Hàm số đa thức, hàm số phân thức, hàm vô số tỉ là một trong những hàm số Đại số thường gặp nhất và quan trọng nhất trong Đại số.
Việc khảo sát sự biến thiên của hàm số và vẽ đồ thị của các hàm số trên sẽ mang lại cho chúng ta rất nhiều lợi ích, rất hữu ích trong quá trình giải bài tập.
Cụ thể là:
- Xác định được tính đơn điệu của hàm số (đồng biến, nghịch biến)
- Tìm được tọa độ của điểm uốn
- Xác định được trục đối xứng
- Xác định được tâm đối xứng…
Vâng, và trong bài viết ngày hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về cách khảo sát sự biến thiên và vẽ đồ thị của hàm phân thức.
Mục Lục Nội Dung
#1. Hàm số phân thức là hàm số như thế nào?
Hàm $y=f(x)$ được gọi là hàm số phân thức khi $f(x)$ là một phân thức tức có dạng:
$\frac{a_0 x^n+a_1 x^{n-1}+\cdots+a_n}{b_0 x^n+b_1 x^{n-1}+\cdots+b_n}$
#2. Các bước khảo sát sự biến thiên của hàm số phân thức
Bước 1. Tìm tập xác định của hàm số
Bước 2. Xét sự biến thiên của hàm số
Bước 2.1.
- Tìm giới hạn tại vô cực và giới hạn vô cực của hàm số
- Tìm các đường tiệm cận của đồ thị hàm số
Bước 2.2. Lập bảng biến thiên của hàm số
- Tìm đạo hàm của hàm số
- Xét dấu đạo hàm
- Xét chiều biến thiên
- Điền các kết quả vào bảng
Bước 3. Vẽ đồ thị của hàm số
Bước 3.1. Vẽ các đường tiệm cận của đồ thị
Bước 3.2. Xác định một số điểm đặc biệt của đồ thị
- Tìm giao điểm của đồ thị với trục tung
- Tìm giao điểm của đồ thị với trục hoành
Chú ý:
Nếu đồ thị không cắt các trục toạ độ hoặc việc tìm toạ độ giao điểm phức tạp thì không cần tìm.
Bước 3.3. Nhận xét về đồ thị
- Chỉ ra trục đối xứng của đồ thị
- Chỉ ra tâm đối xứng của đồ thị
#3. Bài tập khảo sát sự biến thiên của hàm số
Trong phạm vi ngắn gọn của bài viết này chúng ta sẽ tìm hiểu hàm số phân thức:
- Bậc nhất trên bậc nhất $y=\frac{a x+b}{c x+d}$ với $c \neq 0$ và $a d-b c \neq 0$
- Bậc hai trên bậc nhất $y=\frac{a x^2+b x+c}{a^{\prime} x+b^{\prime}}$ với $a \neq 0$ và $a^{\prime} \neq 0$
Cụ thể như sau:
3.1. Hàm phân thức bậc nhất trên bậc nhất
Ví dụ 1. Khảo sát sự biến thiên và vẽ đồ thị của hàm số phân thức $y=\frac{2x+3}{5x+7}$
Lời giải:
Dễ thấy hàm số có tập xác định là $\mathbb{R} \backslash \left\{-\frac{7}{5}\right\}$
+) Sự biến thiên của hàm số
Giới hạn vô cực, giới hạn tại vô cực và các đường tiệm cận:
$\lim _{x \rightarrow -\frac{7}{5}^{-}} \frac{2x+3}{5x+7}=-\infty$ và $\lim _{x \rightarrow -\frac{7}{5}^{+}} \frac{2x+3}{5x+7}=+\infty$
Vậy => đường thẳng $x=-\frac{7}{5}$ là đường tiệm cận đứng của đồ thị hàm số khi $x \rightarrow -\frac{7}{5}^{-}$ và khi $x \rightarrow -\frac{7}{5}^{+}$
$\lim _{x \rightarrow+\infty} \frac{2x+3}{5x+7}=\frac{2}{5}$ và $\lim _{x \rightarrow-\infty} \frac{2x+3}{5x+7} =\frac{2}{5}$
=> Đường thẳng $y=\frac{2}{5}$ là đường tiệm cận ngang của đồ thị hàm số khi $x \rightarrow+\infty$ và khi $x \rightarrow-\infty$
+) Lập bảng biến thiên
$y^{\prime}=\frac{-1}{(5x+7)^2}<0$ với mọi $x \neq -\frac{7}{5}$
Hàm số nghịch biến trên mỗi khoảng $(-\infty ; -\frac{7}{5})$ và $(-\frac{7}{5} ;+\infty)$
Casio FX 580 VNX [Mua trên Shopee] [Mua trên Tiki] |
CASIO FX 880 BTG [Mua trên Shopee] [Mua trên Lazada] |
+) Đồ thị hàm số
Dễ thấy đồ thị cắt trục tung tại điểm $\left(0 ; \frac{3}{7}\right)$
Cho $y=0$ chúng ta được phương trình $\frac{2x+3}{5x+7}=0$
Giải phương trình $\frac{2x+3}{5x+7}=0$ chúng ta được nghiệm là $-\frac{3}{2}$
Suy đồ thị cắt trục hoành tại điểm $\left(-\frac{3}{2} ; 0\right)$
Ngoài ra thì đồ thị nhận giao điểm $\left(-\frac{7}{5} ; \frac{2}{5}\right)$ của hai đường tiệm cận làm tâm đối xứng.
3.2. Hàm phân thức bậc hai trên bậc nhất
Ví dụ 2. Khảo sát sự biến thiên và vẽ đồ thị của hàm số $y=\frac{x^2+2x+2}{x+1}$
Lời giải:
Dễ thấy, hàm số có tập xác định là $\mathbb{R} \backslash\{-1\}$
+) Sự biến thiên của hàm số
Giới hạn tại vô cực, giới hạn vô cực và các đường tiệm cận
$\lim _{x \rightarrow-\infty} \frac{x^2+2x+2}{x+1}=-\infty$ và $\lim _{x \rightarrow+\infty} \frac{x^2+2x+2}{x+1}=+\infty$
=> Đường tiệm cận ngang của đồ thị hàm số không tồn tại.
$\lim _{x \rightarrow -1^{-}} \frac{x^2+2x+2}{x+1}=-\infty$ và $\lim _{x \rightarrow -1^{+}} \frac{x^2+2x+2}{x+1}=+\infty$
=> Đường thẳng $x=-1$ là đường tiệm cận đứng của đồ thị hàm số đã cho khi $x \rightarrow -1^{-}$ và khi $x \rightarrow -1^{+}$
$\lim_{x \rightarrow+\infty} \frac{\frac{x^2+2x+2}{x+1}}{x}=\lim _{x \rightarrow+\infty} \frac{x^2+2x+2}{x^2+x}=1$
$\lim _{x \rightarrow+\infty}\left(\frac{x^2+2x+2}{x+1}-x\right)=\lim _{x \rightarrow+\infty}\frac{x+2}{x+1}=1$
=> Đường thẳng $y=x+1$ là đường tiệm cận xiên của đồ thị hàm số đã cho khi $x \rightarrow+\infty$
$\lim _{x \rightarrow-\infty} \frac{\frac{x^2+2x+2}{x+1}}{x}=1$
$\lim _{x \rightarrow-\infty}[\frac{x^2+2x+2}{x+1}-x]=1$
=> Đường thẳng $y=x+1$ cũng là đường tiệm cận xiên của đồ thị hàm số đã cho khi $x \rightarrow-\infty$
+) Bảng biến thiên
$y^{\prime}=\frac{x^2+2 x}{(x+1)^2}$
Cho $y^{\prime}=0$ chúng ta được phương trình $\frac{x^2+2 x}{(x+1)^2}=0$
Giải phương trình $\frac{x^2+2 x}{(x+1)^2}=0$ chúng ta được các nghiệm là $x=0$ hoặc $x=-2$
Hàm số đã cho:
- Đồng biến trên khoảng $(-\infty ;-2)$ và $(0 ;+\infty)$
- Nghịch biến trên khoảng $(-2 ;-1)$ và $(-1 ; 0)$
- Đạt cực đại tại điểm $x=-2$ với giá trị cực đại $y(-2)=-2$
- Đạt cực tiểu tại điểm $x=0$ với giá trị cực tiểu $y(0)=2$
+) Đồ thị hàm số
Dễ thấy đồ thị hàm số cắt trục tung tại điểm $(0 ; 2)$
Ngoài ra thì đồ thị nhận giao điểm $I(-1 ; 0)$ của hai đường tiệm cận làm tâm đối xứng.
#4. Lời kết
Vâng, như vậy là qua bài viết này mình đã hướng dẫn cho bạn cách khảo sát sự biến thiên của hàm số phân thức rồi nhé.
Để có thể khảo sát sự biến thiên và vẽ đồ thị của các hàm số phân thức một cách chính xác và nhanh chóng thì ngoài các kiến thức vừa được trình bày ở trên ra, các bạn cũng nên xem lại bài viết:
Hi vọng bài viết này sẽ hữu ích bạn. Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại các bạn trong những bài viết tiếp theo !
Đọc thêm:
Cách bấm máy tính xét sự biến thiên của hàm số 2024
CTV: Nhựt Nguyễn – Blogchiasekienthuc.com
Edit by Kiên Nguyễn