Hà Nội nổi tiếng không chỉ bởi là thủ đô của Việt Nam, mà đây còn là một nơi với nền ẩm thực vô cùng phong phú, hấp dẫn. Vậy nên, trong bài viết này mình sẽ đề cập đến TOP 10 món ăn vô cùng ngon và đặc sắc mà bạn nên thử khi đến với Hà Nội.
Mục Lục Nội Dung
#1. Bún đậu mắm tôm
Nhắc đến món ngon ở Hà Nội thì không thể không nhắc đến món bún đậu mắm tôm được. Với những nguyên liệu vô cùng đơn giản như: Bún lá, chả cốm, đậu hũ, thịt chân giò, lòng nướng, một số loại rau ăn kèm và các gia vị, đặc biệt là mắm tôm.
Chính vì có mắm tôm nên món này thường kén người ăn, nhưng nếu có thể ăn được mắm tôm thì chắc chắn bạn sẽ bị chinh phục bởi món bún đậu mắm tôm này.
Trước tiên, thịt chân giò được rửa sạch, sau đó dùng dây lạt hoặc dây chỉ cuộn chặt xung quang miếng chân giò đó và luộc qua cho sạch, rồi cho vào nồi nước khác để luộc chín cùng một chút muối.
Sau khi luộc, thịt được thái miếng mỏng. Đậu hũ được chiên vàng giòn các mặt. Chả cốm cũng được chiên vàng hai mặt rồi cắt nhỏ thành những miếng vừa ăn.
Nước chấm của bún đậu mắm tôm được pha chế từ mắm tôm cùng với nước cốt quất (miền Nam gọi là quả tắc), một chút đường, chút mì chính và một ít dầu ăn vừa rán đậu trước đó, rồi dùng đũa đánh cho hỗn hợp này sủi bọt thì cho ớt và tỏi bằm vào đảo đều.
// Mình thì thường thích mắm tôm được làm nóng lên, ăn giảm ngon hơn. Đó là cá nhân mình, và khi đi ăn mình cũng thường yêu cầu như vậy 🙂
Cuối cùng, các nguyên liệu được xếp vào một cái mẹt nhỏ, và bây giờ thì bạn đã bắt đầu thưởng thức được rồi đấy.
Thực sự là cách làm vô cùng đơn giản nhưng món ăn này hết sức hấp dẫn, bún ăn cùng với đậu chấm mắm tôm đã pha chế tạo nên một vị đậm đà, rất ngon miệng nếu bạn là người có thể ngửi và ăn được mắm tôm. Nói thôi đã thấy thèm rồi :)))
#2. Bún chả
Bún chả là một món ăn phải thưởng thức khi đến với Hà Nội, nếu không thì thật đáng tiếc các bạn ạ. Bún chả từng được cựu tổng thống Mỹ Barack Obama thưởng thức và hết lời khen ngợi vì vậy mùi vị của nó là không phải bàn cãi.
Nguyên liệu để làm ra món bún chả là thịt nạc vai, thịt ba chỉ, các loại rau sống, su hào, cà rốt, chanh, tỏi, ớt, hành khô, nước mắm, hạt nêm, đường, dầu hào, mật ong.
Thịt ba chỉ được tẩm ướp với hạt nêm, đường, nước mắm, dầu hào, dung dịch nước màu được chế biến theo công thức riêng, ít hành, tỏi băm nhỏ rồi trộn đều.
Có thể ướp cùng mật ong để miếng thịt thơm mà bắt mắt hơn. Thịt nạc vai được băm nhỏ hoặc xay rồi ướp giống như thịt ba chỉ rồi nặn thành viên nhỏ và nướng trên ngon lửa hồng cùng với thịt ba chỉ đến khi chín vàng hai mặt.
Phần quan trọng không thể thiếu của món bún chả là phần nước dùng được pha từ nước, đường, nước mắm và khuấy đều đến khi đường tan ra thì cho thêm nước cốt chanh, đường, tỏi băm, ớt và thêm vài lát su hào cùng cà rốt vào khuấy đều là hoàn thành món bún chả.
Khi ăn, thực khách có thể gắp bún rồi nhúng vào chén nước chấm và ăn kèm rau sống, thịt nướng.
Bạn cũng có thể thưởng thức theo cách khác, đó là bạn cho bún vào một bát riêng và trộn dần nước dùng cũng như thịt nướng vào để thưởng thức cùng nhiều loại rau xanh như xà lách, rau thơm, tía tô…
Hương vị của bún chả thực sự đậm đà, thơm nức mùi thịt nướng, nước dùng chua ngọt vừa vặn.. tạo nên một món ăn hoàn hảo, bạn nhất định phải thử khi đến với Thủ đô đấy nhé.
#3. Bún ốc
Bún ốc là một trong những món ăn sáng quen thuộc của những người sống và làm việc tại Hà Nội. Đây là một món ăn đơn giản nhưng đem lại một hương vị thơm ngon, hấp dẫn mọi thực khách khi thưởng thức dù chỉ là lần đầu.
Nguyên liệu để làm ra một tô bún ốc bao gồm ốc nhồi, xương heo, bún tươi, đậu phụ, cà chua, bột nghệ, chanh, ớt, hành tím băm, hành lá, ngò, rau tía tô, giấm bỗng, dầu ăn, các gia vị như tiêu, muối, đường, nước mắm và các loại rau ăn kèm.
Ốc được ướp với nước mắm, tiêu say, bột nghệ, và để khoảng 30 phút cho ngấm gia vị. Xương heo thì được ninh, hầm trong khoảng 30 phút với lửa vừa phải, trong khi hầm xương thì bọt phải liên tục được vớt ra để nước dùng trong và đẹp mắt hơn.
Tiếp đến là nấu bún ốc. Hành tím được phi thơm với dầu ăn, sau đó cho ốc và cà chua vào xào cho săn lại. Sau đó cho nước luộc ốc, nước hầm xương và nước giấm bỗng vào và đun sôi, nêm nếm cho vừa miệng rồi cho đậu hũ vào đun đến khi sôi thì lửa để lim dim cho tới lúc thưởng thức.
Khi ăn, bún được cho ra tô rồi chan nước cùng với ốc, đậu hũ, cà chua rồi rắc thêm chút hành lá. Bún ốc được ăn cùng với rau sông, giá sống kết hợp với các nguyên liệu có trong tô bún và phần nước dùng rất ngọt tạo nên một bữa sáng ngon miệng và tiện lợi cho mọi người.
#4. Bánh cuốn Thanh Trì
Bánh cuốn Thanh Trì là một món ăn nổi tiếng của Hà thành. Món ăn này rất được ưa chuộng bởi người dân địa phương, cũng như là các thực khách nội địa trong nước và các du khách nước ngoài khi đến với Thủ đô.
Bánh cuốn Thanh Trì với cách làm truyền thống, kĩ thuật có từ rất lâu mà những thế hệ trước để lại.
Nguyên liệu để làm bánh cuốn là gạo, bột năng, nước để xay gạo, muối, mộc nhĩ khô, dầu ăn, hành tây, hành khô, và các gia vị khác nhue đường, giấm, nước mắm, tiêu, ớt tươi.
Trước tiên, gạo được ngâm khoáng 4 – 5 giờ đồng hồ và xay nhuyễn bằng cối đá thành bột gạo. Phần bột gạo này được trộn với bột năng, chút mươi và nước.
Công đoạn quan trọng là tráng bánh, để tráng ra được bánh cuốn ngon đòi hỏi người thợ làm bánh cuốn phải có kinh nghiệm và sự chuẩn xác, tinh tế thì mới có thể làm ra được những lớp bánh cuốn mỏng, dẻo, dai.
Phần nhân bánh được làm từ mộc nhĩ khô, sau khi ngâm băm nhuyễn rồi xào với hành rồi co xào với thịt vai xay nhỏ và đã ướp gia vị.
Phần nhân của bánh cuốn có mùi vị thực sự hấp dẫn. Sau khi nhân cho vào lòng bánh thì bánh được cuốn lại và rắc lên trên một ít hành khô đã được phi vàng ươm trước đó.
Một phần cũng rất quan trọng đó là nước chấm. Nước chấm được pha từ nước ấm, đường, nước mắm ngon, tỏi ớt băm nhỏ, bột ớt tạo nên một nước chấm hoàn hảo cho món chính là bánh cuốn.
Khi ăn, bánh cuốn Thanh Trì thường ăn kèm rau thơm, rau mùi và chả quế, chấm với nước mắm chua ngọt dịu nhẹ, phần nhân thơm ngon cùng với hành khô đem lại cho thực khách một hương vị thơm ngon khó cưỡng.
#5. Bánh Tôm Hồ Tây
Bánh tôm Hồ Tây là một món ăn nổi tiếng, chinh phục được mọi thực khách dù là khó tính nhất. Với màu sắc bắt mắt, bánh tôm Hồ Tây nhanh chóng tạo ấn tượng với thực khách chỉ từ cái nhìn đầu tiên.
Bánh tôm Hồ Tây được làm từ những nguyên liệu rất quen thuộc như khoai lang, tôm, bột mì, bột gạo,…
Khoai lang gọt vỏ, rửa sạch và bào thành những sợi nhỏ rồi ngâm trong nước muối loãng khoảng 1 – 2 giờ đồng hồ, rồi để ráo. Tôm được cắt bỏ phần cạnh cứng và râu dài, rồi rửa thật sạch và ướp với bột tỏi, muối.
Phần bột bánh được làm bằng cách cho bột gạo, bột năng, bột hành, bột tỏi, bột nở, bột nghệ và một chút muối rồi trộn đều lên và thêm nước, tiếp tục khuấy đều đến khi thành một hỗn hợp đồng nhất, sền sệt.
Bánh tôm Hồ Tây được chiên trong một chiếc chảo lòng sâu, rồi chiên dầu ăn đến khi sôi già rồi cho bột bánh, khoai lang và tôm lên một chiếc muôi lớn và chiên ngập dầu đến khi vàng giòn, thơm phức là được.
Nước chấm được pha từ đường, nước cốt chanh, nước mắm, nước lọc, khuấy đều để đường tan hết rồi thêm ớt, tỏi băm.
Đu đủ được thái thành miếng nhỏ vừa ăn, trộn với giấm, muối, đường rồi cho phần đu đủ này vào bát nước chấm vừa làm là hoàn thành.
Bánh tôm Hồ Tây ăn cùng các loại rau sống, cắt bánh tôm thành những miếng nhỏ vừa ăn rồi cuộn vào trong rau sống và chấm nước chấm đậm đà tạo nên một vị ngon khó cưỡng.
Đến với Hà Nội thì các bạn hãy tìm ngay món bánh tôm Tây Hồ nhé, đảm bảo bạn sẽ bị chinh phục bởi món ăn tuyệt vời ngày đấy ◉◡◉
#6. Bánh mì sốt vang
Bánh mì sốt vang là món ăn rất quen thuộc với hầu hết chúng ta. Món này nổi bật với phần nước sốt vang được làm từ thịt bò thơm ngon, đậm đà, đặc biệt khi ăn cùng với bánh mì nướng giòn thì rất là hợp.
Thịt bò được ướp với rượu vang, bột quế, hạt nêm và bỏi tăm rồi trộn đều, bóp thật kĩ để thịt bò ngấm đều gia vị. Khi thịt bò đã ngấm gia vị thì đem xào lên cùng với tỏi băm, xào đến khi thịt bò săn lại.
Tiếp đến là nấu nước sốt vang thịt bò. Trước tiên là phi tỏi rồi cho phần cà chua đã xay cùng rượu vang vào đảo đều và đun sôi thì cho chút muối vào.
Tiếp đến, thịt bò xào và nước lọc được thêm vào và hầm cho thịt bò mềm ra, trong quá trình hầm, khoai tây và cà rốt cùng với hạt nêm, muối, đường, hành tây cũng được cho vào nồi. Hầm như vậy đến khi thịt bò nhừ là có thể thưởng thức.
Cách thưởng thức thì rất đơn giản. Bánh mì cắt thành miếng nhỏ và chấm vào bát nước sốt vang, bạn có thể gắp miếng thịt bò, miếng khoai tây, cà rốt rồi cắn một miếng thật to. Bạn sẽ cảm nhận được tất cả mùi vị của các nguyên liệu hòa quyện và tan trong miệng. Ngon tuyệt vời luôn các bạn ơi ☼.☼
#7. Chả cốm
Chả cốm là món ăn đặc trưng của miền Bắc cũng như của Hà Nội. Nguyên liệu làm ra món chả cốm bao gồm giò sống, thịt nạc xay, cốm, các loại gia vị như mắm, hạt tiêu, muối, hạt nêm, hành khô, dầu ăn, lá chuối hoặc lá sen.
Chả cốm được làm rất đơn giản, trước tiên cốm khô được rửa sạch, ngâm nước từ 10 – 15 phút rồi vớt ra để ráo.
Cốm, giò sống và thịt xay nhuyễn được trộn đều với hạt tiêu say, nước mắm và hành băm nhỏ cùng với chút dầu ăn rồi để ở ngăn mát tủ lạnh khoáng 30 phút để ngấm gia vị.
Hỗn hợp này được viên thành từng viên nhỏ và được quét một lớp dầu ăn lên bề mặt lá sen hoặc lá chuối rồi đặt viên chả cốm vừa làm lên trên.
Phần chả viên này được hấp khoảng 15 phút để hương vị và hương lá sen quyện vào nhau rồi chiên ngập dầu trong chảo, đến khi chả vàng ươm là hoàn thành.
Chả cốm có màu vàng rất bắt mắt, được chấm với nước mắm hay tương ớt tùy ý. Khi ăn, thực khách sẽ cảm nhận được hương vị thơm mát của cốm, lá sen và vị ngọt, đậm đà của lợn tạo nên một hương vị hấp dẫn, khó quên.
#8. Phở bò Hà Nội
Phở bò Hà Nội là một trong những món ngon nổi tiếng trên thế giới với cách làm truyền thống khá cầu kì.
Sườn và đuôi bò được rửa sạch, chặt miếng vừa ăn rồi ngâm với nước muối loãng khoảng 2 tiếng. Trong khi ngâm thịt bò thì hành khô, gừng, mía được nướng cùng hành tây trên lửa vừa cho chín thơm.
Thảo quả, hoa hồi, quế và hạt mùi được rang đến khi dậy mùi thơm. Thịt bò sau khi ngâm được đun sôi rồi hạ nhỏ lửa xuống, bỏ bớt nước luộc.
Tiếp đến là sườn, đuôi bò và thịt bò lại được đun sôi bằng lượt nước khác, lần này cho thêm các hương liệu đã sơ chế trước đó, hành hương, gừng, mía và rễ mùi vào nồi nước hầm, nêm thêm muối hoặc hạt nên và tiếp tục hầm. Đợi đến khi sườn và đuôi bò mềm, nêm nếm gia vị cho vừa là được.
Khi ăn, Phở sẽ được trụng qua nước sôi rồi cho ra tô và chan nước dùng vào. Phở bò Hà Nội thường được ăn kèm với một số loại rau sống, thêm chút chanh hay giấm, chút ớt. Mùi vị đặc trưng của tô phở bò Hà Nội là vị ngọt của nước dùng, của thịt bò và các hương liệu, mùi vị rất dễ chịu và dễ ăn.
#9. Bánh giò
Bánh giò là một món ăn dân dã được làm từ gạo tẻ, chiếm được cảm tình của hầu hết thực khách khi thưởng thức. Bánh giò thường được ăn vào buổi sáng vì rất tiện và hàm lượng dinh dưỡng cao.
Nguyên liệu làm ra bánh giò cũng rất đơn giản, chỉ cần bột gạo tẻ, thịt xay, mộc nhĩ, thêm vài lá chuối. Nhưng gạo tẻ phải là loại gạo tẻ không khô, không dẻo. Gạo được xay để làm thành phần vỏ bánh.
Trong công đoạn khuấy bánh, yêu cầu người làm phải có kinh nghiệm và sự tinh tế mới có thể tạo ra phần bột bánh đạt chuẩn.
Phần nhân được làm từ mộc nhĩ, nấm hương, hành khô băm nhuyễn, thịt nạc xay và các gia vị. Mộc nhĩ, nấm hương được ngâm vào nước ấm cho nở mềm, cắt bỏ phần gốc cứng rồi rửa sạch, băm nhuyễn.
Tiếp đến là trộn thêm hành khô băm nhuyễn, thịt nạc xay và các gia vị là hoàn thành phần nhân.
Bánh giò được gói bằng lá chuối thành hình tam giác và đem hấp trong nồi nước đã sôi khoảng 20 phút. Thế là đã hoàn thành món bánh giò.
Cách thưởng thức rất đơn giản, chỉ cần bóc bớt lớp vỏ lá bên ngoài rồi ăn trực tiếp bánh giò luôn, thường ăn cùng với chả lụa.
Lớp bên ngoài thì mềm mềm, bên trong thì giòn ngon tạo nên một món ăn sáng tiện lợi mà vẫn đảm bảo đủ năng lượng cho một ngày hoạt động.
#10. Bún riêu cua
Bún riêu cua là một món ăn truyền thống của người dân Việt Nam và được biết đến rộng rãi trong nước và quốc tế. Bún riêu cua rất thích hợp ăn vào mùa hè, rất mát.
Nguyên liệu làm Bún riêu cua gồm cua đồng, xương ống, bún, cà chua, hành khô, giấm bỗng, hành lá, hành khô, các loại rau sông như rau diếp, rau mùi, kinh giới, rau răm, mắm tôm và các loại gia vị: mắm, muối, ớt khô.
Trước tiên, hành khô được chưng chín với hành khô phi vàng. Tiếp theo là đun nước cua, vừa đun vừa khuấy nhẹ dưới đáy nồi đến khi gạch cua nổi lên và đóng tảng thì với nhẹ ra để riêng.
Nước được cho thêm vào và đun thêm một lúc thì thêm nước mắm, muối, bột ngọt, giấm bỗng sao cho vừa miệng. Gạch cua để riêng được xào với hành phi thơm đến khi sền sệt là được. Cà chua, ớt cũng được xào riêng với hành phi là căn bản hoàn thành món ăn.
Khi ăn, bún được chần qua rồi cho vào tô, thêm các nguyên liệu đã chế biến vào và chan nước dùng lên, thêm hành lá, có thể vắt thêm chút nước chanh nếu muốn.
Bún riêu cua có vị chua thanh đặc trưng, rất thích hợp để thưởng thức vào những ngày hè oi ả. Nếu bạn là một người yêu ẩm thực thì hãy thưởng thức ngay món bún riêu cua này nhé. Đảm bảo sẽ làm bạn ngất ngây đấy ᵔᴥᵔ
Đọc thêm:
- TOP 10 món ăn đặc sản của vùng Tây Bắc, ngon xuất sắc
- TOP 10 món ăn đường phố cực ngon ở Việt Nam mà bạn nên thử !
#11. Lời kết
Vâng, trên đây là TOP 10 món ăn ngon mà các bạn nên thử khi đến với Hà Nội để cảm nhận về ẩm thực của vùng đất Hà thành. Nếu bạn thấy bài viết này hay và có ích thù đừng quên vote 5 sao cho bài viết và comment xem bạn thích nhất món ăn nào ở Hà Nội nhé !
CTV: Đào Nguyễn – Blogchiasekienthuc.com
Chào bạn.
Mình thích món #1, #2, #5, #7 và món #8. Thèm thèm thèm.