Chào các bạn, vào cái thời buổi mà công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ như hiện nay thì LẬP TRÌNH là một trong những nghề rất “hot” và chắc chắn là nó sẽ ngày càng “hot”.
Trong suy nghĩ của nhiều người thì, cứ học công nghệ thông tin ra là sẽ làm lập trình viên (dev), nhưng thực ra là không phải như vậy. Lập trình viên chỉ là một nhánh nhỏ, là một trong những hướng đi cho các bạn sinh viên IT mà thôi.
Có thể bạn sẽ thích: Công Nghệ Thông Tin bao gồm những chuyên ngành gì?
Nhưng nhìn nhận vào thực tế thì chúng ta có thể thấy, đây là một hướng đi rất hay cho các bạn mới tốt nghiệp, mới ra trường. Thậm chí sẽ không quá khi nói rằng hầu hết mọi sinh viên IT đều bắt đầu sự nghiệp là một lập trình viên.
Vậy làm thế nào để trở thành một lập trình viên “xịn” và làm thế nào để trở thành một lập trình viên chuyên nghiệp thì mình sẽ cùng các bạn tìm hiểu kỹ hơn ở trong bài viết này nhé !
Mục Lục Nội Dung
I. Phải làm gì để trở thành một lập trình viên chuyên nghiệp?
Đọc thêm:
- 5 yếu tố để trở thành một lập trình viên toàn diện hơn
- Tìm hiểu kỹ hơn về ngành CNTT qua 5 câu hỏi kinh điển #1
- Chia sẻ với bạn 5 bí kíp để trở thành một lập trình viên “cứng”
- Lương lập trình viên có thể đạt 100 triệu/tháng: Tin được không?
#1. Nắm chắc các kiến thức cơ bản
Cũng như một ngôi nhà, muốn nhà vững chắc thì móng nhà phải thật sâu và rộng, không có lỗ hổng nào bên trong. Tương tự như vậy, để trở thành một lập trình viên “xịn” thì trước tiên bạn phải có kiến thức cơ bản/ kiến thức nền thật tốt cái đã.
Tất nhiên, việc đòi hỏi một sinh viên mới ra trường có chuyên môn tốt và có kinh nghiệm tốt là một điều tương đối khó, nhưng việc đòi hỏi một sinh viên có kiến thức căn bản tốt là một điều không quá đáng chút nào.
Vậy “kiến thức cơ bản” mà mình đang nhắc đến ở đây là gì?
Đó là những kiến thức về kiến trúc máy tính, cách thức vận hành của máy tính, hệ điều hành, cấu trúc dữ liệu và giải thuật cơ bản và một ngôn ngữ lập trình nào đó…
Đó cũng là cách giúp chúng ta rèn luyện tư duy để giải quyết vấn đề, cũng như cách giúp các bạn ứng biến/ xử lý khi gặp phải những tình huống khó khăn.
Câu hỏi tiếp theo là tại sao nắm chắc kiến thức cơ bản lại có thể khiến bạn trở thành một lập trình viên “xịn”?
Để trả lời cho câu hỏi này thì khi nào các bạn đi làm được một thời gian thì các bạn sẽ tự cảm nhận được rất rõ, nhất là khi phải tiếp cận với nhiều công nghệ mới hàng ngày.
Kiến thức cơ bản cho các bạn nền móng vững chắc để đào sâu vào một công nghệ nào đó, vì bản chất của những công nghệ mới dù thay đổi đến đâu thì những điều căn bản và cốt lõi của chúng vẫn được giữ nguyên.
Các bạn không tin thì cứ để ý những anh dev cứng ở công ty mà các bạn đang làm thì sẽ thấy, họ có kiến thức căn bản rất tốt. Hỏi gì biết đó, hiểu vấn đề rất sâu. Đó là do họ nắm kiến thức nền rất chắc.
#2. Rèn luyện tinh thần trách nhiệm
Nói về TRÁCH NHIỆM thì cho dù bạn làm về nghề gì hay lĩnh vực gì thì cũng phải luôn đặt lên hàng đầu, chứ không riêng gì lập trình viên.
Vậy như thế nào là một lập trình viên có trách nhiệm?
Theo cá nhân mình, trách nhiệm này thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau, đôi khi nó đơn giản chỉ là việc bạn chấp hành giờ giấc theo đúng quy định của công ty.
Nhưng đôi khi nghiêm trọng hơn, nó liên quan đến việc đảm bảo bảo mật thông tin dự án của công ty…
Trong khuân khổ bài viết này mình muốn đề cập đến sự trách nhiệm trong công việc. Mà cụ thể ở đây là cách chúng ta viết code, cách chúng ta làm việc với mọi người.
Mình từng làm việc với vài người bạn, họ viết code rất ẩu, hầu như không bao giờ kiểm tra lại code đã viết, thậm chí là họ chỉ viết cho xong để cho đội ngũ tester lo phần kiểm thử.
Đến lúc lỗi tùm lum thì lại mất công cãi nhau – rồi ngồi chỉnh sửa lại, chưa kể quá trình viết code họ không viết theo quy tắc chung, mạnh ai người nấy viết, không chú thích (comment) để người khác hiểu.
Để rồi đến lúc người sau vào đọc và sửa lỗi cho họ thì thực sự là phát cáu, vì đọc không hiểu gì hết hoặc có hiểu thì cũng tức vì “code vớ code vẩn”.
Chưa kể nhiều bạn làm chưa xong task đã bỏ dở khiến nhiều team khác cũng bị ảnh hưởng lây.
Đọc thêm: Clean Code là gì? Tại sao phải CLEAN CODE trong lập trình?
Ừ thì hết giờ là bạn có thể về, nhưng nếu chưa xong thì hãy nán lại thêm một chút cho xong hẳn đi, hoặc nếu còn nhiều quá thì hãy thông báo lại cho mọi người là để hôm sau “chiến đấu tiếp”..
Vậy nên mình mới nói, trách nhiệm là một trong những điều tiên quyết để bạn có thể trở thành một lập trình viên “xịn”.
#3. Nhớ mình đã sai ở đâu và đừng lặp lại đến lần thứ 3
Sai thì ai mà chẳng có lúc sai, có đúng không ạ !
Làm lập trình viên thì lại càng hay sai hơn nữa, thậm chí là sai rất nhiều là đằng khác. Không có ai trách chúng ta trong những lần sai đầu tiên (trừ khi nó quá nghiêm trọng, ví dụ như lỡ tay xóa database 😊)
Nhưng nếu là một lập trình viên “xịn” thì họ sẽ không phạm phải một sai lầm cho đến lần thứ 3. Tại sao mình lại không dám nói là cho đến lần thứ 2.
Vì thực tế, dù vô tình hay cố ý thì lần đầu tiên sai lầm chúng ta sẽ chỉ ghi nhớ nếu đó là một lỗi tương đối nghiêm trọng, hoặc người khác đã gặp và nói cho bạn biết, sau đó bạn lại mắc đúng lỗi đó.
Mình từng có cậu em làm chung team, bạn này làm front-end (về giao diện người dùng). Tuy khá thông minh nhưng lại hay bị mắc những lỗi sai xót “vặt vãnh” khi làm.
Có những lỗi mình đã nhắc bạn ý 3-4 lần mà bạn ý vẫn không nhớ để lần sau không mắc phải nữa, thậm chí có lần bạn ý đã bị leader nổi cáu vì cứ lặp đi lặp lại một lỗi mà anh em trong team đã nhắc nhở.
Một phần đến từ trách nhiệm, nhưng phần đa mình nghĩ bạn đó không biết cách rút kinh nghiệm, không biết ghi chú lại để nhớ hay làm cách nào đó để không lặp lại lỗi sai đó nữa.
Nói vậy để các bạn thấy rằng chúng ta vốn không thể tránh khỏi những sai sót, nhưng rõ ràng việc biết sai và sửa sai sẽ giúp các bạn tốt hơn mỗi ngày. Và cũng không làm người khác khó chịu !
#4. Luôn luôn học hỏi
Học hỏi mình muốn nói ở đây là học hỏi ở rất nhiều khía cạnh khác nhau, chứ không chỉ là là vấn đề chuyên môn. Với một lập trình viên chuyên nghiệp thì chuyên môn không phải là tất cả !
Vậy cần phải học hỏi thêm những gì để trở thành một lập trình viên “xịn”?
Tất nhiên, đầu tiên vẫn là kiến thức chuyên môn rồi !
Khi các bạn đi làm, mình nói thật là các bạn sẽ có rất ít thời gian rảnh rỗi để ngồi học nguyên một công nghệ mới nào đó.
Không giống với cái thời các bạn còn đi học, bạn có thể học từ A-Z một kỹ năng nào đó, bạn có rất nhiều thời gian cho việc học và nghiền ngẫm.
Nhưng khi đã đi làm rồi thì khác, đôi khi bạn chỉ có khoảng một tuần để ngốn hết đống tài liệu của một công nghệ nào đó và bắt đầu lao vào dự án ngay.
Nhiều bạn mới đầu sẽ bị ngộp, mình cũng từng như thế. Nhưng đừng quên là bạn còn đồng nghiệp, bạn bè và các đàn anh ở công ty.
Hãy tranh thủ học hỏi từ họ và nếu có thể thì bạn hãy nhờ họ chỉ giúp những gì có thể. Họ sẽ vạch ra con đường ngắn nhất cho bạn.
Ngoài ra, mình khuyên các bạn nên tranh thủ học thêm những lúc rảnh rỗi, đặc biệt là mấy bạn làm ở các công ty Product – nơi mà công nghệ có nhiều thay đổi.
Ngoài chuyên môn thì các bạn cũng nên học những “kỹ năng” khác từ các đàn anh, đàn chị. Đó là kỹ năng thuyết trình, đó là kỹ năng viết báo cáo, đó là kỹ năng phân chia nguồn lực, quản lý nhân lực…
Đừng chỉ lao đầu vào code vì code mãi bạn sẽ cảm thấy mất hứng thú với nó ! Mình không biết các bạn thế nào, nhưng các bạn cứ thử hỏi mấy người đi code được 2-3 năm mà xem.
Hỏi 10 người thì sẽ có 7, 8 người nói là “nếu em muốn tiến xa hơn thì đừng code mãi”. Mình nói vậy không phải để xúi các bạn đừng code nữa.
Mà ý mình muốn muốn nói ở đây là hãy học hỏi mọi thứ và biết đâu đến một ngày bạn sẽ không phải code nữa 😊
II. Lời kết
Vâng, như vậy là trong bài viết này mình đã cùng các bạn giải đáp câu hỏi làm sao để trở thành một lập trình viên “xịn” rồi nha.
Đọc đến đây không biết có bạn nào thắc mắc sao mình không đề cập đến yếu tố “thông minh” không nhỉ 🙂
Chắc chắn rồi, những bạn thông minh – tinh ý thường rất “đáng sợ”, vì họ tiếp cận và giải quyết vấn đề rất nhanh. Nhưng điều đó không có nghĩa là “xịn”, nó chỉ là một yếu tố góp phần nhỏ thôi.
Bạn không nhất thiết phải quá thông minh để trở thành một lập trình viên “xịn” đâu. Hi vọng bài viết sẽ giúp ích cho nhiều bạn, hẹn gặp lại các bạn trong các bài viết tiếp theo.
- Bài này hay nè 🙂 Những cách kiếm thêm tiền cho dân IT (Công nghệ Thông Tin)
CTV: Nguyễn Đức Cảnh – Blogchiasekienthuc.com