Active Recall và Spaced Repetition: Phương pháp ghi nhớ hiệu quả

Mỗi khi nhắc đến việc học ở lứa tuổi học sinh/ sinh viên thì chúng ta không thể không nhắc đến chuyện thi cử được và đây cũng là lúc mà mọi người trăn trở nhất về việc học như thế nào để đạt được hiệu quả cao đúng không nè?

Bản thân mình cũng đã từng thử qua nhiều phương pháp, cũng như hình thức học tập khác nhau.

Vẫn biết là mỗi người sẽ phù hợp với những phương pháp nhất định, nhưng mình tin là nếu bạn có thể kết hợp được cả hai phương pháp Active Recall và Spaced Repetition thì hiệu quả học tập của bạn sẽ được nâng cao đáng kể luôn đó. ^^

Bởi vì đây là hai phương pháp đã được khoa học công nhận, cũng như thông qua trải nghiệm thực tế thì bản thân mình thấy nó thật sự hiệu quả, vậy nên mình rất muốn chia sẻ về hai phương pháp ôn thi này đến các bạn.

Nhưng trước tiên, cần phải hiểu Active Recall và Spaced Repetition là gì trước đã !

I. Active Recall (chủ động gợi nhớ)

active-recall-va-spaced-repetition-la-gi (1)

Như bạn đã thấy, ở tiêu đề thì Active Recall hay còn gọi là Chủ động gợi nhớ.

Vâng, qua cái tên thôi thì bạn cũng phần nào đoán được tính chất của phương pháp này rồi ha.

Active Recall là việc chúng ta thực hiện truy xuất những thông tin mà chúng ta đã tiếp nhận được từ bộ nhớ một cách chủ động, có chủ đích, giống như việc bạn chủ động tìm một thứ gì đó và lấy nó ra vậy.

Thông thường, đối với việc học thuộc hay ghi nhớ các kiến thức, chúng ta thường nghĩ là chỉ cần ôn qua và đọc lại trước khi thi là đã ghi nhớ, nhưng sự thực là nó không hiệu quả đến vậy.

Lý do nó không hiệu quả là vì chúng ta thường đọc lại một cách thụ động, không tiêu tốn nhiều năng lượng để não hoạt động và thường kiến thức cũng sẽ không đọng lại được lâu.

Tuy nhiên, với phương pháp Active Recall thì khác, đã có nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng nó thật sự hiệu quả hơn so với việc chỉ đọc lại bài nhiều lần.

Bên cạnh đó, phương pháp này không chỉ giúp bạn lưu trữ và ghi nhớ thông tin lâu hơn, mà nó còn khiến các kết nối trong não chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn.

Như các bạn thấy đó, đây là một phương pháp có rất nhiều lợi ích về tính hiệu quả của nó, tuy nhiên, mọi người thường không thực hiện là vì việc làm này có vẻ khó hơn cách học truyền thống, hay nói cách khác là tốn nhiều sức lực hơn để thực hiện.

Vậy nên chúng ta thường thấy lười hơn khi phải sử dụng phương pháp này thay vì đọc lại bài.

Nhưng mà bạn hãy hình dung việc này giống như việc tập tạ cho các “cơ bắp” của não bộ vậy đó, bạn không thể chỉ mãi nâng tạ nhẹ để thấy thoải mái được, vì chúng không thể khiến bạn tiến bộ được nhiều.

Nhưng nếu bạn thử thách bản thân với tạ nặng hơn thì bạn sẽ thấy bản thân mình cần phải cố gắng hơn, từ đó chúng ta có thể kiểm tra sức bền của mình cũng như khiến các cơ bắp phát triển nhanh hơn.

Tương tự như thế, nếu bạn thử thách não bằng cách chủ động gợi nhớ, truy xuất thông tin thì não bộ của bạn cũng được rèn luyện để bền bỉ hơn và hoạt động mạnh mẽ hơn, từ đó dễ dàng hơn trong việc lưu trữ thông tin và nhớ lại chúng trong tương lai.

II. Spaced Repetition (lặp lại ngắt quãng)

active-recall-va-spaced-repetition-la-gi (1)

Đây là phương pháp dùng để gợi nhớ lại kiến thức bằng cách lên kế hoạch cho việc ôn lại bài vào những khoảng thời gian nhất định, ngắt quãng.

Phương pháp này dựa trên nghiên cứu về Đường cong lãng quên (The forgetting curve), cho thấy rằng khi mới học thì chúng ta ghi nhớ kiến thức rất rõ ràng, nhưng sau thời gian càng dài thì kiến thức càng phai mờ đi nhiều hơn.

Và đó là lý do mà Spaced Repetition là một phương pháp lý tưởng để tận dụng đường cong lãng quên này để ghi nhớ kiến thức lâu dài, hiệu quả hơn.

Spaced Repetition sử dụng chiến lược lặp lại các kiến thức một cách ngắt quãng vào các khoảng thời gian nhất định, đó là những lúc mà chúng ta bắt đầu quên một chút thì sẽ ôn lại ngay, và cứ thế lặp lại để kiến thức được khắc sâu hơn sau mỗi lần ôn lại.

Bằng việc giãn cách thời gian và lặp lại các kiến thức, chúng ta đã cho não thời gian nghỉ ngơi, lưu trữ các dữ liệu, rồi sau đó lại tiến hành gợi nhớ một cách chủ động, khiến não phải sử dụng nhiều năng lượng để hoạt động nên sẽ đem lại hiệu quả cao rất cao.

Ví dụ như trong quá trình ôn thi, bạn có thể ôn chương 1 vào ngày 1, chương 2 vào ngày 2, sau đó vào ngày 3 bạn sẽ ôn lại chương 1 trước khi học tiếp chương 3, rồi ngày 4 ôn chương 2 trước khi học tiếp chương 4 chẳng hạn…

Việc lặp lại ngắt quãng các kiến thức trong nhiều ngày hay nhiều tuần, hay thậm chí là trong cùng một ngày cũng đều có tác động tích cực đến việc ghi nhớ kiến thức và nâng cao hiệu quả học tập của bạn hơn nhiều đó.

=> Từ những điều trên thì có thể kết luận được ngay, để đạt được hiệu quả tốt nhất thì chúng ta nên kết hợp cả 2 phương pháp Active Recall và Spaced Repetition. Còn cụ thể hơn về cách thực hiện và kết hợp nó ra sao thì bạn đọc tiếp phần bên dưới nhé. ^^

III. Cách thực hiện và áp dụng phương pháp Active Recall và Spaced Repetition

Dưới đây là một số cách mình thấy rất hiệu quả để áp dụng phương pháp học Active Recall và Spaced Repetition, bạn hãy thử và tìm ra phương pháp phù hợp nhất cho bản thân mình nhé.

active-recall-va-spaced-repetition-la-gi (3)

#1. Sử dụng Flashcard

Đây là cách được sử dụng nhiều nhất trong việc áp dụng hai phương pháp trên.

Đơn giản là bạn hãy viết một kiến thức, một chủ đề, hay một câu hỏi nào đó vào mặt trước của tờ giấy, rồi ghi phần đáp án, giải thích (nếu cần),… ở mặt sau.

Bạn có thể chọn lọc các kiến thức và các phần mà bạn thấy phù hợp, cần thiết để ghi lên flashcard, tương tự ở mặt đáp án bạn cũng có thể ghi bất cứ ý nào bạn thấy muốn ghi nhớ nó, ngoài ra thì bạn có thể bổ sung thêm các ví dụ hay thông tin nào đó mà bạn thấy cần chẳng hạn.

Và thông qua flashcard, bạn đã có thể áp dụng phương pháp Active Recall để thử thách bản thân phải gợi nhớ kiến thức trước khi xem đáp án.

Dành cho bạn nào chưa biết thì Flashcard (hay flash card) là loại thẻ mang thông tin ở cả 2 mặt( chữ, số, hoặc cả chữ và số), được sử dụng cho việc học bài, ghi nhớ….

Bên cạnh đó, bạn nên kết hợp với phương pháp Spaced Repetition bằng việc đề ra những thời gian mình sẽ ôn lại chúng. Ví dụ như sau 1 ngày, 3 ngày, 5 ngày, 7 ngày chẳng hạn.

Bạn có thể đề ra khoảng thời gian ôn lại kéo dài hay ngắn, tùy thuộc vào mức độ quan trọng của kiến thức, cũng như cái nào khó và rất cần thiết thì bạn nên dành nhiều thời gian để ôn kĩ và ôn nhiều lần hơn.

Với cách này thì bạn có thể viết và tự làm flashcard bằng giấy, hoặc sử dụng Anki, theo mình thấy thì Anki là một cách mà hầu hết mọi người sử dụng khi dùng flashcard.

#2. Mindmap (Sơ đồ tư duy)

active-recall-va-spaced-repetition-la-gi (2)

Nghe tới sơ đồ tư duy thì có thể nhiều bạn sẽ thấy lười và tốn thời gian đúng không nè :))

Bản thân mình nhiều lúc cũng lười hoặc ôn sát giờ quá nên không muốn bỏ thời gian ra để làm sơ đồ tư duy. Tuy nhiên, với những lần mình đã thử thì mình công nhận là nó hiệu quả thực sự.

Khi vẽ sơ đồ tư duy, bạn có thể hệ thống, sắp xếp và liên kết các kiến thức lại với nhau, khiến bạn dễ dàng bao quát hơn và cũng dễ hình dung mọi thứ hơn.

Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao thì chúng ta nên tự ghi nhớ rồi vẽ lại bằng những gì mình nhớ được thay vì nhìn vào sách vở, qua đó tạo cơ hội cho não bạn phải hoạt động để nhớ lại và liên kết các thông tin lại với nhau.

Sau khi bạn đã vẽ xong có thể mở sách vở ra để check lại nội dung, rồi tiến hành lên kế hoạch cho việc ôn tập theo phương pháp Spaced Repetition.

Đối với những kiến thức phức tạp, nhiều thông tin thì mình thấy cách này rất phù hợp, ngoài ra thì bạn cũng có thể sử dụng để tóm tắt theo chương, ví dụ như mỗi chương là một sơ đồ tư duy chẳng hạn.

#3. Nhẩm lại các kiến thức thành lời

active-recall-va-spaced-repetition-la-gi (4)

Với những kiến thức vừa ôn xong, bạn có thể thử diễn đạt chúng thành lời nói và tưởng tượng giống như kiểu bạn đang thuyết trình vậy đó.

Việc này sẽ giúp bạn sắp xếp, cũng như hệ thống lại các kiến thức và trình bày chúng một cách rõ ràng hơn, logic hơn và là một cách thú vị để thực hiện Active Recall nữa nè. ^^                             

#4. Đặt câu hỏi và viết ra câu trả lời

Với cách làm này thì bạn có thể tự tạo một bộ câu hỏi về các kiến thức vừa học, sau đó chọn ngẫu nhiên một câu bất kì rồi ghi đáp án ra giấy.

Bạn có thể tự tạo bộ câu hỏi bằng cách viết ra giấy, sau đó gấp lại và bốc thăm ngẫu nhiên, hay là bạn cũng có thể sử dụng các câu hỏi từ tài liệu, trên mạng mà bạn tìm được và trả lời chúng.

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể nhờ bạn bè đặt câu hỏi để trả lời, sau đó bạn sẽ đặt câu hỏi lại cho bạn mình, đây cũng là một cách ôn bài chung mà mình thấy khá hiệu quả.

Tất nhiên là bạn không nên biết trước câu hỏi hay chuẩn bị câu trả lời trước, mà nên tạo sự bất ngờ và cố gắng trả lời dựa trên các kiến thức đã ôn tập nhé.

active-recall-va-spaced-repetition-la-gi (2)

Và sau khi trả lời, bạn nên xem và kiểm tra lại đáp án để biết những phần nào mình cần xem lại thêm, rồi tiếp tục kết hợp cùng phương pháp Spaced Repetition để ôn tập hiệu quả hơn.

Tóm lại, ở trên là những phương pháp mình thấy rất hiệu quả và bản thân mình cũng đã sử dụng qua. Mình nghĩ mỗi người sẽ phù hợp với những phương pháp nhất định, vậy nên bạn cứ thử  đi rồi sẽ biết bạn phù hợp với cách nào nhất nhé 😀

À, một điều nữa mà mình nghĩ rất quan trọng đó là chúng ta nên có kế hoạch học tập rõ ràng, đặc biệt là trong khoảng thời gian ôn thi, từ đó chúng ta có thể phân bổ thời gian ôn tập và áp dụng hiệu quả các phương pháp này, cũng như tránh để tình trạng ôn thi sát giờ rồi dẫn đến căng thẳng dẫn đến kết quả không như mong đợi nha.

IV. Lời kết

Trên đây là những thông tin quan trọng về hai phương pháp học tập Active Recall và Spaced Repetition mà mình muốn chia sẻ đến các bạn, bên cạnh đó là những cách thực hiện các phương pháp này để việc ôn tập kiến thức đạt hiệu quả tốt nhất.

Thời điểm mình viết bài viết này cũng là gần thi cuối kì, nên mình nghĩ hai phương pháp này sẽ là trợ thủ đắc lực cho khoảng thời gian ôn thi của các bạn đó 🙂 và đây cũng là cách rất hiệu quả để ghi nhớ những gì mà bạn muốn !

Hi vọng là bài viết này đã mang lại cho bạn những thông tin hữu ích. Cuối cùng, mình cảm ơn bạn đã đọc đến đây nhé. Chúc bạn một ngày tốt lành !

Đọc thêm:

CTV: Vũ Nam Phương – Blogchiasekienthuc.com

Bài viết đạt: 5/5 sao - (Có 2 lượt đánh giá)
Note: Bài viết này hữu ích với bạn chứ? Đừng quên đánh giá bài viết, like và chia sẻ cho bạn bè và người thân của bạn nhé !

Administrator: Kiên Nguyễn

Có một câu nói của người Nhật mà mình rất thích đó là " Người khác làm được thì mình cũng làm được ". Chính vì thế mà hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn ! Nếu như bạn đang gặp khó khăn và cần sự trợ giúp thì hãy comment phía bên dưới mỗi bài viết để nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng Blog Chia Sẻ Kiến Thức nhé.

Một vài lưu ý trước khi comment :

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *
Tất cả các comment của các bạn sẽ được giải đáp trong vòng 48h !
Không được sử dụng từ khóa trong ô 'Name', bạn hãy dùng tên thật hoặc Nickname của bạn !
Không dẫn link sang trang web/blog khác. Xem quy định comment tại đây. Thank All!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Shop