4 bước đơn giản giúp cha mẹ cai điện thoại cho con thành công

Xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống ngày càng văn minh và hiện đại hơn. Mỗi ngày lại có thêm nhiều điều mới mẻ, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Việt Nam chúng ta là một trong những nước có ngành công nghệ thông tin phát triển so với thế giới. Nhưng cái gì cũng có hai mặt của nó, đi đôi với những ưu điểm không thể phủ nhận thì những bất cập mà lĩnh vực công nghệ số đem lại cũng không phải là ít.

cai-dien-thoai-cho-tre (2)

Đặc biệt là tình trạng lạm dụng điện thoại di động ở trẻ nhỏ đang là vấn đề đáng báo động khiến cho nhiều bậc phụ huynh phải lo lắng, và tìm mọi cách để CAI NGHIỆN ĐIỆN THOẠI cho con em mình.

Là một người mẹ và hiểu được nỗi lo của đông đảo phụ huynh thì hôm nay, tôi sẽ chia sẻ với quý zị và các bạn 4 bước đơn giản để cha mẹ có thể “cai nghiện điện thoại” cho con thành công. Hi vọng là nó sẽ giúp ích được cho các bạn trong quá trình nuôi dạy con trẻ được tốt hơn !

#1. Cha mẹ hãy là tấm gương và bỏ điện thoại xuống

Không chỉ có trẻ nhỏ mới thích xem điện thoại thôi đâu, cha mẹ cũng thế đấy ! Lúc nào cũng ôm khư khư cái điện thoại bên mình, chỉ cần có thời gian là lại ngồi vuốt vuốt chiếc điện thoại – không ngớt.

Tôi biết có những gia đình, buổi tối mỗi người giơ một chiếc điện thoại di động trước mặt, chẳng ai nói với ai câu nào, chỉ chăm chú vào điện thoại.

Thử hỏi cha mẹ mà còn làm như vậy thì nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe và tâm lý của cả gia đình, sự quan tâm, yêu thương đâu còn nữa, thay vào đó là sự vô tâm và thiếu cảm xúc mà thôi.

cai-dien-thoai-cho-tre (1)

Khi cha mẹ để con tiếp xúc với điện thoại di động quá nhiều sẽ dẫn đến tình trạng trẻ em ngại giao tiếp hoặc không có hứng thú giao tiếp với những người xung quanh.

Con chỉ quan tâm đến những trò chơi vô bổ, không tập trung vào việc gì cả, thiếu khả năng sáng tạo, giảm sự tập trung trí não, thị lực kém và phản ứng rất chậm chạp.

Vâng, và khi mọi việc đã xảy ra quá thường xuyên, con trẻ đã hình thành nên một thói quen xấu thì bố mẹ mới cuống cuồng lo lắng đi tìm mọi cách để ngăn cản con không được phép sử dụng điện thoại nữa.

Vậy một câu hỏi đặt ra là liệu con trẻ có bỏ điện thoại được không khi cha mẹ nó cũng suốt ngày khư khư cái điện thoại trước mặt?

Bạn cũng biết câu trả lời rồi đó, trẻ sẽ phản ứng dữ dội đòi xem hoặc tìm mọi cách để xem trộm, khi đó sẽ nảy sinh thêm những hành động thiếu kiểm soát như: lấy trộm điện thoại hoặc tìm cách lấy trộm tiền để mua điện thoại di động cho riêng mình.

Trên thực tế, có rất nhiều trẻ tự ý mua điện thoại về chơi hoặc cá biệt có những trường hợp lấy trộm tiền của cha mẹ để mua điện thoại cho riêng mình và mua cho cả bạn bè để có người chơi game cùng.

Những trẻ nghiện điện thoại thường học hành chểnh mảng, đầu óc luôn nghĩ đến việc sử dụng điện thoại để chơi thích hơn là học, xem thường lời dạy của cha mẹ và thầy cô.

Lúc này cha mẹ đừng chỉ biết trách mắng con, mà hãy xem lại chính mình và suy nghĩ lại xem mình đã thực sự là tấm gương cho con noi theo hay chưa?

Bố mẹ hãy bỏ điện thoại xuống, cùng con trò chuyện, vui chơi, giúp con học bài và rèn luyện cho con kỹ năng sống để con có thể tự tin khám phá cuộc sống muôn màu.

Khi có thời gian rảnh rỗi, cha mẹ có thể chơi cùng con những trò chơi dân gian mang đậm bản sắc dân tộc, có thể vẽ tranh gia đình giúp con cảm nhận được sự gắn kết giữa những người thân ruột thịt, hay cùng con ghép những mảnh ghép của một bức tranh, nhằm phát triển tư duy cho con….

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần tìm hiểu xem con yêu thích lĩnh vực nào nhất, chọn mua những cuốn sách hay, mang tính giáo dục sâu sắc để con đọc và học những điều bổ ích.

#2. Từng bước đưa ra những quy tắc với con

Khi trẻ muốn sử dụng điện thoại di động, chúng sẽ tìm mọi cách để được sử dụng. Lúc này, thay vì cấm tuyệt đối, cha mẹ nên đưa ra những quy tắc đối với con.

cai-dien-thoai-cho-tre (3)

Một ngày chỉ được sử dụng điện thoại vào thời điểm nào?  Trong vòng bao nhiêu phút?  Để từ đó con sẽ nỗ lực cố gắng hơn trong mọi việc và coi việc sử dụng điện thoại như là một phần thưởng dành cho mình.

Khi trẻ thực hiện được những quy tắc mà bố mẹ đưa ra thì chứng tỏ con đã biết nghe lời, biết giữ đúng lời hứa và sống trung thực. Lúc này, bố mẹ nên động viên về sự tiến bộ của con.

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên trò chuyện về tác hại của việc sử dụng điện thoại di động quá nhiều dẫn đến hậu quả như trầm cảm, tăng động, học yếu, mắt kém, cận thị… Từ đó, con hiểu được và dần tránh xa điện thoại.

Có nhiều phụ huynh kiên quyết không cho con động vào điện thoại vì sợ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của con, để con tập trung vào việc học.

Nhưng cuối cùng kết quả vẫn không cao, con cũng không ngoan và chúng có nhiều cách chống đối như trốn học đi đánh điện tử hoặc sang nhà bạn để được xem điện thoại… Vâng, đó là những tác dụng ngược của việc cấm đoán quá mức !

Vậy trước khi đưa ra những quy tắc với con, cha mẹ cần cân nhắc thật kỹ những quy tắc đó có thực sự phù hợp với con mình hay không, có tác dụng giáo dục hay không để dạy dỗ con ngoan ngoãn và biết vâng lời.

#3. Giao tiếp với trẻ nhiều hơn và đưa trẻ đi khám phá thế giới

Trước kia, ngoài thời gian đến trường để học, trẻ còn được tự do vui chơi với những trò chơi dân gian như đuổi bắt, đá cầu, bắn bi, trốn tìm… vừa rèn luyện sức khỏe vừa giúp trẻ giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi và có một tuổi thơ thật đẹp.

cai-dien-thoai-cho-tre (4)

Nhưng gần đây, do lịch học ngày càng dày đặc, cuộc sống hiện đại với nhiều thông tin trên mạng, trẻ dần xa rời những trò chơi và hoạt động tập thể.

Đi học về là ôm khư khư cái máy tính, điện thoại, không quan tâm gì đến thế giới xung quanh, dần đánh mất đi tuổi thơ và có quan điểm sống lập dị, ích kỷ.

Cha mẹ cần giao tiếp với con nhiều hơn, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của con và định hướng cho con, giúp con vững vàng hơn trong cuộc sống.

Cha mẹ cần đồng hành cùng con, tạo điều kiện đưa con đi tham quan, du lịch, trải nghiệm, khám phá cuộc sống xung quanh. Làm được điều đó là cha mẹ đã giúp con dần quên đi và tránh xa được điện thoại rồi đó.

Một phương pháp hữu hiệu giúp con tránh xa điện thoại đó là cha mẹ nên tạo điều kiện tốt để cho con tham gia một môn thể thao nào đó như đá bóng, bóng bàn, cầu lông, cờ vua…

Bố mẹ cũng có thể động viên con tham gia vào lớp học võ, lớp rèn luyện kỹ năng sống hay lớp học đàn, hát, vẽ tranh… Khi con có niềm đam mê về một bộ môn nào đó, con sẽ dễ dàng cai được điện thoại.

#4. Cha mẹ giữ đúng lời hứa và thiết lập một hình ảnh tích cực

Trẻ con thường nhớ rất lâu, đặc biệt là những lời hứa của người lớn. Niềm tin của con vào cha mẹ mình là vô cùng lớn, đừng hứa hươu hứa vượn với con mà tội nghiệp nó.

Nhiều đứa trẻ sẽ rất buồn khi cha mẹ nó không giữ đúng lời hứa, từ đó bé mất dần niềm tin vào cuộc sống. Và chúng sẽ không tin tưởng vào những lời hứa sau này của bố mẹ nữa.

cai-dien-thoai-cho-tre (5)

Có những đứa trẻ mạnh mẽ, khi cha mẹ không giữ lời hứa nó sẽ phản ứng lại bằng những hành động quyết liệt. Hôm vừa rồi, tôi đọc được một bài báo nước ngoài nói về một vụ tai nạn xe hơi.

Mặc dù không gây thiệt hại về người nhưng cũng là một hồi chuông cảnh báo cho các bậc phụ huynh cần phải giữ đúng lời hứa. Trường hợp bất khả kháng thì phải giải thích cho con hiểu được, vì sao cha mẹ chưa thực hiện được lời hứa đó.

Bài báo viết về một gia đình sống ở thành phố nọ, đã từng hứa với hai cô con gái 8 tuổi và 5 tuổi của mình rằng nghỉ hè sẽ đưa con đi tắm biển cách xa nhà 1600 km.

Vì dịch COVID đang diễn ra trên toàn thế giới nên bố mẹ chúng chưa thể thực hiện được. Thay bằng việc chờ đợi, trong lúc bố mẹ ngủ say, 3 giờ sáng cô chị lái xe đưa cô em đi biển – nơi mà hai chị em đều mơ ước.

Xe chỉ mới đi được 16 km đã gây tai nạn. Cảnh sát rất bất ngờ khi biết người vừa gây tai nạn là cô bé 8 tuổi. Khi cảnh sát đến nhà gọi cửa cha mẹ mới biết hai con đã tự lái xe ra khỏi nhà từ 3 giờ sáng.

Lời khuyên cho cha mẹ là phải luôn giữ đúng lời hứa của mình, đừng có hứa suông, khi đã hứa thì không nên thất hứa. Vì trẻ con rất nhớ và rất trọng lời hứa.

Đừng hứa với con tùy tiện, khi đã hứa thì cần phải thực hiện, điều này sẽ giúp trẻ tin tưởng vào bố mẹ mình hơn, hình ảnh cha mẹ trong mắt bọn trẻ được đánh giá cao hơn.

Cha mẹ hãy là người luôn đồng hành cùng con, biết yêu thương và thấu hiểu con, đừng vì chiếc điện thoại di động mà ảnh hưởng đến tương lai của con sau này.

Trên đây là những cách mà tôi thấy rất hiệu quả để giúp cha mẹ cai điện thoại cho con em mình.

Tôi hi vọng sau khi đọc được bài viết này, các bạn sẽ tìm thấy những điều bổ ích, có thêm kinh nghiệm quý báu để dạy dỗ con nên người. Xin chào và hẹn gặp lại các bạn trong những bài viết thú vị tiếp theo !

CTV (Giáo Viên) – Hoàng Thanh Tân – Blogchiasekienthuc.com

Bài viết đạt: 5/5 sao - (Có 2 lượt đánh giá)
Note: Bài viết này hữu ích với bạn chứ? Đừng quên đánh giá bài viết, like và chia sẻ cho bạn bè và người thân của bạn nhé !

Administrator: Kiên Nguyễn

Có một câu nói của người Nhật mà mình rất thích đó là " Người khác làm được thì mình cũng làm được ". Chính vì thế mà hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn ! Nếu như bạn đang gặp khó khăn và cần sự trợ giúp thì hãy comment phía bên dưới mỗi bài viết để nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng Blog Chia Sẻ Kiến Thức nhé.

Một vài lưu ý trước khi comment :

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *
Tất cả các comment của các bạn sẽ được giải đáp trong vòng 48h !
Không được sử dụng từ khóa trong ô 'Name', bạn hãy dùng tên thật hoặc Nickname của bạn !
Không dẫn link sang trang web/blog khác. Xem quy định comment tại đây. Thank All!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Shop