
Cú pháp của Python:
+ Cú pháp đơn giản (hạn chế tối đa các dấu ngoặc và các ký tự thừa), có thể nói giống như bạn đang sử dụng tiếng Anh vậy.
- Tác dụng: Chính sự đơn giản này giúp cho người mới học dễ tiếp cận hơn, không hay bị sai cú pháp như các ngôn ngữ lập trình khác.
- Hạn chế: Khi chuyển qua các ngôn ngữ lập trình khác (ví dụ như Java, C++) thì người học có thể sẽ cảm thấy không quen, thậm chí sẽ phải mất khá nhiều thời giản để làm quen.
Cú pháp của Java:
+ Trái ngược với sự đơn giản của Python thì cú pháp của Java khá là “chặt”. Nếu bạn chỉ cần sai hoặc thiếu một dấu chấm phẩy, hoặc dấu ngoặc là đã bị sai rồi.
- Tác dụng: Rèn cho người học sự chặt chẽ trong cấu trúc của ngôn ngữ lập trình để từ đó tiếp cận với các ngôn ngữ khác dễ hơn.
- Hạn chế: Khá là dài và đôi khi khiến người học khó chịu vì sự chặt chẽ của cú pháp.
#3. Hiệu năng
Hiệu năng cũng là một trong những yếu tố rất quan trọng để chúng ta quyết định xem nên chọn ngôn ngữ lập trình nào cho phù hợp.
Nếu so sánh Java với C++ hoặc Python với C++ thì chắc chắn về hiệu năng C++ sẽ “ăn đứt” hai ngôn ngữ lập trình này.
Tuy nhiên khi đặt Java và Python lên bàn cân thì chúng ta sẽ thấy:
+ Cả hai ngôn ngữ ngày đều được biên dịch hoặc thông dịch sang dạng mã máy thông qua máy ảo. Điều ngày có nghĩa là dù bạn dùng hệ điều hành nào (Windows, Linux hay MacOS) thì sẽ đều sẽ không ảnh hưởng.
+ Tuy nhiên, nếu xem xét thì Java là ngôn ngữ nhập tĩnh với cú pháp chặt chẽ. Chính vì vậy những lỗi cú pháp hầu như sẽ được loại bỏ trước khi chương trình được chạy (gọi là Runtime).
+ Ngược lại, Python là ngôn ngữ nhập động (tức là bạn sẽ khó phát hiện các lỗi cú pháp hơn). Chính điều đó khiến cho Java ở góc độ này có thể nhỉnh hơn Python một chút về hiệu năng biên dịch.
Tóm lại nếu xét về hiệu năng thì Java và Python không chênh lệch nhau quá nhiều. Nhưng do đặc điểm của Java với cú pháp “chặt” và bắt lỗi cú pháp rất kỹ nên khi biên dịch thì Java có thể sẽ nhanh hơn Python.
#4. Ứng dụng
Khi quyết định học một ngôn ngữ lập trình thì chắc chắn các bạn đều rất quan tâm đến việc ngôn ngữ lập trình đó có ứng dụng như thế nào đúng không.
Như mình đã đề cập bên trên thì trong những năm trở lại đây, có rất nhiều lĩnh vực mới được phát triển và phát triển rất nhanh, ví dụ như: Machine Learning, Computer Vision…
Trong khi đó, Python với cú pháp đơn giản, hiệu năng tương đối tốt, cộng với số lượng thư viện phong phú và đa dạng nên đã chiếm ưu thế hơn so với các ngôn ngữ lập trình khác.
Tuy nhiên, nói như vậy nhưng cũng không có nghĩa là Java không phải là không thể sử dụng được cho các mục đích liên quan đến Machine Learning hay Computer vision đâu nhé.
Điều duy nhất khiến Java bị hạn chế là do cú pháp khá dài và tương đối phức tạp. Nhưng chính điều đó lại khiến cho Java rất dễ dàng trong việc gỡ lỗi và phù hợp với các dự án lớn, có khả năng mở rộng.
#5. Lương ($$$)
Tiền lương có lẽ là yếu tố mà nhiều người quan tâm nhất phải không ạ 🙂
Một câu hỏi mà mình tin chắc có rất nhiều người thắc mắc đó là, nên học Python hay Java để có lương cao hơn?
Đây thực sự là một câu hỏi khó và nó chỉ mang tính tương đối, cũng như còn tùy thuộc vào công việc và vị trí cụ thể nữa.
Tập ứng dụng của Python và Java không giao nhau quá nhiều, nên rõ ràng việc so sánh sẽ khá là khó. Nhưng nếu các bạn để ý thị trường tuyển dụng thì có thể thấy, các bạn làm về lập trình Python thường có lương khởi điểm khá cao.
Tuy nhiên, nếu bạn làm về Java và thuộc loại “cứng” thì lương cũng không hề thấp đâu nhé, thậm chí còn cao hơn các bạn làm Python với cùng năm kinh nghiệm.
Nguyên nhân theo mình nghĩ nó xuất phát từ đặc thù công việc, cũng như tính chất của hai loại ngôn ngữ lập trình này.
Tìm một người trẻ nắm chắc Java là tương đối khó. Chính vì yêu cầu phải nắm chắc nên mức độ đáp ứng công việc của hai ngôn ngữ này là khác nhau, dẫn đến mức lương cũng khác nhau.
II. Nên học Python hay Java?
Như vậy, với 5 tiêu chính mà mình vừa nêu ra thì có lẽ các bạn đã có được cái nhìn tổng quát hơn về 2 ngôn ngữ lập trình này rồi đúng không.
Còn việc quyết định học Java hay Python là do bạn quyết định nhé 😀
Thực tế mà nói, cái quan trọng hơn cả vẫn là tư duy lập trình chứ không phải là ngôn ngữ lập trình. Học một ngôn ngữ sẽ không quá khó, nhưng biết dùng nó và vận dụng tốt được nó thì sẽ là một câu chuyện khác.
Dù là Java hay Python thì mình nghĩ, nếu có thể, các bạn hãy học cả hai.
Bạn hỏi để làm gì ư?
Đơn giản thôi ! Để các bạn tự biết được chúng có những ưu điểm và nhược điểm gì. Tự bạn khám phá sẽ cho ra kết quả chính xác nhất.
Khi nắm được nhiều ngôn ngữ khác nhau, các bạn có thể lựa chọn cho mình công nghệ phù hợp với dự án hơn, từ đó tối ưu được nhiều khía cạnh hơn.
Okay, hi vọng là bài viết này sẽ hữu ích với bạn. Hẹn gặp lại các bạn trong các bài viết tiếp theo nha !
CTV: Nguyễn Đức Cảnh – Blogchiasekienthuc.com
chào kiên. anh đang muốn tự học Python. Kiên có thể hướng dẫn nên tìm đọc các giao trinh – tuần tự như thế nào không. anh cảm ơn Kiên.
Hi bạn, bạn có thể tham khảo các khóa học về lập trình trên nền tảng Codecademy, đây là nền tảng chuyên về lập trình.
Bạn tham khảo nhé, trên này họ dạy rất bài bản: https://shop.blogchiasekienthuc.com/nang-cap-codecademy-pro-gia-re/