Sự phát triển quá nhanh của các thiết bị di động đã thôi thúc các công ty công nghệ phải thay đổi chính mình.
Họ phải làm thế nào đó để có thể tạo ra được các ứng dụng di động một cách nhanh chóng hơn, dễ dàng hơn và bảo mật hơn.
Mọi thứ bây giờ phải nhanh, gọn nhẹ, mượt mà và ổn định.. nhất có thể. Đó cũng chính là lý do Apple cho ra mắt ngôn ngữ Swift để thay thế cho ngôn ngữ Objective-C trước đó.
Mục Lục Nội Dung
#1. Ngôn ngữ Swift là gì?
Swift là một ngôn ngữ lập trình hướng đối tượng do Apple phát triển, mục đích chính vẫn là để phục vụ cho hệ sinh thái của họ (như là iOS, macOS, watchOS, tvOS, Linux và z/OS)
Apple bắt đầu làm việc với ngôn ngữ Swift vào năm 2010 và nó được phát hành lần đầu tiên vào năm 2014 (trong sự kiện WWDC thường niên).
Đến năm 2015, Swift đã chính thức trở thành mã nguồn mở. Bản thân Swift tuân theo các tính năng của ngôn ngữ lập trình hiện đại nên sẽ dễ học hơn.
Được phát triển bởi một công ty công nghệ lớn nhất thế giới, Swift được kỳ vọng là sẽ trở thành ngôn ngữ lập trình thống trị cho sự phát triển của hệ sinh thái Apple và nhiều hơn thế…
Swift được thiết kế tinh gọn hơn rất nhiều so với Objective-C. Và một điều quan trọng nữa là ngôn ngữ Swift tương thích hoàn toàn với Objective-C và bạn có thể sử dụng thay thế cho nhau trong cùng một dự án.
Trung bình một lệnh trên Objective-C cần tới 3 – 4 dòng code thì trên Swift, con số này có thể chỉ cần rút ngắn thành 1 dòng code mà thôi.
Như mình có đề cập ở trên, ban đầu thì Swift được Apple phát triển với hình thức độc quyền và có khá ít nhà phát triển có thể tiếp cận được chúng.
Nhưng sau đó, Apple quyết định thay đổi, biến nó trở thành một ngôn ngữ mã nguồn mở kể từ phiên bản 2.2 (vào năm 2015).
Kể từ đó, cộng đồng người sử dụng Swift tăng lên một cách nhanh chóng biến nó trở thành ngôn ngữ được rất nhiều lập trình viên yêu thích và tìm hiểu.
Việc này tạo đà cho sự phát triển của Swift cho đến ngày hôm nay.
#2. Ưu điểm của ngôn ngữ Swift
+) Swift giúp cho các lập trình viên viết ra ứng dụng được nhanh hơn.
Swift là một ngôn ngữ hiện đại với các câu lệnh được tinh giản và dễ hiểu nhưng lại có đầy đủ những gì mà Objective-C có.
Hay nói cách khác, nếu bạn đã có sẵn nền tảng Objective C rồi thì sẽ rất dễ dàng để chuyển qua Swift, còn nếu như bạn là người mới thì việc học ngôn ngữ Swift cũng trở nên đơn giản hơn.
Với việc các dòng code được sắp xếp một cách hợp lý và logic nên thời gian hoàn thành dự án của các lập trình viên cũng trở nên nhanh chóng hơn, dễ bảo trì và dễ fix lỗi hơn… => tiết kiệm chi phí.
Một số tính năng rất ưu việt của Swift đó là:
- Không có các biến không xác định.
- Không gặp lỗi array-out-of-bound.
- Không gặp lỗi tràn số nguyên
- Hỗ trợ quản lý bộ nhớ hoàn toàn tự động
Tốc độ thực thi của các đoạn code cực nhanh, theo Apple thì Swift nhanh gần gấp 3 lần Objective-C và nhanh hơn 8 lần so với Python.
Không những thế, với Swift thì các lập trình viên còn có thể viết được những đoạn code phức tạp hơn như: Generics, closures, tuples, multiple returns, iterators, các mẫu lập trình hàm có sẵn…
Tóm lại, điểm nhấn của ngôn ngữ Swift đó chính là tốc độ và hiệu suất.
+) Các ứng dụng viết bởi Swift cũng được tối ưu phần cứng tốt hơn, ít ngốn tài nguyên máy hơn.
Có lẽ cũng chính vì vậy mà các ứng dụng trong hệ sinh thái Apple luôn mượt mà là vậy.
+) So với Objective-C thì ứng dụng được viết ra bởi Swift có tính tương thích tốt và ít gây hao mòn phần cứng hơn.
+) Swift tương thích hoàn toàn với Objective-C và ngược lại, vậy nên các lập trình viên có thể lập trình ứng dụng bằng cả 2 ngôn ngữ này trong cùng 1 dự án.
Bạn có thể thêm các tính năng mới vào một dự án Objective-C hiện có, hoặc có thể sử dụng code của Objective-C cho một dự án Swift mới.
+) Chỉ cần học 1 ngôn ngữ (Swift) là bạn có thể lập trình ứng dụng cho cả 2 nền tảng đình đám hiện nay là iOS mac macOS.
+) Dễ dàng mở rộng tính năng cho Swift, điều này nghe có vẻ bình thường nhưng nó sẽ là cả một vấn đề đối với nhiều ngôn ngữ khác.
+) Ứng dụng được viết bằng Swift rất ít khi xảy ra hiện tượng tràn bộ nhớ, các câu lệnh thực thi trong thời gian thực (có preview) nên việc lập trình trở nên đơn giản hơn, chính xác hơn.
Điều này giúp các dev tiết kiệm thời gian, để họ có thêm thời gian để phát triển những tính năng cao cấp hơn thay vì phải chờ đợi câu lệnh thực hiện hay xử lý bộ nhớ.
+) Nếu xét về độ an toàn và bảo mật thì Swift nhỉnh hơn nhiều so với Objective C.
+) Swift là ngôn ngữ mã nguồn mở (open source) nên ai cũng có thể tiếp cận được một cách dễ dàng, cũng chính vì thế mà cộng đồng cũng đông đảo hơn.
+) Và một điều quan trọng nữa là Apple đang tập trung mạnh trong việc phát triển Swift, nên rõ ràng ngôn ngữ này sẽ rất triển vọng với các dev.
#3. Nhược điểm của ngôn ngữ Swift
Dưới đây là một vài nhược điểm “tạm thời”, những nhược điểm này sẽ sớm được giải quyết trong tương lai gần:
+) Tính tới thời điểm mình viết bài này thì Swift mới được 7+ tuổi, thực sự là vẫn còn rất non trẻ so với Objective C (được phát triển từ 1980).
Vậy nên cộng đồng hỗ trợ chưa thực sự nhiều, chắc phải mất vài năm nữa thì cộng đồng Swift mới thực sự lớn mạnh, có nhiều tài liệu hữu ích cho các dev..
+) Việc Swift được tích hợp nhiều frameworks mạnh mẽ là một ưu điểm rất lớn, tuy nhiên đó cũng lại là một nhược điểm không hề nhỏ.
Cụ thể là việc phát triển ứng dụng bằng ngôn ngữ Swift khá là nhanh, vậy nên kéo theo việc sẽ có nhiều ứng dụng “rác” hơn, những ứng dụng này chủ yếu được tạo ra bởi các lập trình viên mới vào nghề.
+) Hỗ trợ kém cho các phiên bản iOS cũ: Cụ thể là Swift chỉ tạo ra các ứng dụng chạy trên iOS 7 trở lên.
+) Khả năng tương thích ngược mỗi khi có phiên bản mới còn kém. Các nhà phát triển đôi khi bị buộc phải viết lại dự án hoàn toàn sau khi phiên bản mới của Swift được phát hành.
Mặc dù có Xcode hỗ trợ nâng cấp nhưng không phải lúc nào việc nâng cấp cũng được thuận lợi.
#4. Lời Kết
Với những nhược điểm tồn đọng thì ngay lúc này, Swift chưa thể trở thành một ngôn ngữ có “số má” ngay được.
Nhưng với những ưu điểm vượt trội như vậy thì mình tin chắc rằng trong tương lai gần, ngôn ngữ này sẽ xuất hiện nhiều hơn, sẽ ngày càng có nhiều ứng dụng được làm ra bởi ngôn ngữ này hơn.
Bằng chứng thực tế nhất là nhiều công ty công nghệ rất quan tâm đến ngôn ngữ này, ví dụ như Uber, Lyft, Fitbit, LinkedIn, Coursera, Pandora, Twitter, Vimeo và Groupon
Hi vọng rằng những nhược điểm của Swift sẽ được giải quyết sau mỗi bản phát hành mới.
Hi vọng là những thông tin về ngôn ngữ Swift ở trong bài viết này sẽ hữu ích với bạn. Đừng quên chia sẻ bài viết này nếu bạn thấy hữu ích nhé >.<
Đọc thêm:
- Nên học ngôn ngữ lập trình nào để sau này dễ xin việc?
- Tại sao ngôn ngữ lập trình Rust sẽ là tương lai của lập trình
- Lập trình viên nên HỌC NHIỀU HƠN một ngôn ngữ lập trình?
CTV: Lê Đinh Hoàng Vũ – Blogchiasekienthuc.com
Edit by Kiên Nguyễn